Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng ra sức “nâng nền”, “đắp đê” để phòng bị

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng ra sức “nâng nền”, “đắp đê” để phòng bị

Thụy Lê

(TBKTSG) – Việc phải tăng cường năng lực tài chính bằng cách tăng mạnh vốn điều lệ, phát hành trái phiếu dài hạn, là giải pháp cấp thiết để gia cố bệ đỡ an toàn và chuẩn bị “bộ giảm sốc” hiệu quả trước viễn cảnh nợ xấu được dự báo sẽ gia tăng.

Tăng vốn điều lệ, thoái vốn các khoản đầu tư

Hiện đã có 20 ngân hàng đặt ra kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2020, với tổng mức tăng dự kiến xấp xỉ hơn 70.000 tỉ đồng.

Trong đó, tăng mạnh nhất vẫn thuộc về nhóm Big 4 với Vietcombank và BIDV có mức tăng lần lượt là 9.100 tỉ đồng và 6.200 tỉ đồng. Như vậy, sau những đợt tăng vốn rất mạnh trong hai năm vừa qua, đạt mức cao nhất toàn hệ thống, cả BIDV và Vietcombank đều tiếp tục muốn đưa mức vốn điều lệ lên trên 46.000 tỉ đồng. Agribank, với lộ trình tái cơ cấu và cổ phần hóa đang đi đúng hướng, cũng có kế hoạch tăng thêm 3.500 tỉ đồng vốn điều lệ, lên mức hơn 34.000 tỉ đồng. Còn lại là VietinBank, dù chưa đưa ra con số cụ thể, nhưng với cam kết từ Chính phủ, khả năng lớn ngân hàng này sẽ được rót thêm vốn trong năm nay.

Theo đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng giai đoạn 2016-2020, nhiệm vụ tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel 2 cũng được đặt ra, trong khi tính đến hiện tại thì ngoại trừ Agribank đang cổ phần hóa, chỉ còn mỗi VietinBank vẫn chưa đáp ứng tiêu chí này.

Theo quy định tính toán hệ số CAR riêng lẻ, các khoản góp vốn, đầu tư mua cổ phần ở các công ty con, công ty liên kết đều sẽ bị loại ra khi tính vốn tự có của ngân hàng mẹ. Do đó, khi thoái bớt vốn khỏi các công ty này, ngân hàng mẹ không những có thể ghi nhận thặng dư vốn như đã nói, mà vốn tự có riêng lẻ cũng sẽ tăng lên tương ứng với giá trị vốn đã thoái bớt, giúp tăng hệ số CAR riêng lẻ.

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, SHB dự kiến có mức tăng cao nhất với 7.300 tỉ đồng trong năm nay, lên mức 19.300 tỉ đồng. Dù vậy, con đường phía trước mà SHB phải đi sẽ không quá gập ghềnh, khi trong bốn tháng đầu năm nay ngân hàng này đã tăng được 5.500 tỉ đồng thông qua việc chào bán thành công 300,8 triệu cổ phiếu và phát hành hơn 251 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức. Mức tăng 1.800 tỉ đồng còn lại sẽ được hoàn thành thông qua việc chi trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 11% vào quí 3 năm nay.

Xếp theo sau là HDBank với mức tăng 6.200 tỉ đồng thông qua việc chia cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2019 với tổng cộng 65%. ACB và SCB đều đặt ra mức tăng thêm 5.000 tỉ đồng, tương đương tăng hơn 30%. OCB tăng 3.400 tỉ đồng. NAB tăng 3.100 tỉ đồng và  NCB tăng 2.900 tỉ đồng, tương ứng tăng 80% và 71%, cao nhất tính theo tốc độ phần trăm. Ngoài ra, các ngân hàng còn lại có mức tăng từ 50 tỉ đồng đến 2.700 tỉ đồng.

Ngoài kế hoạch tăng vốn điều lệ, một số ngân hàng cũng đặt kế hoạch phát hành trái phiếu ngoại tệ để tăng cường thêm nguồn vốn dài hạn, như HDBank dự kiến phát hành 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu tại nước ngoài ở kỳ hạn ba năm và năm năm; ACB cũng có phương án phát hành trái phiếu quốc tế bằng đô la Mỹ trong năm 2020; VPBank năm 2019 đặt ra kế hoạch phát hành 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu nhưng mới phát hành được 300 triệu đô la.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng dự kiến sẽ thoái vốn, bán bớt cổ phần ở các công ty con, công ty liên kết. Đơn cử như mới đây Hội đồng quản trị VietinBank đã phê duyệt việc chuyển nhượng 49% vốn của VietinBank Leasing cho Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance (Nhật Bản) và 1% vốn cho một nhà đầu tư trong nước.

Trong khi đó, VPBank cũng đã sớm lên kế hoạch cổ phần hóa công ty con hoạt động cho vay tiêu dùng là FE Credit từ đầu năm nay. Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông vừa qua, ban lãnh đạo ngân hàng này cho biết có thể bán đến 49% vốn tại FE Credit. Ngoài ra, còn một loạt thương vụ khác đang được đàm phán như SHB bán vốn tại SHB Finance. Ban lãnh đạo ngân hàng này tin rằng đây là thời điểm thuận lợi. MSB cũng đang thương thảo để chuyển nhượng một phần vốn điều lệ của FCCOM cho Công ty TNHH Hyundai Card.

Chuẩn bị ứng phó cho các kịch bản xấu?

Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đang đẩy nền kinh tế vào thế rủi ro hơn bao giờ hết, nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp phá sản và nỗi lo nợ xấu ngân hàng sẽ tăng mạnh trở lại đã được nói đến quá nhiều trong thời gian qua. Ngay cả Vietcombank, ngân hàng có khả năng quản trị rủi ro tín dụng và chất lượng nợ gần như tốt nhất hệ thống, gần đây trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông cũng tự dự báo tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này có thể tăng gấp đôi, lên 1,5% trong năm nay.

Mới đây nhất, một báo cáo của Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s, phát hành ngày 25-6, cho rằng các biện pháp chính sách của năm nền kinh tế Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan, sẽ làm giảm một số tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhưng sẽ không thể đẩy lùi những nguy cơ tín dụng và nguy cơ gây suy thoái đang ngày càng gia tăng đối với hầu hết các lĩnh vực.

Theo đó, các biện pháp chính sách cho lĩnh vực tài chính phần lớn tập trung vào việc cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng để hỗ trợ hoạt động cho vay mới và các biện pháp tái cấu trúc nợ như hoãn trả nợ. Khi chính sách hoãn trả nợ này bị dỡ bỏ, các khoản vay có vấn đề của các ngân hàng có thể sẽ gia tăng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã cho phép các ngân hàng tái cơ cấu nợ bằng các chính sách như giãn nợ, khoanh nợ, giảm, miễn lãi cho các khách hàng gặp khó khăn. Nhưng rồi cũng sẽ đến lúc các khoản vay có vấn đề này phải được chuyển về đúng bản chất nếu vẫn chưa xử lý, thu hồi được. Khi đó, tác động tiêu cực lên các tỷ lệ an toàn của ngân hàng là điều có thể thấy trước, như làm suy giảm hệ số an toàn CAR, không còn đáp ứng được yêu cầu theo Basel 2, cũng như làm tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn khi các khoản nợ xấu đều phải xếp vào nợ trung và dài hạn.

Chính vì vậy, việc phải tăng cường năng lực tài chính bằng cách tăng mạnh vốn điều lệ, phát hành trái phiếu dài hạn là giải pháp cấp thiết ngay từ lúc này, để gia cố bệ đỡ an toàn và chuẩn bị bộ giảm sốc hiệu quả một khi các khoản nợ xấu này chính thức được ghi nhận.

Trong khi đó, công tác thoái vốn khỏi các khoản đầu tư cũng mang lại những lợi ích nhất định cho các ngân hàng. Theo chia sẻ của hầu hết lãnh đạo các ngân hàng, việc bán bớt cổ phần tại các công ty tài chính là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng quản trị của các công ty này, mở đường cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Nếu có thể bán cổ phần với giá cao, phần thặng dư vốn mang lại cũng có thể giúp ngân hàng mẹ tăng được vốn.

Ngoài ra, theo quy định tính toán hệ số CAR riêng lẻ, các khoản góp vốn, đầu tư mua cổ phần ở các công ty con, công ty liên kết đều sẽ bị loại ra khi tính vốn tự có của ngân hàng mẹ. Do đó, khi thoái bớt vốn khỏi các công ty này, ngân hàng mẹ không những có thể ghi nhận thặng dư vốn như đã nói, mà vốn tự có riêng lẻ cũng sẽ tăng lên tương ứng với giá trị vốn đã thoái bớt, giúp tăng hệ số CAR riêng lẻ.

Trong bối cảnh rủi ro nợ xấu trong nền kinh tế gia tăng, không chỉ là các khoản vay giá trị lớn của các doanh nghiệp, mà những khoản vay tiêu dùng nhỏ của cá nhân cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định, việc bán bớt cổ phần tại các công ty tài chính ngay từ thời điểm này có thể là lựa chọn phù hợp khi vẫn còn được giá. Vì rõ ràng, chẳng ai biết được dịch Covid-19 trên toàn cầu sẽ còn diễn tiến đến đâu và có thể gây ra những hậu quả nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới