Thứ Ba, 26/09/2023, 07:37
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Ngân hàng Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Huỳnh Hoa

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng 3,32% trong phiên giao dịch đầu tuần, thứ Hai 4-5. (quy ước ở TTCK Trung Quốc ngược với thế giới: tăng điểm màu đỏ, giảm điểm màu xanh).

(TBKTSG) – Các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đang đối mặt với một tình huống khó xử: tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh vì người vay bị phá sản khi hoạt động kinh tế chậm lại, trong lúc chính phủ vẫn hối thúc gia tăng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ Trung Quốc, thông qua Ngân hàng Trung ương, yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay như là một phần trong kế hoạch kích cầu trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ (NDT) đã công bố hồi tháng 11-2008, nhưng lại cảnh báo việc đẩy mạnh tín dụng sẽ dẫn tới sự gia tăng nợ xấu, ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn vốn và lợi nhuận của ngân hàng.

Cho vay ồ ạt

Số liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho thấy trong quí 1 năm nay, các ngân hàng thương mại đã cho vay 4.580 tỉ NDT, nhiều hơn 3.250 tỉ NDT hay là tăng 245% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 91,6% hạn mức tín dụng 5.000 tỉ NDT mà Chính phủ Trung Quốc ấn định cho cả năm nay.

Sự gia tăng tín dụng với tốc độ nhanh đang gây lo ngại cho các nhà kinh tế, cho Ủy ban Điều hành Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) về rủi ro gia tăng nợ xấu. “Các ngân hàng cần chú ý rủi ro đang tăng nhanh từ làn sóng cho vay ồ ạt gần đây và phải hiểu rằng khắc phục tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu là việc làm dài hạn”, Chủ tịch của CBRC, ông Liu Mingkang, cảnh báo.

Đáng chú ý là trong số tiền mới cho vay, nợ dài hạn và trung hạn chỉ chiếm 41%, còn dịch vụ bao thanh toán (bill financing) chiếm tới 33%. Doanh nghiệp bán hàng nhưng chưa đến hạn thu tiền có thể thế chấp hóa đơn bán hàng (bill) cho một ngân hàng để vay vốn trong thời hạn sáu tháng với lãi suất ưu đãi 1,8%/năm, rất thấp so với lãi suất chuẩn 4,86%/năm của món vay thông thường có cùng kỳ hạn.

Phương thức bao thanh toán đã làm việc vay vốn của doanh nghiệp tăng cao bất thường; chỉ riêng tại thành phố Thâm Quyến trong quí 1 năm nay, việc cầm cố hóa đơn để vay vốn đã đạt giá trị 241 tỉ NDT, tăng 514% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 235% so với quí trước.

Một điều đáng chú ý nữa là tiền vay từ ngân hàng đang đổ vào thị trường chứng khoán thay vì vào nền kinh tế. Ngày 13-4 vừa qua, chỉ số chứng khoán Thượng Hải (SCI) đã vượt ngưỡng 2.500 điểm lần đầu tiên trong tám tháng qua; và tính từ đầu năm nay, chỉ số SCI đã tăng 40%, mức tăng mạnh nhất thế giới.

Một báo cáo nghiên cứu vừa công bố của Công ty Chứng khoán Guohai Securities do nhà phân tích Feng Wei thực hiện cho thấy, một phần khá lớn tiền vay từ phương thức bao thanh toán đã quay trở lại ngân hàng, đổ vào quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ kinh doanh địa ốc thay vì hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế thực. “Qua việc bao thanh toán, nhiều công ty đã được vay những món tiền mới với lãi suất cực thấp. Thay vì đầu tư họ đã tranh thủ gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao hơn hoặc kiếm lợi từ việc lướt sóng trên các thị trường vốn”, ông Feng Wei viết.

Trong khi đó, nền kinh tế thực của Trung Quốc trong quí 1-2009 chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn mức 6,8% của quí trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc.

Tính toán của nhà cầm quyền: có lợi

Do hệ thống tài chính – ngân hàng của Trung Quốc vẫn còn bị kiểm soát kỹ nên mối lo ngại về nợ xấu đã làm dấy lên lời đồn đoán rằng chính quyền sẽ siết chặt tín dụng để ngăn ngừa sự sụp đổ. Tuy nhiên, ngày 23-4 vừa qua, PBoC khẳng định vẫn “kiên quyết” duy trì chính sách tiền tệ tương đối lỏng và trấn an thị trường rằng sẽ không có sự siết chặt đột ngột.

Phó thống đốc PboC, ông Yi Gang, nói rằng việc mở rộng tín dụng “có lợi nhiều hơn hại” vào thời điểm kinh tế Trung Quốc bị chậm lại và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng.

Tương tự như vậy, ông Fan Gang, thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ của PBoC, phát biểu tại một hội nghị tài chính gần đây ở Tokyo rằng, sự gia tăng nợ xấu là cái giá “chấp nhận được” để mở rộng tín dụng mà nền kinh tế đang cần. “Đang có cuộc khủng hoảng, nên cho dù nợ xấu tăng thêm 2-3% cũng không sao. Ở Trung Quốc chúng tôi có những biện pháp hành chính mà nước khác không có. Nếu tình hình xấu đi, bao giờ chúng tôi cũng có thể điều chỉnh chính sách”, ông Fan Gang nói.

Trong khi đó giới kinh doanh ngân hàng không biết xoay xở như thế nào giữa một bên là yêu cầu của PBoC về đẩy mạnh tín dụng, một bên là cảnh báo và điều tra của CBRC về nợ xấu. Liao Qiang, nhà phân tích của Standard & Poor’s, nhận xét: “Các ngân hàng cần tìm được điểm cân bằng giữa những yêu cầu khác nhau của các cơ quan thẩm quyền khác nhau. Trong lúc tiếp tục đẩy mạnh cho vay theo chủ trương của chính phủ, tốt nhất là ngân hàng phải chú ý thẩm định chất lượng món vay”.

Một chuyên viên tín dụng giấu tên của một ngân hàng lớn tại Thượng Hải cho biết, ngân hàng đang rất lo về chất lượng món vay vì dưới sự thúc ép của ngân hàng trung ương, tiêu chuẩn cho vay đã bị hạ thấp rất nhiều so với trước kia.

Ngày càng có nhiều người vay, từ các doanh nghiệp công nghiệp đến cá nhân, mất khả năng thanh toán khi hàng ngàn nhà máy phải đóng cửa do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài bị đình đốn, hàng triệu người lao động bị mất việc.

Phần thiệt hại thuộc về ngân hàng

Chất lượng tín dụng thấp, rủi ro bị mất vốn cao, cộng với biên độ lãi suất giữa tiền gửi và tiền vay ngày càng thu hẹp đã khiến thu nhập và lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc giảm sút rõ rệt, tỷ lệ nghịch với đà gia tăng tín dụng.

Từ tháng 9 năm ngoái đến nay PBoC đã 5 lần giảm lãi suất cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng, gây thiệt hại cho các ngân hàng thương mại vì cho đến nay, ngành ngân hàng Trung Quốc vẫn kiếm lợi chủ yếu từ hoạt động cho vay và từ sự chênh lệch lãi suất giữa tiền vay và tiền gửi.

Thêm vào đó, các ngân hàng thương mại phải gia tăng quy mô quỹ dự phòng thất thoát, càng làm cho lợi nhuận sút giảm thêm nữa.

Đến cuối quí 1 vừa qua Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) – ngân hàng thương mại lớn thứ hai, đã phải tăng quỹ dự phòng lên 6,9 tỉ NDT, từ mức 261 triệu NDT quí 1 năm ngoái. Lợi nhuận ròng của CCB trong quí này chỉ còn 26,3 tỉ NDT, giảm 18,3% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận của Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) – ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo thị giá – chỉ tăng 6,16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 35,15 tỉ NDT, rất thấp so với mức tăng 77% mà ngân hàng này đạt được cuối quí 1 năm ngoái, mặc dù tổng dư nợ trong quí 1 năm nay tăng 13,9%, lên 5.200 tỉ NDT. ICBC cũng đã phải tăng quỹ dự phòng rủi ro thêm 50% so với cùng kỳ, ở mức 4,2 tỉ NDT.

Tại Thượng Hải, Ngân hàng Truyền thông (Bocom) – mà Ngân hàng HSBC sở hữu 18,6% vốn cổ phần – báo cáo thu nhập từ lãi suất trong quí 1-2009 đã giảm 11,4%, còn 14,58 tỉ NDT, lợi nhuận ròng chỉ tăng 0,53% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 7,94 tỉ NDT, trong khi tỷ lệ nợ quá hạn đã tăng thêm 21% kể từ thời điểm cuối năm ngoái. Ngân hàng này cũng vừa tăng quỹ dự phòng thêm 10,3%, lên mức 1,95 tỉ NDT.

Phó chủ tịch của Bocom than thở: “Tăng trưởng tín dụng nhanh chóng đang thách thức năng lực kiểm soát rủi ro của chúng tôi”. Và đó không phải là nỗi lo riêng của Bocom.

(Theo Asia Times Online)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới