Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất

T.Thu

Ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Đông Á. Ảnh: TL TBKTSG

(TBKTSG Online) – Sau khi tăng lãi suất vào thời điểm cuối năm 2015 và đầu năm 2016 (trước Tết âm lịch 2016), mới đây một số ngân hàng tiếp tục cuộc đua tăng lãi suất. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là cuộc đua ngắn hạn để thu hút vốn nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, cũng như đón đầu một số quy định sắp tới.

Mới đây, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV đều tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm. Trong đó, BIDV tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng, với tiền gửi kỳ hạn 13-18 tháng tăng thêm 0,4 điểm phần trăm lên 6,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 6,5%/năm. Trong khi đó, Vietcombank chủ yếu tăng các kỳ hạn ngắn từ 1-6 tháng thêm từ 0,2-0,5 điểm phần trăm, với lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 1, 2, 3 và 6 tháng lần lượt là 4,5%, 4,6%, 4,8%, và 5,2%/năm.

Các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn như Techcombank từ đầu năm 2016 đến nay đã bốn lần điều chỉnh lãi suất huy động. Trong đợt điều chỉnh gần đây nhất hôm 15-2, ngân hàng này chỉ tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm, lên 4,7%/năm. Tuy nhiên, nếu so với lãi suất áp dụng trong lần tăng đầu tiên trong năm nay, tức ngày 5-1-2016, lãi suất huy động của Techcombank hiện gần như tăng đều ở tất cả các kỳ hạn.

Theo bảng lãi suất huy động được ngân hàng OCB áp từ ngày 16-2-2016, lãi suất gần như tăng đều ở các kỳ hạn, thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm so với trước đó. Theo đó, hiện lãi suất huy động kỳ hạn từ 3-5 tháng được ngân hàng này áp dụng ngang mức trần lãi suất huy động quy định hiện nay là 5,5%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12, 18 và 24 tháng tại OCB hiện lần lượt 7,2%, 7,4% và 7,5%.

Ngoài ra, hiện một số ngân hàng cũng đang áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài lên đến 8%/năm, tuy nhiên để được hưởng lãi suất này khách hàng phải đáp ứng một số yêu cầu cao.

Chẳng hạn như ngân hàng Eximbank đang áp dụng lãi suất 8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, để được hưởng lãi suất 8%/năm, khách hàng phải gửi số tiền từ 10 tỉ trở lên, và lãnh lãi cuối kỳ, không được rút trước hạn dưới 90 ngày, nếu lãnh lãi hàng tháng thì lãi suất chỉ còn 7,8%/năm.

Hay với ngân hàng OCB, lãi suất cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng là 8%, nhưng khách hàng phải lãnh lãi cuối kỳ, nếu lãnh hàng tháng, lãi suất chỉ còn trên 7,1%/năm. Ngân hàng SeABank áp dụng lãi suất huy động cho kỳ hạn 13 tháng cũng là 8%/năm, nhưng khách hàng cũng phải đáp ứng một số điều kiện.

Trong khi đó, vẫn có một số ngân hàng vừa điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất, như Maritime Bank từ ngày 1-3-2016 giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn 1-2 tháng từ 4,9%/năm xuống còn 4,5%/năm, trong khi tăng 0,1 điểm phần trăm cho tiền gửi kỳ hạn 6-8 tháng lên 5,7%/năm. Ngân hàng SCB hôm 25-2 cũng giảm nhẹ lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, một số ngân hàng gần đây có điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất, một phần nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn TPHCM, vốn huy động kỳ hạn 1-2 tháng chiếm đến 70% trong tổng huy động, trong khi dư nợ cho vay trung và dài chiếm đến 57,6% trong tổng dư nợ dín dụng tại TPHCM.

Ngoài ra, theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đang được Ngân hàng Nhà nước công bố để lấy ý kiến, các ngân hàng thương mại được phép sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn với tỷ lệ tối đa là 40% thay vì 60% như hiện nay. Do đó, có thể chính việc này cũng khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn trung dài hạn nhiều hơn để đáp ứng tỷ lệ 40%, và vẫn có thể tiếp tục cho vay trung và dài hạn.

Thêm vào đó, theo ông Minh, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay được đặt ra là 18-20%/năm (để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế – PV), trong khi mức tăng trưởng tín dụng trung bình trong những năm qua khoảng 10-15%/năm, theo đó đòi hỏi các ngân hàng phải có nguồn vốn huy động dồi dào để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng.

Theo ông Trần Tấn Lộc, quyền Tổng giám đốc Eximbank, nhìn chung hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng Eximbank áp dụng ở mức trên 7%/năm – không phải mức quá cao so với thị trường hiện nay. Riêng với kỳ hạn 36 tháng, ngân hàng áp dụng lãi suất 8%/năm cho tiền gửi trên 10 tỉ đồng vì dự đoán xu hướng lãi suất trong ba năm tới để đón đầu dòng vốn. Trên thực tế, lượng khách hàng tại Việt Nam gửi kỳ hạn dài không nhiều. Việc điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất kỳ hạn dài nhằm cạnh tranh trên thị trường huy động hiện nay. Theo ông Lộc, về lãi suất cho vay, hiện Eximbank chưa có chủ trương tăng lãi suất, về lãi suất huy động, ngân hàng sẽ tuỳ tình hình thị trường để điều chỉnh phù hợp.

Điều này cho thấy, việc các ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động, trong khi không tăng lãi suất cho vay, có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, tức lợi nhuận, của ngân hàng. Do đó, theo một chuyên gia trong ngành tài chính, việc đua tăng lãi suất huy động có khả năng chỉ diễn ra trong ngắn hạn để đảm bảo vốn huy động đạt đến một mức nhất định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới