Ngân hàng sẽ không còn giữ bí mật của khách?
![]() |
Tổng thống Thụy Sĩ kiêm Bộ trưởng Tài chính Hans-Rudolf Merz tại buổi họp báo ở Bern hôm 12-3 để công bố quyết định chia sẻ thông tin ngân hàng-Ảnh: Reuters |
(TBKTSG Online) – Chính phủ Thụy Sĩ ngày thứ Sáu, 13-3 tuyên bố đồng ý trao đổi thông tin với các nước khác trong các trường hợp bị nghi ngờ là trốn thuế. Đây được xem là một thắng lợi quan trọng đối với các nước châu Âu và Mỹ trong nỗ lực cải thiện sự minh bạch trên thị trường tài chính thế giới.
>> Thụy Sĩ chia rẽ vì bí mật ngân hàng
Ngay lập tức, chính phủ Áo và Luxembourg cũng thông báo các bước đi tương tự để hạn chế sự gia tăng các vi phạm tài chính trước khi lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) họp ở London vào ngày 2-4.
“Điểm sáng” Thụy Sĩ
Chính phủ Thụy Sĩ cho biết thỏa thuận này có liên quan đến các trường hợp thuế thu nhập cá nhân, lĩnh vực đòi hỏi những yêu cầu thông tin khai báo “rõ ràng và công bằng”. Đây là một trong những vấn đề chính liên quan đến bí mật ngân hàng, vốn ra đời từ năm 1934 theo luật Thụy Sĩ và cho phép việc bảo mật thông tin về các khách hàng.
Thủ tướng Anh Gordon Brown, người sẽ chủ trì hội nghị G20 nói rằng thông báo này của Thụy Sĩ “sẽ mở đầu cho sự kết thúc các “thiên đường trốn thuế” (“tax haven” thường dùng để chỉ các nước có thuế thu nhập thấp).
Quyết định trên của Chính phủ Thụy Sĩ được xem là thắng lợi lớn nhất trong chiến dịch chống trốn thuế toàn cầu. Theo số liệu từ Hiệp hội ngân hàng Thụy Sĩ và tập đoàn tư vấn Boston, nước này hiện quản lý 27% tổng tài sản cá nhân ở nước ngoài và hiện dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Số tài sản được bảo quản an toàn bởi các ngân hàng Thụy Sĩ tính đến cuối năm 2008 lên tới 3,82 ngàn tỉ franc Thụy Sĩ (tương đương 3,22 ngàn tỉ đô la Mỹ). Trong đó, khoảng 17% tài sản được quản lý là của khách hàng tư nhân quốc tế và 36% là của các tổ chức quốc tế.
Thỏa thuận này của Thụy Sĩ sẽ được thực hiện thông qua một loạt các thỏa thuận song phương nhằm tránh đánh thuế hai lần (double taxation) và sẽ được điều hành bởi Công ước thuế hiện đại (Model Tax Convention) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), một tiêu chuẩn toàn cầu cho các thỏa thuận đánh thuế hai lần.
“Các nước G20 từng dọa sẽ đưa Thụy Sĩ vào danh sách đen các “thiên đường trốn thuế”, vì vậy chúng tôi phải xem xét các rủi ro tiềm tàng đối với toàn bộ nền kinh tế và chính phủ đã quyết định tiến hành chiến lược này”, phát ngôn viên của Hiệp hội ngân hàng Thụy Sĩ James Nason nói. Thụy Sĩ hy vọng sẽ không còn nằm trong danh sách đen các nước không hợp tác, tuy nhiên OECD từ chối bình luận.
Làn sóng chống trốn thuế
Động thái ngày thứ Sáu (13-3) này là sự tiếp nối hàng loạt tuyên bố trong tuần này của một số quốc gia rằng cam kết nới lỏng các quy định liên quan đến bảo mật ngân hàng. Chính phủ Bỉ, Liechtenstein và Andorra vào ngày thứ Năm trước đó (12-3) cũng đã đưa ra những quyết định tương tự.
Chính quyền Liechtenstein nói rằng họ “chấp nhận các tiêu chuẩn của OECD về minh bạch và trao đổi thông tin trong các vấn đề thuế và ủng hộ các biện pháp quốc tế chống lại sự không tuân thủ luật thuế”. Liechtenstein, nằm giữa Thụy Sĩ và Áo, được coi là một xứ sở không thuế má.
Thêm vào đó, Pháp, Đức và Mỹ, vốn dẫn đầu chiến dịch chống trốn thuế, tỏ ra háo hức và xem đây là cơ hội để bổ sung ngân sách đang vơi dần bởi cuộc khủng hoảng tài chính: những khoản cứu trợ các công ty tài chính khổng lồ, nguồn thu thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp giảm trong khi các khoản chi phúc lợi cho người thất nghiệp gia tăng.
“Sự thay đổi sang các quy định chặt chẽ hơn về nghiệp vụ thuế sẽ diễn ra khá nhanh vì các nền kinh tế G20 đều cần tiền”, Ông Stephan Kuhn, trưởng ban phụ trách thuế ở công ty kiểm toán Ernst & Young khu vực châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và châu Phi nhận định.
Đức và Pháp dự định kêu gọi một cơ chế trừng phạt quốc tế đối với các hành vi trốn thuế tại cuộc họp G20 lần này. Tuy nhiên, làn sóng chống trốn thuế này cũng vấp phải không ít rào cản.
Nhiều ý kiến lo ngại chiến dịch chống trốn thuế do Thụy Sĩ, Áo và Luxembourg phát động sẽ khó lan tới một số nước như Gibraltar và Panama, nơi được xem là những nước có thuế thu nhập cực kỳ thấp bởi chính phủ những nơi này không có tính hợp tác với chính phủ nước ngoài trong các trường hợp liên quan đến thuế má.
Mặc dù tuyên bố sẽ chia sẻ thông tin nhiều hơn với nước khác đối với các trường hợp trốn thuế bị tình nghi nhưng chính phủ các nước Áo, Bỉ khẳng định sẽ chỉ thực hiện việc này “có giới hạn, theo từng trường hợp cụ thể và trên trên cơ sở bằng chứng vững chắc”.
Họ cho rằng chính sách bảo mật ngân hàng của họ không vi phạm các quy định của OECD và họ cần đảm bảo sự riêng tư của khách hàng. Một người phát ngôn Bộ Tài chính Áo còn đề nghị thay đổi quy định về bảo mật ngân hàng để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nước.
Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã đạt được một thỏa thuận với tập đoàn ngân hàng UBS của Thụy Sỹ để điều tra tên tuổi của 250 khách hàng bị nghi ngờ là trốn thuế ở Mỹ. UBS cũng đồng ý nộp phạt 780 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên vào ngày 19-2, cơ quan thuế ở Mỹ yêu cầu chi tiết về tài khoản của 52.000 khách hàng của UBS thì UBS đã từ chối.
MỸ HẠNH (Theo IHT)