Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục xin tăng vốn điều lệ

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Vietcombank cho rằng việc bổ sung vốn điều lệ là hết sức bức thiết, nhất là với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, tương tự BIDV và Agribank.

Tham luận tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp nhà nước ngày 24-3, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) kiến nghị Chính phủ ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước do quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển và các chuẩn mực quốc tế.

Hiện tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ còn chiếm 23,6% vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng.

Hạn chế về vốn, theo Vietcombank, sẽ hạn chế năng lực của các ngân hàng trong việc mở rộng kinh doanh, cung ứng vốn cho nền kinh tế, giảm sút thị phần huy động vốn, tín dụng và có nguy cơ làm suy yếu vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Theo đó, thị phần huy động vốn của các ngân hàng đã giảm từ mức 52% năm 2018 xuống mức 48% năm 2021. Còn thị phần huy động tín dụng giảm từ mức 50% năm 2018 xuống 46% năm 2021.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước chưa tương xứng với vai trò, vị thế đã hạn chế năng lực của các ngân hàng. Ảnh minh hoạ: Hoàng Thắng.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank – cho rằng việc bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng là cần thiết để ngân hàng duy trì được tăng trưởng tín dụng, nhất với là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Lý giải điều này, ông Ấn cho biết hiện có ngân hàng thương mại cổ phần với quy mô tín dụng chỉ bằng 1/4 so với Agribank, nhưng vốn điều lệ đã cao hơn Agribank.

Còn ông Phan Đức Tú – Chủ tịch BIDV – cho biết ngân hàng đang chịu áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện chuẩn mực Basel 2 nâng cao và Basel 3. Ngoài ra, các ngân hàng còn đối mặt với áp lực duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao trong giai đoạn 2022–2023 – giai đoạn Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 13% năm 2015 xuống còn 11,1% vào tháng 6-2021, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Với 4 ngân hàng thương mại nhà nước, tỷ lệ này chỉ khoảng 9,17% với 3 ngân hàng thương mại đã áp dụng Thông tư 41 và khoảng hơn 10% với Agribank –  ngân hàng đang áp dụng Thông tư 22.

Để giải quyết vấn đề, Vietcombank kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau thuế và trích lập các quỹ để tăng vốn điều lệ. Ngoài ra, tăng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng thương mại lên 35%.

Hiện quy định tại Nghị định 01/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam chỉ cho phép tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại.

Ông Phạm Đức Ấn kiến nghị cần dành ngân sách nhà nước để sớm tăng vốn cho Agribank, qua đó tăng giá trị vốn nhà nước tại ngân hàng trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa dự kiến là 31-12-2022.

Còn ông Phan Đức Tú đề xuất thực hiện phương án tăng vốn điều lệ cho BIDV qua các hình thức phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ cổ tức, lợi nhuận còn lại, cổ phiếu cho cán bộ nhân viên.

Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, ông Đào Minh Tú – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – cho rằng nguồn lực dành cho các ngân hàng thương mại nhà nước còn bất cập với vai trò, trách nhiệm thực hiện các chính sách lớn và việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, vốn điều lệ tăng không tương xứng với vai trò, vị thế đã hạn chế năng lực của các ngân hàng đã khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng tín dụng, tham gia vào các dự án lớn, các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia, gồm điện, BOT giao thông, sân bay, cảng biển hoặc mở rộng tín dụng đối với nhiều lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, việc chưa được ngân sách nhà nước bố trí đủ vốn hoặc nguồn cấp bù lãi suất phần nào gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại nhà nước khi thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, gói hỗ trợ đã và sắp triển khai.

Những yếu tố này, theo ông Tú, đã ảnh hưởng đến vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường của các ngân hàng thương mại nhà nước.

1 BÌNH LUẬN

  1. Vốn điều lệ, thật ra, rất nhỏ bé so với vốn hoạt động, nhưng lại là biểu hiện vị thế pháp lý của doanh nghiệp, như “giấy thông hành” để đi ra giao thương với thiên hạ năm châu bốn bể. Nhà nước, không chỉ là nhà quản lý, mà còn là nhà buôn vĩ đại của quốc gia. Nếu biết buôn bán, thì việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng lớn của đất nước là việc không cần phải đợi kiến nghị (năm này qua năm khác) mà phải chủ động làm ngay và luôn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới