Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân sách thâm thủng, ASEAN đương đầu với nguy cơ bán tháo tiền tệ

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nâng trần nợ công hay chính phủ vay nợ từ ngân hàng trung ương là những biện pháp chẳng đặng đừng hoặc cấm kỵ lúc bình thường. Nhưng nhiều nước Đông Nam Á đã phải sử dụng đến để lấp đầy nguồn ngân sách đang cạn kiệt sau các gói kích thích kinh tế liên tục. Việc thiếu kỷ luật hay kế hoạch quản trị tài chính hiệu quả và chặt chẽ có thể làm các nhà đầu tư bỏ chạy, khiến nguy cơ mất giá của các đồng tiền gia tăng.

Đủ loại phao cứu sinh

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) trong năm 2019, tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP của Indonesia chiếm 37%, trong khi Thái Lan là 34%. Nhưng sau hai năm “lặn ngụp” trong làn sóng dịch Covid với các đợt phong tỏa triền miên, thời điểm này các nền kinh tế ASEAN cần chiếc phao cứu sinh vững chắc hơn, tức nguồn tài lực lớn hơn để không đuối nước.

Dòng người mua sắm tại một trung tâm thương mại ở Jakarta vào tháng 8 vừa rồi. Việc cắt giảm 40% vay mượn qua hình thức trái phiếu đã giúp thị trường tài chính tiền tệ Indonesia khởi sắc. Ảnh: Reuters

Tuần trước, Thái Lan đã quyết định nâng trần mức nợ từ 60% lên 70% GDP. Nền kinh tế nước này đã xấu đi đáng kể sau các lệnh giới nghiêm và phong tỏa ở Bangkok và các khu vực. Bước đi này tạo thêm không gian cho chính phủ thực hiện các chính sách tài khóa mới – Bộ trưởng Tài chính Arkhom Termpittayapaisith phát biểu.

Đến nay, chính phủ đã phê chuẩn tổng các khoản vay mượn trị giá 1.500 tỉ baht, gần 55 tỉ đô la, để bù đắp các khoản thiếu hụt. Hệ quả là đến hết tháng 9 này, nợ công dự báo sẽ đạt 58,8% GDP.

Tại Indonesia, chính phủ sẽ tăng ngân khoản cho chương trình hồi phục kinh tế quốc gia lên gần 745 ngàn tỉ rupiah (khoảng 52,2 tỉ đô la) từ con số 699 ngàn tỉ rupiah trước đó. Các nhà lập chính sách đang tìm cách hồi sinh nền kinh tế tăng trưởng âm trong năm 2020 để đạt được tỷ lệ tăng trưởng 3,7-4,5% trong năm nay.

Trong nỗ lực này, cuối tháng trước, ngân hàng trung ương Indonesia đồng ý mua lượng trái phiếu chính phủ trị giá 439 ngàn tỉ rupiah (30,8 tỉ đô la) cho đến hết năm 2022. Số tiền khổng lồ sẽ được dùng cho chi tiêu công thay vì để mua nợ trên thị trường mở. Việc chính phủ vay mượn từ ngân hàng trung ương hoàn toàn là cấm kỵ ở các nền kinh tế khác.

Trong khi đó, chính phủ Malaysia vào cuối tháng 8 rồi cũng nâng triển vọng tỷ lệ thâm thủng ngân sách trên GDP từ 5,4% lên 6,5-7%. Malaysia đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 150 tỉ ringgit (35,7 tỉ đô la) vào tháng 6-2021 nhằm giảm nhẹ các tác động của lệnh phong tỏa đối với doanh nghiệp.

Tỷ lệ thâm thủng ngân sách trên GDP này tương đương với mức ghi nhận 6,7% vào năm 2009 – ngay sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Tỷ lệ nợ công cũng tiến sát dần mức trần 60% sau khi tăng 5 điểm phần trăm trong năm vừa rồi.

Chính phủ liên bang hiện đang dự định đưa ra đạo luật mới nhằm nâng mức trần nợ công lên 65%. Dịch bệnh kéo dài đã buộc chính phủ phải nới lỏng kỷ luật tài khóa hơn nữa để có thêm ngân sách cho các gói kích thích kinh tế trong năm 2022.

Nếu so với các nơi khác trên thế giới, các nước Đông Nam Á có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ khá thấp. Vì thế, nhiều chính phủ rất ngần ngại trong việc nới lỏng các giới hạn đi lại của người dân và khôi phục sản xuất. Tình thế này khiến triển vọng hồi phục kinh tế bị lu mờ. Trong báo cáo công bố tuần rồi, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cắt dự báo tăng trưởng của ASEAN từ 4,4% xuống còn 4% trong năm nay.

Ngân sách thâm hụt là tình hình chung của các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới. Tuy vậy, các nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc quá lớn vào nợ nước ngoài. Hệ quả là nhà đầu tư có khuynh hướng bán tháo các loại tiền tệ trong khu vực nếu các chính phủ rục rịch chuẩn bị nới lỏng kỷ luật tài khóa.

Thị trường bị chủng Delta và tỷ lệ tiêm chủng tác động

Các đợt bùng phát do chủng Delta lây lan mạnh và tỷ lệ tiêm chủng thấp đã khiến Đông Nam Á là điểm nóng của dịch. Thị trường tài chính tiền tệ vì thế cũng chịu nhiều cú vùi dập, vật vờ liên tục.

Số ca tử vong và tỷ lệ tiêm chủng thấp là yếu tố khiến nhà đầu tư rút khỏi thị trường chứng khoán và tiền tệ Đông Nam Á, đặc biệt khi chính phủ tăng cường vay nợ. Ảnh: AP

Giá chứng khoán sụt giảm mạnh khi số ca tử vong tăng vọt, với các chỉ số ở Philippines và Việt Nam dẫn đầu các đợt trượt đáy của toàn cầu trong tháng 7-2021. Các chỉ số chứng khoán ASEAN thôi sụt giảm vào tháng rồi khi số ca nhiễm mới và tỷ lệ tử vong ít đi. Các nhà phân tích nói rằng các đồng tiền của ASEAN đã bị tụt giá so với các loại tiền tệ khác ở châu Á trong quí 3 này, với đồng baht của Thái Lan ở đáy sâu nhất kể từ năm 2018.

Đối với các nhà đầu tư, điểm chính trước khi quyết định xuống tiền là tỷ lệ tiêm chủng ở đất nước đó. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở một số nước ASEAN ở mức 1 con số trong tháng 7, rồi nâng dần lên hai con số trong tháng 8 và 9. “Thị trường ASEAN đang suy giảm bởi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ chưa đạt 70% để làm chậm tốc độ lây lan của chủng Delta. Tiêm chủng diện rộng là cách duy nhất để mở cửa trở lại một cách an toàn bởi dịch bệnh nay đã trở thành bệnh đặc hữu, cảm cúm thông thường”, theo lời Alan Richardson, giám đốc quản lý đầu tư cấp cao của Samsung Asset Management HK Ltd.

“Các đợt điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP sẽ thường xuyên, tùy thuộc vào thành công trong khống chế dịch. Chúng tôi đã xếp Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore vào nhóm dưới trong các thị trường mới nổi”, nhà chiến lược đầu tư cấp cao của Pictet Asset Management ở London phát biểu.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng. Indonesia hồi tháng 7 đã cắt giảm mục tiêu phát hành trái phiếu ròng trong sáu tháng cuối năm từ 51,7 tỉ đô la xuống còn 31,7 tỉ đô la, tức giảm 40%. Kết quả khích lệ các loại trái phiếu chính phủ trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư khi lợi suất cao hơn cả lợi suất trái phiếu của chính phủ Mỹ trên đà giảm. Chỉ trong vòng hai tuần, các nhà đầu tư đã lãi trên 3%. Tác động tích cực khác là nhà đầu tư đã không bán tháo đồng rupiah.

Đồng ringgit của Malaysia giảm gần 2% so với đồng bạc xanh trong quí 3 này, đồng peso của Philippines giảm gần 3%. Đồng baht Thái Lan giảm mạnh nhất với gần 4%.

Tình trạng bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu đang lan sang thị trường châu Á trong ngày 29-9 sau khi thị trường Mỹ đạt điểm đáy kể từ tháng 5 đến nay. Lợi suất trái phiếu đã tăng khi mọi người lo ngại lạm phát sẽ tác động. Nhưng các nhà đầu tư vẫn theo dõi các diễn biến của khủng hoảng trần nợ công tại Mỹ trong ba tuần tới và chuyện ông Jerome Powell phải chật vật để giữ ghế Chủ tịch Fed (Quỹ Dự trữ Liên bang).

“Đệm hơi” cho tác động bên ngoài vẫn tốt

Tổng quát thì các yếu tố nội tại cơ bản của các nền kinh tế ASEAN vẫn mạnh. “Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng các đồng tiền này sẽ tiếp tục trên đà mất giá trong các tháng còn lại trong năm”, nhà phân tích Paul Mackel của ngân hàng HSBC Holding Plc nói.

Riêng Alvan Tan, người đứng đầu bộ phận chiến lược tiền tệ của RBC Capital Markets ở Hồng Kông nói rằng chiến lược hiện nay là các nhà đầu tư mua các loại tiền tệ này theo chiều hướng tiền sẽ mất giá thêm.

Tuy nhiên, không phải loại tài sản nào ở Đông Nam Á cũng gặp áp lực. Nợ của doanh nghiệp ASEAN đã chứng tỏ sức chịu đựng bền bỉ với các loại trái phiếu đáng đầu tư và các doanh nghiệp phát hành được sự hậu thuẫn của chính phủ. Lợi suất của trái phiếu bằng đô la Mỹ của doanh nghiệp châu Á so với Đông Nam Á đã tăng nhiều trong ít nhất 3 năm qua. Điều này phản ánh sự náo loạn của thị trường nợ Trung Quốc.

“Trung Quốc đang siết chặt quản lý doanh nghiệp và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc tiếp cận thị trường ASEAN sẽ làm đa dạng hóa danh mục đầu tư có lợi nhuận ổn định của các định chế đầu tư và nhà đầu tư nhỏ lẻ. Dù rằng Covid-19 vẫn đang rình rập và tỷ lệ tiêm vaccine chưa đạt mong muốn, chúng tôi vẫn cảm thấy thoải mái. Khu vực Đông Nam Á vẫn có vùng đệm tốt hơn với các tác động tiêu cực từ bên ngoài”, Sheldon Chan, giám đốc chiến lược đầu tư trái phiếu của hãng T. Rowe Price, phát biểu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới