Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân sách địa phương: liên tục bị “xé rào”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngân sách địa phương: liên tục bị “xé rào”

Lan Nhi

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Việc thực thi kỷ luật ngân sách ở địa phương không nghiêm sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh tài chính quốc gia.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2009 tăng 52.400 tỉ đồng so với dự toán.

Nhưng số tiền đó khó có thể dùng để giảm thâm hụt ngân sách dự phòng cho các mục tiêu an sinh xã hội. Lý do, là vì mức vượt chi ngân sách đã gần gấp đôi số thu vượt (hơn 93.000 tỉ đồng so với dự toán). Do vậy, dù mức bội chi ngân sách về tỷ lệ vẫn khống chế ở mức 6,9% như Quốc hội cho phép nhưng thực tế chi tiêu ngân sách có nhiều khoản mục đã vượt khỏi khuôn khổ nguyên tắc chi tiêu mà Luật Ngân sách quy định.

Và cũng không thể lấy lý do là phải chi để xử lý khủng hoảng kinh tế nhằm biện minh cho số vượt chi được bởi ngay từ khi lập dự toán, Chính phủ và Quốc hội đã tính đến những khoản chi mang yếu tố dự phòng như chi cho gói kích cầu kinh tế, chi đầu tư phát triển tăng mạnh…

Theo con số mà Ủy ban Tài chính – Ngân sách giám sát được ở các tỉnh, thì Quảng Bình chi vượt 58,4% so với dự toán trung ương giao. Trong đó, khoản chi vượt nhiều nhất là chi xây dựng cơ bản vượt 96,9%, chi trượt giá vượt 840,9%, chi sự nghiệp kinh tế vượt 176,9%. Hà Tĩnh cũng chi vượt 37% dự toán, Nghệ An vượt 28,9%. Nhiều khoản chi vốn bị siết chặt, cắt giảm đầu tiên khi phê duyệt ngân sách lại chính là những khoản chi được nới rộng như chi quản lý hành chính ở Nghệ An vượt gần 60% dự toán.

Tính chung cả nước, riêng mức vượt chi đầu tư xây dựng cơ bản tăng gần 60% so với dự toán đã được Quốc hội thông qua.

Có hai nguyên nhân được nêu ra để lý giải cho việc thu ít, chi cao ở các địa phương. Thứ nhất là do việc xây dựng, phân bổ và chấp hành dự toán ngân sách ở địa phương có quá nhiều bất cập. Thực tế là các địa phương thông thường lập dự toán mức chi cao hơn thực tế để tăng mức trợ cấp ngân sách từ trung ương. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phân tích sâu hơn các khoản chi vượt dự toán của địa phương, ví dụ khoản chi quản lý hành chính ở một tỉnh như Nghệ An tại sao lại vượt dự toán đến gần 60% hay chi trượt giá ở Quảng Bình lại có thể vượt đến 840%.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến các khoản chi bị lạm dựng quá mức ở các địa phương là do số vốn ứng trước trong gói kích thích kinh tế năm 2009 quá lớn (lên đến 37.200 tỉ đồng), lại được ứng ngay cho các địa phương sau khi có nghị quyết phân bổ của Quốc hội khiến cho việc phân bổ và thực hiện kế hoạch ở nhiều địa phương vốn đã yếu kém trong việc xây dựng kế hoạch lại càng lúng túng hơn hoặc chi vô tội vạ. Kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho thấy khả năng thu hồi vốn sẽ rất chậm. Có tình trạng dự án công trình được ứng vốn vượt quá lớn so với khối lượng thực hiện, có thể gây nên tình trạng không công bằng, thiếu minh bạch và khó thu hồi vốn. “Đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội rõ hơn về các dự án, công trình ứng trước vốn ngân sách, đồng thời cần có chế tài xử lý đối với các chủ đầu tư đã tạm ứng vốn nhưng kéo dài thời gian hoàn thành, quyết toán vốn để đảm bảo đồng vốn được dùng đúng mục đích”, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, yêu cầu.

Câu chuyện vốn ứng trước vượt dự toán của kế hoạch năm 2009 khiến cho chi đầu tư xây dựng cơ bản tăng thêm xấp xỉ gần 60% có nguy cơ kéo dài sang năm 2010 nếu không có các biện pháp xử lý cụ thể. Hiện một số bộ, ngành và địa phương đã phân bổ vốn cho các dự án chưa có quyết định đầu tư (39 dự án, số vốn xấp xỉ 322,3 tỉ đồng), phân bổ cho các dự án nhóm C thực hiện quá hai năm (17 dự án, 156 tỉ đồng), phân bổ vốn cho các dự án chuẩn bị đầu tư chưa đủ thủ tục là 36 tỉ đồng…

Việc rà soát các khoản chi này và thậm chí thu hồi lại những khoản tiền ngân sách đã bị sử dụng bất hợp lý là một việc hoàn toàn nằm trong tầm tay Quốc hội, thông qua cơ quan Kiểm toán Nhà nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới