Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng thừa tiền còn doanh nghiệp lại “khát” vốn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng thừa tiền còn doanh nghiệp lại “khát” vốn

Minh Tâm- Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Phía ngân hàng cho rằng không thiếu tiền để đáp ứng các khoản vay của doanh nghiệp. Thế nhưng, doanh nghiệp lại than khó tiếp cận được nguồn vốn từ phía ngân hàng. Vì sao có nghịch lý như vậy?

Ngân hàng thừa tiền còn doanh nghiệp lại “khát” vốn
Ngân hàng thừa tiền, nhưng doanh nghiệp lại "khát" vốn. Trong ảnh là toàn cảnh hội nghị diễn ra hôm nay, 29-8, tại Thành phố Cần Thơ. Ảnh: Minh Tâm

Thông tin nêu trên được các bên liên quan đưa ra tại hội nghị “Kết nối ngân hàng- doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào hôm nay, 29-8 tại Thành phố Cần Thơ.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (SBV) cho biết, các doanh nghiệp ở ĐBSCL hiện đang gặp nhiều khó khăn khách quan xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, trong đó, có ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, theo ông Tú, những vấn đề nội tại của ĐBSCL như liên kết vùng còn hạn chế, triển khai chủ trương ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chưa như kỳ vọng đã dẫn đến giải ngân cho mô hình kinh doanh này cũng không như mong đợi.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc SBV cho biết, tại ĐBSCL, quy mô tín dụng trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt 623.926 tỉ đồng, tăng 7,76% so với cuối năm 2018. Trong đó, tín dụng nông nghiệp – nông thôn tăng 14,8%, một số lĩnh vực thế mạnh như lúa gạo tăng 13,9%; thủy sản tăng 8,45%…

Theo ông, trong hai quí đầu năm 2019, các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho 4.400 doanh nghiệp và một số đối tượng khác vay mới đạt gần 71.300 tỉ đồng. “Bên cạnh đó, cơ cấu lại nợ như giảm lãi suất, nâng hạn mức cho vay trên 250 doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ là 3.720 tỉ đồng”, ông cho biết.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc cho vay theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế do chưa có nhiều mô hình liên kết hiệu quả; vẫn còn tình trạng phá vỡ cam kết hợp đồng liên kết do thiếu chế tài ràng buộc; nhiều doanh nghiệp chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao một cách bài bản…, gây khó khăn cho ngân hàng khi thẩm định cho vay và thu hồi nợ. “Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì chưa đáp ứng được điều kiện vay”, ông cho biết.

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội nghị liên quan câu chuyện ngân hàng thừa vốn, nhưng doanh nghiệp "khát" vốn, ông Hùng cho biết, về nguyên tắc, ngân hàng có vốn phải đi tìm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả để cho vay, thậm chí doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ điều kiện vẫn được tạo điều kiện cho vay vốn. 

“Tuy nhiên, có những doanh nghiệp khó khăn, muốn tiếp cận vốn là rất khó”, ông cho biết và giải thích do doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, điều kiện của ngân hàng đặt ra.

“Đặc biệt, trong giai đoạn đầu khi chưa hiểu nhau, thì phải áp dụng các biện pháp có tài sản đảm bảo hay phương án sản xuất, kinh doanh phải hiểu quả, phải chứng minh được đầu ra, thì ngân hàng mới giải ngân”, ông cho biết.

Đại diện Ngân hàng HD Bank cho biết, trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng gần 17% so với 2018. “Nhưng, hiện có nhiều thách thức khi hoạt động cho vay có rủi ro, khách hàng mất khả năng thanh toán do gặp thiên tai, dịch bệnh, đối tác bỏ hợp đồng”, vị này cho biết và nói rằng đầu ra của nhiều sản phẩm nông nghiệp bấp bênh do phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc; giá cả tiêu thụ không ổn định; chất lượng nông sản không đồng đều…, cũng là những lý do khiến ngân hàng "dè chừng" đối với những khoản vay ở lĩnh vực này.

Còn theo vị đại diện Ngân hàng ACB chi nhánh An Giang, vấn đề lớn để ngân hàng quyết định cho vay là phải có tài sản đảm bảo. “Nhưng, đa phần đất của doanh nghiệp là đất thuê có thời hạn, cho nên, khi thế chấp, ngân hàng chỉ định giá theo thời hạn còn lại được sử dụng, dẫn đến không đúng theo giá trị thị trường”, vị này cho biết và nói rằng có trường hợp doanh nghiệp trả tiền thuê đất trong khu công nghiệp một lần, nhưng chủ đầu tư lại trả tiền thuê cho nhà nước theo từng năm, cho nên, không thể thế chấp hoặc ngân hàng không thể định giá.

Thêm vào đó, theo vị này, đa phần mặt bằng được doanh nghiệp dùng thế chấp không được đầu tư đồng bộ, cho nên, ngân hàng hạn chế nhận thế chấp hoặc định giá không cao so với số tiền thực tế. “Ngoài ra, các báo cáo tài chính- một trong những cơ sở để ngân hàng đánh giá tình hình kinh doanh của doanh nghiệp- không được kiểm toán độc lập hoặc báo cáo cho cơ quan thuế thấp cũng là một hạn chế”, vị này cho biết.

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp- những người có nhu cầu vay vốn- lại than phiền khó tiếp cận được nguồn tín dụng từ ngân hàng, dù họ có nhu cầu thật sự.

Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo, ông Đoàn Huỳnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Kiên Giang cho biết, mỗi năm đơn vị này mua vào và bán ra khoảng 270.000-300.000 tấn sản phẩm với nhu cầu vốn bình quân trên 1.300 tỉ đồng/năm, trong đó, nguồn vốn tín dụng lên đến trên 1.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, đơn vị này còn gặp một số khó khăn cần sự hỗ trợ từ chính quyền cũng như tổ chức tín dụng.

Cụ thể, ông Dũng cho biết, vụ lúa đông xuân 2018-2019 có thời gian thu hoạch rộ vào khoảng tháng 3-2019. Khi đó, Chính phủ có chủ trương chỉ đạo các ngân hàng phối hợp với doanh nghiệp để mua lúa tạm trữ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. “Công ty đã được BIDV và Vietcombank hỗ trợ tham gia mua tạm trữ, tuy nhiên, mức hỗ trợ còn thấp so với nhu cầu, năng lực tạm trữ của chúng tôi”, ông cho biết.

Theo ông, để có đủ nguồn vốn, công ty buộc phải vay thêm vốn của ngân hàng khác với lãi suất  cao và điều kiện cho vay khắc khe hơn như: doanh nghiệp phải có hợp đồng đầu ra, trong khi thời điểm đầu năm thường doanh nghiệp chưa ký được nhiều hợp đồng. “Do đó, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện mua theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty, trong đó, có mua tạm trữ theo chủ trương của Chính phủ”, ông cho biết.

Một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, theo ông Dũng, khi doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng phải có tài sản bảo đảm. “Trong khi, giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp có giới hạn, không đủ thế chấp cho ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn vay”, ông cho biết.

Từ những khó khăn như trên, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An kiến nghị cần có cơ chế bảo vệ cán bộ tín dụng khi xúc tiến cho vay đầu tư vào nông nghiệp. Bởi, khi gặp những trường hợp rủi ro bất khả kháng như dịch tả heo châu Phi hay dịch bệnh trên tôm…, thì cán bộ tín dụng là người phải chịu tội.

“Cần đào tạo cán bộ tín dụng tinh thông nghề nghiệp với từng ngành hàng”, ông Huy đề xuất và giải thích vì am hiểu mới dễ dàng đưa ra quyết định khi đi thẩm định các dự án đầu tư.

Về việc cho vay thế chấp, ông Huy đề nghị cần thay đổi cách định giá tài sản, mà cụ thể nên định giá theo giá đất của tỉnh. “Ví dụ, Agribank định giá đất của tôi ở huyện Đức Huệ, Long An chỉ hơn 20 tỉ, thấp hơn nhiều so với giá thị trường, đã đầu tư hơn 100 tỉ đồng”, ông cho biết.

Còn ông Dũng đề xuất, ngân hàng cần linh hoạt trong cơ chế cho vay. “Ngân hàng nên hiểu những khó khăn, thách thức cũng như những tiềm năng của doanh nghiệp về tình hình tài chính để từ đó đặt niềm tin vào sự phát triển của doanh nghiệp”, ông cho biết.

Phó thống đốc thường trực SBV đề xuất, phải tiếp tục xem đối thoại, kiến nghị và kết nối doanh nghiệp là biện pháp để xử lý vấn đề vốn vay. “Giám đốc Ngân hàng Nhà nước và giám đốc các ngân hàng thương mại phải chỉ đạo các chi nhánh trên địa bàn 13 tỉnh/thành ĐBSCL ít nhất hàng quí phải tổ chức hội nghị này”, ông đề xuất và gợi ý có thể đi sâu cụ thể vào từng lĩnh vực ngành hàng.

Theo ông Tú, các ngân hàng thương mại cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính và đồng thời phải đánh giá cho đúng giá trị tài sản của doanh nghiệp đi vay. “Tài sản của doanh nghiệp 10, ngân hàng đánh giá có 5 và sau đó cho vay 70% của 5 đó, thì thấp quá”, ông nói và yêu cầu tiếp tục tháo gỡ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận vốn.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới