Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng nhỏ: vẫn rất cần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng nhỏ: vẫn rất cần

PGS. TS. Trương Quang Thông (*)

Ngân hàng nhỏ: vẫn rất cần
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần phải có sự thận trọng và dựa trên quan điểm hệ thống chứ không phải ở quy mô lớn hay nhỏ – Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Các ý kiến thảo luận trên nhiều diễn đàn gần đây đang vô tình gây ra những thông tin khá phản cảm về các ngân hàng nhỏ. Phải chăng những yếu kém hiện nay của hệ thống ngân hàng đều ở các ngân hàng nhỏ?

Khi nói về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tiêu điểm thảo luận xuất hiện thường xuyên trên các diễn đàn chính là các ngân hàng nhỏ. Thanh khoản và cạnh tranh lãi suất: do các ngân hàng nhỏ. Hệ thống ngân hàng yếu kém: do còn nhiều ngân hàng nhỏ. Các cơ quan giám sát cũng sử dụng thường xuyên hơn cụm từ “ngân hàng nhỏ”, trong khi chính họ cũng chưa thể đề xuất những tiêu chí tổng quát để phân loại và giám sát ngân hàng lớn, nhỏ.

Bỗng dưng trở thành nạn nhân

Nhớ lại, trước khi có Nghị định 141/2006/NĐ-CP, ở Việt Nam, bên cạnh các ngân hàng cổ phần đô thị, đã tồn tại và phát triển trong một thời gian dài các ngân hàng cổ phần nông thôn. Dù có trải qua những thăng trầm nhất định, nhưng một số ngân hàng cổ phần nông thôn đã khẳng định khá tốt vai trò phục vụ các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân, nông hộ và khách hàng khu vực nông thôn của họ, chẳng hạn các ngân hàng Kiên Long, Mỹ Xuyên, Rạch Kiến… ở vùng Tây Nam bộ. Các ngân hàng này có phạm vi hoạt động chỉ trong một tỉnh, thành nhất định.

Trào lưu chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn lên đô thị, cộng với lộ trình tăng vốn theo quy định của Nghị định 141 đã mặc nhiên “xóa sổ” mô hình ngân hàng nông thôn, mô hình ngân hàng nhỏ. Một số ngân hàng nông thôn như bắt gặp một cơ hội phát triển không dễ gì có được, một số khác phải cố gắng lao theo cơn lốc phong trào.

Trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi (2006-2007), do “ăn theo” đà phát triển “ngàn năm một thuở” của thị trường chứng khoán Việt Nam, các ngân hàng nông thôn chuyển đổi thành ngân hàng đô thị đã ít gặp phải những trở ngại, áp lực trong việc gia tăng vốn điều lệ theo quy định.

Thế nhưng, theo đà xuống dốc thảm hại của thị trường chứng khoán, cộng với những cơn khủng hoảng thanh khoản, tình trạng lạm phát cao của nền kinh tế, những cuộc đua lãi suất từ năm 2008 đến nay, các ngân hàng nhỏ đã trở thành những “nạn nhân” trong hệ thống ngân hàng, đã bộc lộ rõ những điểm yếu không thể tránh khỏi. Do áp lực phải “lớn” nhưng các ngân hàng nhỏ bắt buộc phải mở rộng địa bàn và quy mô hoạt động, trong đó chủ yếu là hoạt động tín dụng, để có thể thẩm thấu hết lượng vốn khả dụng gia tăng quá nhanh trong thời kỳ 2006-2007 và cả trong năm 2008. 

Nhưng chiếc áo ngân hàng đô thị dường như vẫn còn quá rộng đối với họ: làm sao mà khả năng, kinh nghiệm, trình độ quản lý và bộ máy nhân sự, cơ sở hạ tầng công nghệ của các ngân hàng này, trong một hai năm, có thể theo kịp tốc độ gia tăng về quy mô hoạt động? Tiếp đến, sự đình trệ kinh tế là một tác động mang tính chất cộng hưởng, làm gia tăng những khó khăn cho các ngân hàng nhỏ. Và càng khó hơn khi mà những quy định về giám sát và an toàn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng lại áp dụng theo kiểu “cá mè một lứa”, không phân biệt lớn – nhỏ.

Giải thể ngân hàng nhỏ: không là giải pháp an toàn

Nhiều lý lẽ đề xuất cần phải có những giải pháp mạnh tay hơn trong việc tái cấu trúc các ngân hàng nhỏ vẫn chưa đề cập đến khái niệm lợi ích kinh tế và quyền lợi công chúng về phương diện dịch vụ cung ứng bởi các loại hình ngân hàng có quy mô khác nhau.

Trong bối cảnh một nền kinh tế chuyển đổi mà vốn đầu tư nói chung còn trông chờ vào hệ thống ngân hàng, thì cần phải công bằng hơn trong việc xét đoán và đánh giá những đóng góp của ngân hàng nhỏ so với các ngân hàng lớn. Mỗi loại hình ngân hàng có những cách đóng góp khác nhau.

Quyền lợi của công chúng sẽ chịu tác động ra sao nếu phải xóa sổ các ngân hàng nhỏ, đó là chưa nói đến việc hiện nay, chưa có căn cứ để xác định rủi ro hệ thống có thể đến từ nhóm ngân hàng nào. Xét về lý thuyết, rủi ro hệ thống đến từ các ngân hàng lớn thường cao hơn từ các ngân hàng nhỏ.

Trên thực tế, hệ thống ngân hàng đã bộc lộ những yếu tố không bền vững, đặc biệt là tại một số ngân hàng cổ phần vừa và lớn, chẳng hạn như tình trạng biến ngân hàng thành kênh cho vay cho các công ty gia đình của các cổ đông lớn, xu hướng “tập đoàn hóa” của một số ngân hàng với những rủi ro đan xen, chồng chéo của các công ty con rất khó kiểm soát…

Việc giải thể ngân hàng nhỏ xem ra không phải là một bài thuốc an toàn trong tình trạng một số ngân hàng nhỏ đã có những bước phát triển và bành trướng địa lý nhất định. Sáp nhập có thể là một cách tốt hơn, nhưng không dễ nếu chỉ dựa vào các quyết định hành chính. Chúng ta đã từng có những kinh nghiệm quý báu về sáp nhập các hợp tác xã tín dụng thành những ngân hàng cổ phần đầu tiên của thời kỳ 1992-1993, một số rất ít trong đó nay đã trở thành ngân hàng cổ phần tốp trên; nhưng vẫn còn khá nhiều ngân hàng cổ phần với cùng điểm xuất phát như trên, nhưng sau 17-18 năm phát triển, vẫn mãi là những ngân hàng nhỏ.

Các quy tắc giám sát ngân hàng theo khuôn khổ Basel I và II đã không tính đến những rủi ro đặc thù của từng loại ngân hàng khác nhau. Thiết nghĩ, nền kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực kinh tế nông thôn, kinh tế nông hộ, và thậm chí cả khu vực kinh tế phi chính thức nói riêng vẫn luôn cần, và cần rất nhiều, những hoạt động cho vay và dịch vụ của các ngân hàng nhỏ. Sự tồn tại của các ngân hàng nhỏ là một thực tế khách quan vì nó có những đóng góp không thể phủ nhận được cho nền kinh tế. Do đó, khi thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, việc thiết lập và thực thi các chính sách, mô hình quản lý, giám sát cần phải được xem xét cẩn trọng hơn, trên quan điểm hệ thống chứ không phải ở quy mô lớn hay nhỏ.

______________________

(*) Đại học Kinh tế TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới