Ngân hàng nhỏ không dễ tăng vốn điều lệ
Thủy Triều
![]() |
Các ngân hàng đang tập trung cho các kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng theo quy định. Ảnh: Lê Toàn |
(TBKTSG Online) – Thời hạn để các ngân hàng nhỏ phải tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng theo quy định chỉ còn chưa đầy 7 tháng trong khi hạn chót để nộp kế hoạch tăng vốn cho Ngân hàng Nhà nước chỉ còn hơn 1 tháng. Kế hoạch thì gần như ngân hàng nào cũng đã có tuy nhiên theo các chuyên gia việc thực hiện sẽ không phải dễ.
Trong số 42 ngân hàng thương mại trong nước thì hiện có đến 20 ngân hàng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng. Riêng tại TPHCM, trong số 16 ngân hàng có hội sở chính tại đây thì có đến 9 ngân hàng chưa đạt yêu cầu về vốn.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, các ngân hàng trên đều đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông thông qua, một số đã nộp kế hoạch tăng vốn cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM để gửi về Ngân hàng Nhà nước, trong khi một vài ngân hàng vẫn đang hoàn chỉnh các giấy tờ để trình kế hoạch tăng vốn.
Phần lớn các ngân hàng đưa ra phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, cán bộ công nhân viên trong khi số khác thì tìm đối tác chiến lược trong, ngoài nước để bán cổ phần.
Đơn cử, vốn điều lệ hiện nay của Ngân hàng Gia Định là 1.000 tỉ đồng, ngân hàng dự kiến sẽ tăng vốn lên 2.000 tỉ vào tháng 8 và đến tháng 11 năm nay sẽ đạt 3.000 tỉ đồng. Đợt đầu, ngân hàng này sẽ phát hành 3,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và phát hành 94,6 triệu cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu. Trong đợt tăng vốn lần hai lên 3.000 tỉ đồng, ngân hàng sẽ chào bán 100 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu và bán nốt số cổ phần nếu chưa bán hết trong đợt một.
Ngân hàng Nam Á có kế hoạch tăng vốn từ 1.200 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng trong quí 2 và 6 tháng cuối năm sẽ đạt 3.000 tỉ đồng, đều từ phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Lãnh đạo của một ngân hàng vốn hiện chỉ có 1.000 tỉ đồng quả quyết nếu phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phần chắc chắn sẽ thành công vì khi ngân hàng lên sàn thế nào giá cũng tăng mà nhà đầu tư nhỏ thường chỉ chú trọng vào giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, phải xét đến yếu tố hiện nay cổ phiếu ngân hàng không còn được liệt vào loại “cổ phiếu vua” như hơn 2 năm trước đây, bằng chứng là trong suốt giai đoạn các cổ phiếu thị giá nhỏ duy trì hoặc tăng giá thời gian qua, thì cổ phiếu của các ngân hàng đang niêm yết trên sàn chính thức lẫn giao dịch trên thì trường OTC không thể tăng nổi, thậm chí giá một vài ngân hàng còn giảm. Chưa kể, đây đều là những ngân hàng có tên tuổi trong ngành và các chỉ số tài chính đều tốt.
Ông Fiachra MacCana, Phó giám đốc điều hành và Trưởng bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán TPHCM (HSC), cho rằng ngành ngân hàng Việt Nam đang trong giai đoạn củng cố, đồng thời một thách thức đối với tất cả các ngân hàng đó là tiếp tục tăng vốn trong thời gian tới để tránh nguy cơ tụt hậu. “Cho đến khi các ngân hàng chứng minh được khả năng của mình, thì việc đầu tư vào các ngân hàng nhỏ là khoản đầu tư rủi ro cho hầu hết các nhà đầu tư”, ông nói.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Bản Việt, cho rằng nhà đầu tư có thể nhìn vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng, tình hình trả cổ tức để có thể quyết định đầu tư vào ngân hàng nhỏ nếu tỷ lệ này cao.
Tuy nhiên, trên thực tế dù tốc độ tăng lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ cao, nhưng nếu đem so với vốn điều lệ tăng cao thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng nhỏ khá khiêm tốn. Ví dụ năm 2009 tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn tự có của Ngân hàng Gia Định bình quân đạt 5,13%, thấp hơn so với mức trung bình của các ngân hàng đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán là khoảng 17%-18%.
Đối với cổ tức, thì dù cố lắm các ngân hàng nhỏ chỉ có thể cam kết mức cổ tức cho cổ đông là 12%, cá biệt có ngân hàng chỉ trả cổ tức có 6% – 7%, thấp hơn so với các ngân hàng lớn đang niêm yết. Chưa kể giá của các ngân hàng nhỏ đang giao dịch trên OTC còn thấp hơn so với mệnh giá 10.000 đồng. Như vậy, không dễ dàng cho các ngân hàng nhỏ để thuyết phục cổ đông hiện hữu bỏ thêm tiền đầu tư vào ngân hàng cho dù giá mua cổ phiếu phát hành thêm bằng mệnh giá.
Còn đối với phương án bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài thì dù đã tìm kiếm khá lâu, nhiều ngân hàng vẫn chưa lựa chọn được đối tác ưng ý có thể làm việc chung trong thời gian dài sau này. Từ đầu năm đến nay, chỉ mới có Ngân hàng Quốc tế (VIB) bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Commonwealth Bank của Úc.
Bà Hoa của Công ty chứng khoán Bản Việt cho biết hiện nay luật pháp Việt Nam đã cho phép ngân hàng nước ngoài mở ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, vì vậy mua cổ phần của các ngân hàng trong nước để thâm nhập thị trường Việt Nam không phải là cách duy nhất cho nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn, bà nói. Bằng chứng là Ngân hàng ANZ đã thoát vốn khỏi Sacombank để tự kinh doanh ngân hàng riêng của mình.
Tuy nhiên, để có thể thực hiện các kế hoạch tăng vốn của mình, các ngân hàng thương mại phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Cuối tháng 6, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét đánh giá các kế hoạch này và ngân hàng nào không được chấp nhận cũng sẽ phải đi tới kết quả là bị sáp nhập với ngân hàng khác hoặc giải thể.
Ông MacCana cho biết “Củng cố ngành ngân hàng là một bước tiến lớn vì nó sẽ giúp giảm rủi ro về mặt hệ thống và cho phép Việt Nam tập trung phát triển từ 5 đến 10 ngân hàng lớn và mạnh để có thể cạnh tranh với các ngân hàng khác trên thế giới. Hy vọng điều đó cũng sẽ giúp chấm dứt cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng để huy động vốn thể hiện qua các cuộc đua lãi suất gần đây”.