Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngân sách ước thu 15.000–20.000 tỉ đồng nhờ thoái vốn tại 6 doanh nghiệp lớn

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngân sách ước thu 15.000–20.000 tỉ đồng nhờ nguồn thu từ thoái vốn nhà nước năm 2022 tại 6 doanh nghiệp gồm FPT, Sabeco, Bảo Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền phong, Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam.

Thông tin này được nêu trong báo cáo về tình hình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tình hình thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước 8 tháng năm 2021 của Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN) thuộc Bộ Tài chính.

Cơ quan này cho biết đã xây dựng kế hoạch thoái vốn tại 6 doanh nghiệp trong năm 2022 gồm Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tập đoàn FPT, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam.

Theo đó, việc thoái vốn tại 6 doanh nghiệp sẽ giúp ngân sách thu về tối thiểu 30.000-40.000 tỉ đồng trong năm 2022. Nhưng nếu thương vụ thoái vốn tại Sabeco không thể diễn ra, ngân sách chỉ có thể thu về tối thiểu 10.000 tỉ đồng.

“Ước tính một cách cẩn trọng, khả thi và căn cứ giá cổ phiếu niêm yết ngày 23-8-2021, dự kiến nguồn thu từ thoái vốn nhà nước năm 2022 với 6 doanh nghiệp trên vào khoảng 15.000-20.000 tỉ đồng”, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết.

Trước đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từng công bố danh sách 88 doanh nghiệp dự kiến bán vốn năm 2021 với nhiều thương vụ đáng lưu ý gồm thoái 36% vốn Sabeco, 50,7% vốn Bảo Minh, 40,7% vốn Tổng công ty Licogi, 63,38% vốn Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), 36,3% vốn Vocarimex, 37% vốn Nhựa Tiền phong, gần 6% vốn FPT, 53,5% vốn Vinatex. Nhưng hiện các thương vụ này chưa thể thực hiện.

FPT
Nỗ lực thoái vốn nhà nước tại FPT của SCIC vẫn chưa thể thành công. Ảnh minh hoạ: Phạm Hưng.

Về tình hình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước 8 tháng năm 2021, cơ quan này cho biết số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp mới đạt 366 tỉ đồng.

Lý giải kết quả, cơ quan này cho rằng nhiều đơn vị vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính phải xử lý.

Ngoài ra, tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.

Các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM – nơi có số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch chiếm tới 60% kế hoạch cổ phần hóa còn lại của giai đoạn 2016 – 2020 – phải thực hiện giãn cách nghiêm ngặt trong thời gian dài. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trung ương thuộc danh mục thoái vốn cũng nằm tại TP Hà Nội và TPHCM.

Những yếu tố này, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, khiến các đơn vị cung cấp dịch vụ định giá, tư vấn chưa thể triển khai thực hiện công tác thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp và phần vốn nhà nước theo quy định.

Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cơ quan này dự báo kế hoạch thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trung ương nộp về ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm 2021 không đạt 40.000 tỉ đồng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi nghĩ rằng phải quy trách nhiệm hình sự đối với việc thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Thị trường chứng khoán giao dịch sôi động từ năm ngoái đến nay, vậy mà công tác thoái vốn lẫn cổ phần hóa vẫn rất chậm, lỡ hết thời cơ để thoái vốn. Lúc nào cũng bài ca “xác định giá trị đất, tài sản còn vướng mắc”, vướng gì mà từ 2018 đến nay chưa xử lý, lại còn đổ tại covid.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới