Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng tìm cách đẩy vốn tiêu dùng cuối năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng tìm cách đẩy vốn tiêu dùng cuối năm

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm đang tăng lên, các nhà băng  quay lại tập trung vào lĩnh vực tín dụng cá nhân sau khi mảng này bị thu hẹp đáng kể vì dịch Covid-19 bùng phát.

Ngân hàng tìm cách đẩy vốn tiêu dùng cuối năm
Hình minh họa: TTXVN

Nhiều ngân hàng được nới room

Mặc dù sắp hết năm 2020 nhưng nhiều ngân hàng gần đây đã được cơ quan quản lý nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng để chuẩn bị “chạy đua” vào dịp cuối năm. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, mức nới room cao nhất có thể lên tới 30%.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán VCBS, một số ngân hàng được nới room bao gồm Techcombank, HDBank, VPBank, TPBank, VIB, MBB. Việc nới room nằm trong định hướng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng các ngân hàng phải đáp ứng đủ hai yếu tố là đảm bảo sức khỏe tài chính và có khả năng tăng trưởng, VCBS nhận định.

Ngoài ra, thông tin chia sẻ mới đây từ Vietcombank cũng cho thấy ngân hàng này được nâng hạn mức lên 14%, với mức tăng trưởng dự kiến nằm trong khoảng 13-14%, trong khi Vietcombank mới chỉ tăng trưởng 10% tính đến hết tháng 11. Tương tự, ngân hàng SHB đặt kỳ vọng sớm được nâng lên hạn mức 20% khi đã gần chạm hạn mức tín dụng được cấp hồi đầu năm.

Dạo vòng quanh thị trường, có thể thấy các ngân hàng bắt đầu tung ra các gói tín dụng tiêu dùng ưu đãi.
Chẳng hạn, VPBank đưa ra gói 2.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất mua xe ô tô với hạn mức vay lên đến 85%, lãi suất 8,5% cố định trong 24 tháng. SeABank cũng đưa ra chương trình vay mùa nhà/đất, xây dựng sửa chữa nhà và vay mua xe với lãi suất cố định 7,5% trong năm đầu tiên. Techcombank tiếp tục đẩy mạnh ưu đãi các gói cho vay mua nhà vốn có thế mạnh, và tăng cường gói vay mua xe với lãi suất áp dụng đa dạng tùy từng khách hàng, từ 6,99-8,75% và có thể cố định trong vòng 2 năm.

Nhìn chung, các gói khuyến mãi hiện nay tập trung vào các khoản vay mua nhà, mua ô tô và vay cho mục đích tiêu dùng khác, với điểm chung vẫn là ưu đãi về mặt lãi suất. Ngoài ra, nhiều ngân hàng bán lẻ còn tập trung khuyến mãi cụ thể hơn để kích thích chi tiêu, như hoàn tiền, thưởng điểm khi dùng thẻ hay sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử.

Tín dụng nói chung đang tăng tốc nhanh hơn trong thời gian gần đây. Cụ thể, tính đến ngày 17-11, dư nợ nền kinh tế tăng trưởng khoảng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 10,28%).

“Chỉ tính riêng nửa đầu tháng 11, tín dụng đã tăng 1% so với cuối tháng 10. Điều này phản ánh đúng diễn biến phục hồi của nền kinh tế khi các chỉ số khác như chỉ số sản xuất, doanh thu bán lẻ tăng trở lại trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt”, báo cáo của Công ty chứng khoán KBSV đánh giá.

Còn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, tính đến tháng 10-2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6-0,8%/năm so với cuối năm 2019, trong đó có một số ngân hàng đã giảm từ 1-2,5%/năm.

Cụ thể hơn, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở mức 4,5%/năm.
“Mặt bằng lãi suất cho vay giảm đã góp phần giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp và người dân”, đại diện NHNN nhận định.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng bán lẻ chững lại trong những tháng đầu năm 2020. Nguồn: VCBS

Kỳ vọng vào tín dụng cá nhân

Theo báo cáo của Fiingroup, trong những tháng đầu năm hệ thống ngân hàng đẩy vốn qua kênh doanh nghiệp nhiều hơn là cá nhân. Thống kê cho thấy động lực tăng trưởng chính cho tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm đến từ tín dụng doanh nghiệp với mức tăng 12%, trong khi tín dụng cá nhân chỉ tăng 6,1% (số liệu gồm 5 ngân hàng có thuyết minh tài chính, chiếm 18,3% tổng dư nợ của các ngân hàng niêm yết).

Theo VCBS, tín dụng nhóm khách hàng cá nhân tăng chậm là lý do chính dẫn tới tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm của toàn hệ thống. Tín dụng cá nhân ước tính tăng 5,2% sau 9 tháng đầu năm, thấp hơn đáng kể so với con số 21,7% (CAGR của giai đoạn 2016-2019).

Tuy nhiên, vào quí 3 vừa qua, cả tín dụng doanh nghiệp và cá nhân đều tăng tốc đáng kể so với quỉ trước đó. Trong đó, hai ngân hàng có tín dụng cá nhân tăng trưởng mạnh nhất trong quí 3 là MB (10,9%) và VIB (16,7%).

“Xu hướng tín dụng cá nhân tăng tốc trở lại góp phần vào việc tăng thu nhập lãi thuần và NIM của các ngân hàng, do đây là các khoản vay có lãi suất cao hơn và biên lãi ròng lớn”, báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 của Fiingoup nhận định.

Tương tự, VCBS đánh giá phân khúc khách hàng cá nhân có nhiều ưu điểm, chẳng hạn như hệ số rủi ro thấp khi tính tỷ lệ CAR (an toàn vốn), cải thiện lợi suất cho vay và giảm thiểu rủi ro tập trung.

Do đó, tín dụng cá nhân cuối năm được kỳ vọng tăng mạnh trở lại, đặc biệt là khi thị trường tiêu dùng “vào mùa” cuối năm, giúp thị trường sôi động hơn.

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà băng cũng tỏ ra lạc quan về sự hồi phục của sức mua. Chẳng hạn, VPBank đặt kỳ vọng cho vay bán lẻ sẽ hồi phục vào qúi 4, cho vay bán lẻ phân khúc cho khách hàng thu nhập cao, khách hàng đại chúng và các hộ kinh doanh sẽ tăng trưởng trở lại trong quí 4/2020 và năm 2021.

“Chúng tôi ghi nhận kỳ vọng lạc quan hơn ở nhiều ngân hàng so với giai đoạn đầu năm khi nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng cá nhân đang tăng trở lại. Do đó, chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng có cải thiện trong quí 4 và cả năm sau”, báo cáo VCBS đánh giá. Theo đơn vị này, tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục và đạt khoảng 11-12% trong năm 2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới