(KTSG Online) - Hàng loạt ngân hàng quốc tế đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm ứng phó với tình trạng thua lỗ trong các hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.
- Không phải Trung Quốc, ASEAN mới là nơi ngân hàng kiếm được lợi nhuận
- Nợ xấu bất động sản thương mại tiếp tục gây áp lực lên các ngân hàng Mỹ
- Ngân hàng ASEAN ứng phó với rủi ro tín dụng gia tăng và kinh doanh giảm sút
Môi trường kinh doanh bị siết chặt và cạnh tranh hơn ở đại lục buộc các ngân hàng này phải tìm thị trường mới ở ASEAN.
HSBC: lợi nhuận bốc hơi do đầu tư tại Trung Quốc kém
Lợi nhuận trước thuế của HSBC đạt 1 tỉ đô la trong quí 4-2023, giảm hơn 80% so với mức lời 5,2 tỉ đô la của cùng kỳ năm 2022 do khoản lỗ 3 tỉ đô la vì đã đầu tư vào China’s Bank of Communication (CBC) tại Trung Quốc – theo báo cáo kết quả kinh doanh của HSBC công bố hôm 21-2.
Lợi nhuận trước thuể của HSBC đạt kỷ lục 30,3 tỉ đô la trong năm 2023, tăng 78% so với năm trước nhờ vào thương vụ bán mảng ngân hàng bán lẻ ở Pháp. Nhưng về tổng thể, các khoản thua lỗ của CBC đã trì kéo kết quả kinh doanh tổng thể.
Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của HSBC thấp hơn mức ước tính trung bình là 34,8 tỉ đô la, theo hãng dữ liệu Refinitiv.
Cổ phiếu của HSBC trên thị trường chứng khoán Hồng Kông đã giảm 3% sau khi ngân hàng công bố kết quả kinh doanh.
“Tình hình hồi phục kinh tế của Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại đã khó khăn hơn dự kiến, nhưng nền kinh tế nước này vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5% trong năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ được duy trì vào năm 2024, với các chính sách được công bố gần đây để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản và khủng hoảng nợ chính quyền địa phương đang lan rộng”, Chủ tịch Mark Tucker của HSBC phát biểu trong thông cáo của HSBC.
Trong nỗ lực cải thiện lợi nhuận cho cổ đông, HSBC đang rao bán chi nhánh HSBC ở Canada và các công ty con của HSBC cho Royal Bank of Canada với giá 10,1 tỉ đô la. Việc mua bán dự kiến sẽ được hoàn thành trong nửa đầu năm nay, HSBC cho biết trong hồ sơ nộp Sở giao dịch chứng khoán cuối tháng 12.
Hai nhà phân tích Katherine Lei và Lincoln Yu thuộc J.P. Morgan cho rằng việc thanh lý “sẽ hỗ trợ lợi nhuận cổ đông mạnh mẽ vào năm 2024”. Tuy nhiên, họ nhận thấy rủi ro đối với dự báo về doanh thu năm 2024 do khả năng cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương có thể làm giảm doanh thu của HSBC, vốn vẫn chưa được thị trường hấp thụ hết.
Nomura: tái cơ cấu liên doanh thua lỗ tại Trung Quốc
Ngân hàng đầu tư lớn nhất Nhật Bản Nomura đã bắt đầu tái cơ cấu liên doanh thua lỗ Nomura Orient International tại Trung Quốc sau khi việc xin phép mở rộng kinh doanh tại đại lục bị trì hoãn.
Thành lập năm 2019, liên doanh Nomura Orient International là một trong những ngân hàng đầu tư nước ngoài đầu tiên được phép vận hành một liên doanh do nước ngoài chiếm sở hữu đa số tại Trung Quốc.
Cựu CEO Nomura Koji Nagai đã thành lập liên doanh tại Trung Quốc như một phần trong kế hoạch tìm kiếm sự tăng trưởng bên ngoài Nhật Bản. Nagai muốn có được giấy phép ngân hàng đầu tư ở Trung Quốc vào cuối năm 2023. Bởi giấy phép giúp Nomura cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng địa phương cung cấp các dịch vụ sinh lợi như tư vấn mua bán và sáp nhập.
Kể từ khi thành lập, Nomura Orient International luôn chật vật trên con đường tìm kiếm lợi nhuận. Liên doanh đã thua lỗ 225 triệu nhân dân tệ (31 triệu đô la) trong năm 2022, tăng gần ba lần so với khoản lỗ 85 triệu nhân dân tệ của năm 2021.
Từ tháng 7-2023, liên doanh đã sa thải 8% nhân sự và sẽ cắt giảm thêm trước khi kết thúc năm tài chính vào tháng 3-2024.
Một nguồn tin nói với Financial Times rằng sự chậm trễ trong giấy phép kinh doanh và phê duyệt các sản phẩm đầu tư Nomura bán tại Trung Quốc đồng nghĩa liên doanh tại Trung Quốc phải “điều chỉnh quy mô phù hợp”. Nguồn tin nói rằng liên doanh có thể lỗ vô thời hạn. Nhưng nếu muốn cắt giảm hơn 10% nhân sự, liên doanh sẽ phải thực hiện quy trình công bố thông tin rất phức tạp, bao gồm thông báo cho các liên đoàn lao động.
Sau đợt sa thải gần đây, Nomura hiện có 259 người ở Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 500 người của công ty vào cuối năm 2023.
Triển vọng kinh doanh ở Trung Quốc không như trước
Trước Nomura và HSBC, ngân hàng Standard Chartered của Anh cho biết lợi nhuận trước thuế trong quí 3-2023 giảm 33%, cao hơn dự tính. Ngân hàng này bị thiệt hại gần 1 tỉ đô la trong quí 3 do các khoản lỗ trong ngân hàng liên doanh China Bohai và thị trường bất động sản đóng băng ở Trung Quốc.
Kết quả kinh doanh năm 2023 là vệt lỗ lã kéo dài từ năm 2022 của các ngân hàng liên doanh tại Trung Quốc thuộc nhiều ngân hàng quốc tế như Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs và HSBC…
Theo báo cáo của hãng dữ liệu Dealogic công bố tháng 1-2024, năm 2023 cũng đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa nguồn thu của các ngân hàng quốc tế ở châu Á. Bất động sản đóng băng, kinh tế nội địa trì trệ, chính sách kiểm soát nghiêm ngặt các vụ niêm yết ở Mỹ của cả chính phủ Mỹ lẫn Trung Quốc khiến các ngân hàng đầu tư lớn của phương Tây khó làm ăn hơn, lợi nhuận suy giảm.
Ngoài ra, ngân hàng phương Tây cũng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn với sự tham gia ngày càng nhiều của ngân hàng Trung Quốc.
Theo dữ liệu của hãng kiểm toán Deloitte, trong năm 2023 số lượng các công ty Trung Quốc niêm yết lần đầu (IPO) tại Mỹ tăng lên 37 công ty, so với 16 công ty vào năm 2022. Tuy vậy, số vốn gọi được giảm 35%.
Singapore là điểm đến hàng đầu của các ngân hàng phương Tây đang giảm bớt sự hiện diện ở Trung Quốc. Tái cơ cấu hoạt động kinh doanh trong khu vực được các ngân hàng xem là hợp lý nhằm đón đầu dòng vốn đang chảy mạnh vào Đông Nam Á.
Các ngân hàng Trung Quốc cũng muốn được chia phần miếng bánh tư vấn cho doanh nghiệp ASEAN với các ngân hàng phương Tây và ASEAN. Ngân hàng China International Capital (CICC) đang triển khai nhân sự ở Đông Nam Á, với Indonesia là thị trường mục tiêu lớn nhất.
Theo Nikkei Asia, Financial Times, CNBC, Dealogic