Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng phải cạnh tranh bằng dịch vụ và công nghệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng phải cạnh tranh bằng dịch vụ và công nghệ

Các ngân hàng ngoại đang khẳng định vị trí vững chắc của mình trong quá trình hội nhập vào Việt Nam -Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Chỉ vài ngày sau khi 2 ngân hàng nước ngoài đầu tiên là HSBC và Standard Chartered được nhận giấy phép thành lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam, một cuộc hội thảo đánh giá tác động hội nhập của ngành ngân hàng đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 11-9.

Cạnh tranh bằng dịch vụ

Tính đến thời điểm này, hệ thống các tổ chức tín dụng ở Việt Nam gồm có 5 ngân hàng thương mại nhà nước, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 6 ngân hàng liên doanh, 38 ngân hàng thương mại cổ phần, 47 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 2 ngân hàng con 100% vốn nước ngoài, không kể đến hàng trăm các tổ chức tài chính khác. Nếu nói về số lượng, hai năm sau khi tham dự WTO, các ngân hàng trong nước vẫn có lợi thế trên sân nhà, với thị phần huy động vốn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 90%.

Những thống kê trên đây từ văn bản của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra tại cuộc hội thảo: “Đổi mới và phát triển Ngân hàng Việt Nam trước yêu cầu hội nhập” do Bộ Công Thương và Văn phòng Ủy ban quốc gia hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức.

Tuy nhiên, tất cả những ưu thế về số lượng hiện tại sẽ không mang tính quyết định trong lĩnh vực cạnh tranh ở ngành ngân hàng, nhất là khi Việt Nam sẽ phải mở cửa toàn bộ đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính vào năm 2010, và buộc phải thực hiện đầy đủ những cam kết với WTO trong lĩnh vực này.

Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), trong góp ý của mình gửi tới hội thảo, đưa ra một thống kê: với 85 triệu dân nhưng mới có khoảng 7-8% dân số mở tài khoản tại ngân hàng và tốc độ phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đạt từ 50% đến 70%/năm, Việt Nam được các tổ chức tài chính nước ngoài đánh giá là thị trường tiềm năng về phát triển dịch vụ ngân hàng.

Song trước cánh cửa hội nhập ngày càng mở rộng, tiềm năng này không phải là mảnh đất “béo bở” dành riêng cho các ngân hàng trong nước mà là cuộc cạnh tranh dữ dội giữa các ngân hàng trong nước với nhau và các ngân hàng nội với ngân hàng ngoại, đòi hỏi cách kinh doanh thật chuyên nghiệp mới vượt qua thử thách và mở rộng thị phần.

Với trình độ quản lý và kinh nghiệm lâu năm, các ngân hàng nước ngoài đang có rất nhiều ưu thế trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm dịch vụ phi truyền thống. Họ cũng có khả năng mở rộng thị phần thông qua việc cấp tín dụng với các điều kiện ưu đãi hơn về lãi suất nhờ được sử dụng nguồn vốn rẻ từ ngân hàng mẹ năm trước chuyển sang.

Các ngân hàng thương mại trong nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng từ khủng hoảng và các cú sốc kinh tế tài chính nước ngoài, mất dần lợi thế về khách hàng và kênh phân phối, nhất là từ sau năm 2010, khi những phân biệt về huy động vốn, sản phẩm dịch vụ giữa ngân hàng nội và ngoại bị loại bỏ.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo rằng, ngân hàng nội muốn “đương đầu” trước sự vượt trội của ngân hàng ngoại phải tăng cường khả năng cạnh tranh bằng dịch vụ thay vì cạnh tranh bằng lãi suất như hiện tại, tiến tới nâng dần tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ đồng thời có nhiều biện pháp mạnh khác trong việc xử lý tín dụng và quản lý rủi ro.

BIDV thừa nhận, các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng nội địa còn nghèo nàn, tính tiện lợi chưa cao và chất lượng dịch vụ thấp. Có thể thấy rõ điều này qua cơ cấu thu nhập phi lãi/tổng thu nhập của ngân hàng còn hạn chế (khoảng hơn 5% tổng thu nhập của ngân hàng).

Sự đơn điệu trong hoạt động dịch vụ khiến hệ thống ngân hàng (đặc biệt là quốc doanh) không tận dụng được lợi thế về mạng lưới, kênh phân phối hay công nghệ. Các dịch vụ như ngân hàng điện tử, ngân hàng đầu tư, tư vấn chưa phát triển và mới ở giai đoạn đầu. Chiến lược phát triển sản phẩm của ngân hàng nội vẫn chủ yếu trong lĩnh vực tín dụng. Các dịch vụ như quản lý tài sản cá nhân có thu nhập cao, quản lý két sắt… mới chỉ được hình thành.

Khi bước chân vào thị trường Việt Nam, HSBC hay Standard Chaterded hoặc ANZ đã tuyên bố đầu tư vào mảng thị trường giàu tiềm năng này, với kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động bán lẻ.

Đầu tư công nghệ để rút ngắn khoảng cách

Yếu tố quyết định trong quá trình cạnh tranh thị phần dịch vụ ngân hàng nội và ngoại là chất lượng dịch vụ, được thể hiện qua công nghệ của các ngân hàng, bởi nếu không có công nghệ hiện đại thì không thể nói đến cạnh tranh.

Về điều này, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm phát biểu thẳng thắn tại hội thảo: “Thời tôi còn làm thống đốc, đã đích thân đi vay Ngân hàng Thế giới 50 triệu đô la Mỹ để triển khai công nghệ cho hệ thống ngân hàng. Nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xong trong khi công nghệ quyết định sự thông suốt trong dịch vụ ngân hàng thời hiện đại”.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các ngân hàng thương mại đã đầu tư xây dựng hệ thống ngân hàng cốt lõi (core banking) cho phép quản trị dữ liệu một cách tập trung tại hội sở chính, giảm thiểu rủi ro. Một số ngân hàng lớn đã hoàn thiện giai đoạn 2 dự án hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán, cho phép khai thác tối đa những tiện ích công nghệ ngân hàng. Nhưng việc này chưa được thực hiện đồng bộ trong hệ thống ngân hàng nội, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần từ nông thôn chuyển lên đô thị.

Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh VPBank, Lê Đắc Sơn, gợi ý: “Để cho ngân hàng Việt Nam có thời gian tăng cường thế và lực, Chính phủ nên kiềm chế tối đa theo luật đối với các ngân hàng nước ngoài trong việc triển khai các dịch vụ hiện đại mà họ thường có ưu thế vượt trội”. Ý ông Sơn đề cập đến dịch vụ bán lẻ, dịch vụ thẻ… là những dịch vụ ngân hàng nội còn yếu, nếu “mở” sớm thì các ngân hàng nội sẽ mất thị phần và việc giành lại là vô cùng khó khăn, thậm chí không thể.

Tuy nhiên, trước khi những đề xuất này có thể trở thành hiện thực, thì các ngân hàng nội vẫn phải chuẩn bị đối đầu với những thách thức thực sự và chỉ có cách chủ động chung sống hoặc vượt qua nó, thì hội nhập mới là cơ hội cho ngân hàng.

Ông Lê Đắc Sơn gợi ý, vì các thế mạnh của ngân hàng nội là không bền vững, nên để nâng cao sức cạnh tranh nội tại, các ngân hàng Việt Nam nên chọn bước đi thông minh là hợp tác với các ngân hàng nước ngoài nhằm nhận sự chuyển giao công nghệ và học hỏi kinh nghiệm, chấp nhận chia sẻ thị phần và biến họ từ đối thủ thành đồng minh.

Giải pháp này hiện đang được nhiều ngân hàng nội lựa chọn thông qua hình thức bán cổ phần dưới tên gọi “cổ đông chiến lược” của các ngân hàng ngoại. Hiện tại, có 10 ngân hàng trong nước có cổ đông chiến lược là ngân hàng nước ngoài là ACB (với Standard Chartered), Sacombank (với ANZ), Tecombank (với HSBC), VPBank (với OCBC), Eximbank (với Sumimoto Bank), Habubank (với Deutsche Bank), Phương Đông (với BNP Paris Bank), Phương Nam (với UOB), Sea Bank (với S.G Bank), An Bình (với May Bank). Con số này trong tương lai có thể nhiều hơn, hiện tại Ngân hàng Nhà nước đã khống chế ngân hàng nội không được bán quá 30% cổ phần cho đối tác nước ngoài.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới