Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng phá trần lãi suất ngoại tệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng phá trần lãi suất ngoại tệ

Thủy Triều

Một số ngân hàng đã áp dụng lãi suất thỏa thuận đô la Mỹ. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Nhu cầu vay vốn bằng đô la Mỹ của doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng cao khiến các ngân hàng gần đây lại phải “phá rào” lãi suất huy động ngoại tệ nhằm thu hút tiền gửi bằng ngoại tệ từ dân cư.

>>Lãi suất đô la Mỹ cao nhất chỉ còn 2%

Hiện tại, lãi suất huy động ngoại tệ, chủ yếu là đô la Mỹ, cao nhất chỉ được 2%/năm cho cá nhân và 0,5% cho doanh nghiệp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, theo nhiều ngân hàng mức lãi suất trên là quá thấp so với mức cao nhất là gần 6% trước đó.

Do vậy, để thu hút thêm khách hàng mới cũng như giữ các khách hàng cũ muốn rút tiền ra khi đến ngày đáo hạn, các ngân hàng đã bắt đầu áp dụng chính sách thỏa thuận lãi suất ngoại tệ với khách hàng. Thêm vào đó, nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp đang gia tăng do lãi suất cho vay đô la Mỹ thấp hơn nhiều so với tiền đồng khiến ngân hàng phải tích cực tìm nguồn huy động ngoại tệ.

Hiện tại, dù đã giảm chút ít nhưng lãi suất cho vay tiền đồng vẫn ở mức 20%- 21,5%/năm, trong khi lãi suất cho vay đô la Mỹ chỉ ở mức 6%- 8%/năm. Thêm vào đó, nhiều dự báo cho rằng tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ từ nay đến cuối năm sẽ ổn định, càng củng cố quyết định vay ngoại tệ của doanh nghiệp.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TPHCM cho biết chỉ trong tháng 6, dư nợ ngoại tệ của ngân hàng ông đã tăng đến 100% so với tháng trước đó, và tăng trưởng huy động không thể theo kịp tốc độ cho vay ngoại tệ.

Chủ một doanh nghiệp cho biết hiện nay chỉ cần gửi trên 5.000 đô la Mỹ là có thể thỏa thuận lãi suất được. Ông cũng cho biết nhiều ngân hàng thỏa thuận lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ với ông ở mức 4%- 5%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 20-6, huy động vốn bằng ngoại tệ của các ngân hàng giảm 3,62% so với tháng trước trong khi dư nợ ngoại tệ tăng đến 2,43%. Và so với cuối năm 2010, dư nợ ngoại tệ đã tăng đến 23,5%.

Việc dư nợ vay ngoại tệ tiếp tục tăng cao khiến nhiều chuyên gia e ngại việc này không sớm thì muộn cũng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Vì doanh nghiệp vay ngoại tệ sẽ bán cho ngân hàng lấy tiền đồng mua nguyên liệu trong nước để sản xuất kinh doanh, làm nguồn cung ngoại tệ (để mua bán) tăng lên khiến giá đô la Mỹ gần đây ổn định, tuy nhiên khi đến hạn trả nợ các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ sẽ phải gom mua ngoại tệ trên thị trường để trả nợ, làm nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh. Hiện ngân hàng không thể lấy tiền gửi ngoại tệ đem đi bán cho doanh nghiệp có nhu cầu.

Điều này, cộng thêm các hạn chế khác của nền kinh tế Việt Nam như nhập siêu vẫn cao, lạm phát, vốn đầu tư nước ngoài thấp là những nguyên nhân được dự báo sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới