Thứ Sáu, 24/03/2023, 13:19
31 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Ngành bán lẻ dự báo tăng 15% năm 2011

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành bán lẻ dự báo tăng 15% năm 2011

Thu Nguyệt thực hiện

Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan.- Ảnh: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Ngành bán lẻ Việt Nam trong năm sau được kỳ vọng tăng trưởng tốt mặc dù những yếu tố được xem là rào cản đối với ngành bán lẻ, như cơ sở hạ tầng yếu kém, giá mặt bằng cao vẫn còn đó.

Tại Hội thảo “Bán lẻ và Xu hướng tiêu dùng Việt Nam 2011” do Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tổ chức hôm 24-11 tại TPHCM, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam trong năm tới. Thời báo Kinh tế Sài gòn Online đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Mỹ Loan về dự báo này.

TBKTSG Online: Bà cho rằng ngành bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2011, nhưng sự tăng trưởng này có vượt bậc không, hay chỉ ở mức thấp?

– Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Chúng tôi khá lạc quan với tình hình phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam, nhưng chúng ta cũng phải cẩn trọng vì suy thoái kinh tế vẫn còn đang tác động mạnh và có diễn biến khó lường, nhất là tình hình CPI và những khó khăn khác. Tuy nhiên, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cùng các thành viên và các doanh nghiệp bán lẻ trong cả nước sẽ cố gắng để phát triển thị trường bán lẻ và hy vọng giữ mức phát triển khoảng 15-16% sau khi loại trừ các yếu tố tăng giá. Đây là một con số rất cao.

Các trở ngại cho sự phát triển của ngành bán lẻ vẫn chưa thể giải quyết trong năm tới, vậy đâu là lý do cho sự lạc quan này?

– Các yếu tố khó khăn thì vẫn còn đó, nhưng chúng tôi kỳ vọng vào năm 2011 sẽ có những biến chuyển rất lớn. Thứ nhất là do hoạt động của các cơ quan quản lý‎ nhà nước. Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng nhấn mạnh đến việc làm thế nào để củng cố và phát triển hệ thống phân phối và ngành bán lẻ, vì chưa có một nền kinh tế nào phát triển mà hệ thống bán lẻ lại lạc hậu.

Về phía doanh nghiệp, họ cũng nỗ lực rất lớn. Dù năm qua khủng hoảng, nhưng nhiều hệ thống bán lẻ như Citimart, Trần Anh, Nguyễn Kim, đều mở rộng hoạt động phân phối. Và dù mở ra nhiều như vậy cũng chưa đáp ứng được hết nhu cầu. Các nhà bán lẻ FDI, dù không có nhiều tại Việt Nam, nhưng đã thay đổi và đưa sự cạnh tranh lên tầm cao mới, để các nhà bán lẻ trong nước phải chấp nhận cạnh tranh.

Chúng tôi cũng kỳ vọng lòng tin của người tiêu dùng sẽ được hỗ trợ.

Bà có nói rằng năm 2011 sẽ đánh dấu sự trở lại các cửa hàng tiện lợi tại thị trường Việt Nam. Điều gì khiến bà có nhận định này?

– Theo một số thông tin thì một số cửa hàng tiện lợi (của nước ngoài – PV) hiện phát triển khá tốt ở TPHCM. FamilyMart của Nhật Bản có thể đang tìm một hình thức hoạt động ở thị trường Việt Nam. Cách đây hai năm, họ (các nhà bán lẻ thông qua kênh phân phối cửa hàng tiện lợi – PV) không thành công, và có lẽ là đây là thời điểm để họ quay lại. Tuy nhiên, hiện các cửa hàng tiện lợi chưa phát triển tốt vì giá cả cao.

Xin cảm ơn bà.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam cả năm 2010 dự kiến tăng 25% so với năm trước, sau khi loại trừ yếu tố tăng giá thì bán lẻ tăng 15%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới