Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Nhật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân hàng Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Nhật

Thủy Triều

Ngân hàng Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Nhật
Giao dịch tại Vietcombank, ngân hàng này đã bán 15% cổ phần cho ngân hàng Mizuho của Nhật vào năm 2011. Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG Online) – Ba năm trở lại đây, nhiều ngân hàng lớn của Nhật đã tham gia mua cổ phần của các ngân hàng lớn ở Việt Nam, và hiện vẫn còn khá nhiều nhà đầu tư đang tìm kiến cơ hội mua cổ phần của các tổ chức tài chính trong nước.

>>Vietcombank lãi 8.300 tỉ đồng nhờ bán cổ phần cho Nhật

>>VietinBank bán 20% cổ phần

Nhiều tổ chức Nhật dòm ngó

Trong buổi phỏng vấn với Bloomberg ngày 14-11 tại Hà Nội, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng HDBank, đã cho biết ngân hàng đang trong quá trình thương lượng với ba tổ chức tài chính của Nhật để bán tối đa 30% cổ phần cho đối tác nước ngoài. Bà Tâm không cho biết tên ba tổ chức này nhưng theo luật Việt Nam, một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không được sở hữu quá 20% cổ phần của một ngân hàng. Như vậy, HDBank sẽ phải bán 30% cổ phần cho ít nhất hai đối tác nước ngoài và có thể sẽ là tổ chức của Nhật.

Trước đó, trong lần trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Phạm Quang Thanh, Giám đốc đầu tư của Công ty quản lý quỹ Bảo Việt, cũng cho biết rằng khá nhiều nhà đầu tư Nhật đến tìm hiểu để mua chứng chỉ quỹ của quỹ mở mà công ty đang chào bán, đồng thời đưa ra lời đề nghị cùng hợp tác để tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở nhiều lĩnh vực, như bán lẻ, y tế, giáo dục.

Trả lời với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua email, Công ty Recof của Nhật chuyên tư vấn về M&A và hiện đang tư vấn, hỗ trợ và thúc đẩy cho các khách hàng là các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư bằng hình thức M&A vào Việt Nam, cho biết giá trị các thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) trong ngành tài chính của Nhật và Việt Nam tăng đều qua các năm từ 2009 đến 2012, tuy 10 tháng đầu năm 2013 chưa có thương vụ nào nhưng công ty cho rằng các doanh nghiệp Nhật rất quan tâm đến ngành tài chính của Việt Nam thể hiện qua các thương vụ lớn trong những năm qua.

Nguồn: Recof Corp.

Theo Báo cáo triển vọng M&A Việt Nam 2013 xuất bản vào tháng 4-2013 của Stockplus, chuyên cung cấp thông tin tài chính, trong mười thương vụ M&A lớn nhất trong năm 2012 và quí 1 năm 2013, đứng đầu là thương vụ ngân hàng của Nhật Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ mua 20% cổ phần của Vietinbank vào tháng 12-2012 với tổng giá trị 743 triệu đô la Mỹ.

Xếp thứ tư là thương vụ Sumitomo Life Insurance mua lại 18% cổ phần trong Tập đoàn Bảo Việt từ HSBC với giá trị là 340 triệu đô la Mỹ.

Trước đó, năm 2007 tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial của Nhật đã mua 15% cổ phần trong Eximbank với giá trị 225 triệu đô la Mỹ và tập đoàn Mizuho Financial cũng đã mua 15% cổ phần của Vietcombank với giá trị 560 triệu đô la trong năm 2011.

Trong buổi họp báo vào đầu tháng 11-2012, Chủ tịch HĐQT Sacombank Phạm Hữu Phú cho biết có bảy tổ chức đến tìm hiểu Sacombank và ngân hàng dự định sẽ bán 15% cổ phần cho một đối tác từ Nhật.

Như vậy, trong số các ngân hàng đứng đầu ở Việt Nam xét về tổng tài sản, các ngân hàng của Nhật đã nắm giữ cổ phần trong ba ngân hàng là Vietcombank, VietinBank, và Eximbank, đồng thời đang tìm hiểu để mua cổ phần của hai ngân hàng nữa.

Vì sao là Việt Nam?

Ông Thanh của Công ty quản lý quỹ Bảo Việt cho biết nhà đầu tư Nhật đã tham gia thị trường Việt Nam từ lâu rồi, nhưng gần đây họ năng động hơn, vì nguồn lực bên Nhật lớn, trong khi các cơ hội đầu tư ở nước sở tại đã cạn, buộc nhà đầu tư Nhật phải qua tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác, đương nhiên không chỉ có Việt Nam. Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Nhật có một mối quan hệ khá thiện chí với nhau, có sự tương đồng về văn hóa nên họ cũng ưu tiên cho Việt Nam hơn trong so sánh với các thị trường tương đương trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan, ông nói.

Trả lời vì sao nhiều ngân hàng trong nước muốn chào bán cho đối tác Nhật, ông Thanh cho biết “ngân hàng Nhật tương đối lành, bán cho nhà đầu tư chiến lược thì quy định tương đối chặt, trong khi các ngân hàng của Nhật đặt vấn đề mua cổ phần đều lớn và điều kiện khá tốt nên nhiều ngân hàng muốn bán cho Nhật. Cũng như mới đây HSBC cũng đã chuyển nhượng phần vốn của mình trong Bảo hiểm Bảo Việt, cũng thuộc loại công ty lớn tại Việt Nam, cho công ty Nhật là Sumitomo Life”.

Ông Trần Hoài Vũ, Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của Recof Corp., cho biết trong bối cảnh cạnh tranh tại thị trường Nhật đang cao, các tổ chức tài chính lớn của Nhật đều mong muốn có sự hiện diện tại các nước sở tại sớm hơn so với các đối thủ cạnh tranh, vì vậy hơn bao giờ hết họ rất mong muốn hợp tác với một đối tác mạnh tại nước sở tại nhanh hơn so với đối thủ để tạo tiền đề cho sự thành công trong tương lai. Nói cách khác, tại mỗi một thị trường sẽ chỉ có một số lượng giới hạn đối tác mạnh tiềm năng, nếu không nhanh chóng hợp tác, sẽ chậm chân tại thị trường đó, đại diện Recof nói.

Trong báo cáo của Stockplus, trả lời cho câu hỏi vì sao Nhật Bản chọn Việt Nam, công ty này phân tích thứ nhất, tăng trưởng của các doanh nghiệp tại chính quốc Nhật Bản không còn nhiều do nền kinh tế tăng trưởng chậm cộng với những rủi ro thiên nhiên gia tăng trong thời gian qua trong khi rất nhiều tập đoàn đều tham vọng duy trì tăng trưởng cao trong vòng 5-10 năm tới. GDP của Nhật năm 2012 chỉ tăng trưởng 1,4% và nhiều dự báo chỉ dưới 1% trong trung hạn. Trong bối cảnh này, việc mở rộng ra nước ngoài, tập trung vào Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là một chiến lược đã được xác định rõ ràng.

Ủng hộ cho lập luận này, bản tin của Japan Times ngày 18-11 cho biết các thương vụ M&A của các công ty Nhật tại Đông Nam Á trong 10 tháng đầu năm nay là 75 vụ, nhiều hơn mức kỷ lục 72 vụ trong 10 tháng đầu năm 2011. Bản tin dẫn nguồn số liệu từ công ty tư vấn Recof Corp.

Thứ hai, Việt Nam gần đây càng được chú ý hơn bởi những căng thẳng chính trị giữa Nhật Bản và Trung Quốc ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, đặc biệt là vấn đề lao động. Rất nhiều tập đoàn Nhật mà Stockplus làm việc đã có một chiến lược rõ ràng gia tăng đầu tư tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia nhằm phân tán rủi ro do trước đó một thời gian dài họ đã quá tập trung vào Trung Quốc. Bản tin của Japan Times cũng cho biết do mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, số vụ M&A của Nhật tại Trung Quốc trong năm 2013 dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm trở lại đây.

Thứ ba, quan trọng hơn cả, các tập đoàn Nhật nhìn nhận cơ hội từ các doanh nghiệp Việt Nam ở góc độ đồng nhất về văn hóa và cả trong quan hệ chính trị tốt đẹp.

Cuối cùng, và có lẽ là yếu tố trực tiếp nhất trên các bàn đàm phán M&A là khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ tại Nhật Bản để cải thiện bảng cân đối kế toán của đối tác Việt Nam. Hiện lãi suất vay thương mại ở Nhật chỉ khoảng 1-1,5%/ năm và thậm chí các doanh nghiệp Nhật có thể vay vốn vay rẻ hơn nếu như đảm bảo rằng khoản đầu tư vào doanh nghiệp ngoài Nhật Bản là chi phối (trên 50%), Stockplus cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới