Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành cà phê có nguy cơ thiệt hại 4.000 tỉ đồng/năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành cà phê có nguy cơ thiệt hại 4.000 tỉ đồng/năm

Ngọc Hùng

Ngành cà phê có nguy cơ thiệt hại 4.000 tỉ đồng/năm
Theo Cục Trồng trọt, do tỷ lệ cà phê sống sau khi tái canh thấp nên việc tái canh 100.000 héc-ta sẽ chậm hơn 5 năm so với kế hoạch. Ảnh chụp nông dân đang làm cỏ cho vườn cà phê. Ành: Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Mỗi năm người trồng cà phê cần khoảng 1.500 tỉ đồng để tái canh 10.000 héc-ta và nếu không làm được điều này trong năm 2012 thì trong 10 năm tới ngành cà phê Việt Nam mỗi năm thiệt hại khoảng 4.000 tỉ đồng.

>>> Từ 2011-2015, cần tái canh 100.000 héc ta cà phê

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong số 560.000 héc-ta cà phê của Việt Nam thì có khoảng 100.000 héc-ta cây trên 20 tuổi và phải trồng cây mới bao phủ diện tích này trong 10 năm tới, nếu không ngành cà phê sẽ thiệt hại một số tiền khá lớn do năng suất của diện tích cà phê nói trên sẽ giảm 50% (khoảng 1 tấn/héc-ta).

“Đây là một việc cần phải làm ngay, làm càng sớm càng tốt nếu không trong vòng 5 năm tới, thiệt hại đối với người trồng cà phê sẽ ngày còn lớn hơn. Trong năm 2011, một số địa phương cũng đã tìm cách tái canh vườn cà phê già cỗi nhưng tỷ lệ cây cà phê trồng mới sống được đến khi thu hoạch là khá thấp”, ông Hòa cảnh báo.

Cùng quan điểm này, ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết trước đây những nước như Brazil, Colombia, Ấn Độ do không chú trọng đến vấn đề tái canh cây cà phê nên chỉ sau một thời gian ngắn sản lượng cà phê từ cây trên 20 tuổi giảm đáng kể.

Theo kết quả cuộc nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên trong mấy năm qua, gần 88% diện tích tái canh bị thất bại, sau 4 năm kể từ khi tái canh thì số cây cho trái chỉ đạt 14%. Nghĩa là từ khi tái canh đến khi cho thu hoạch thì trong 1.000 héc-ta chỉ có 140 héc-ta là cây còn sống để cho thu hoạch. Vì vậy, Cục Trồng trọt cho rằng, thay vì theo kế hoạch đến hết năm 2015, Việt Nam phải tái canh 100.000 héc-ta cà phê thì nay phải kéo dài thêm 5 năm nữa.

Vì vậy, cả ông Hòa và ông Báu đều đề nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ lãi suất cho người dân để họ có thể chủ động tái canh cà phê, lý do là trong 100.000 héc-ta cần tái canh thì 80% diện tích thuộc sở hữu của các hộ nông dân, và trong bối cảnh giá cà phê đang ở mức cao như hiện nay nếu không có hỗ trợ từ nhà nước thì người dân sẽ không chặt cây già cỗi để trồng cây mới. Còn khi trồng lại nhưng tỷ lệ thành công chỉ 14%, nếu nhà nước không có chính sách hỗ trợ lâu dài thì không người dân nào dám mạo hiểm để tái canh vườn cà phê của mình.

Trước đó, vào giữa năm 2010 Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) đưa ra kế hoạch đến năm 2012, sẽ đầu tư trên 950 tỉ đồng để tái canh khoảng 5.500 héc-ta trong tổng số hơn 19.200 héc-ta cà phê thuộc quyền quản lý của họ.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, để giúp người dân tái canh 300.000 trong số 900.000 héc-ta cà phê (1/3 diện tích), Chính phủ Colombia đã hỗ trợ người dân 40% tổng chi phí trồng lại cà phê. Để tái canh 10% diện tích cà phê (40.000 héc-ta), chính phủ Ấn Độ hỗ trợ 40% tổng chi phí cho hộ dân có dưới 2 héc-ta cà phê, từ 2-10 héc-ta được hỗ trợ 30%, từ 10 héc-ta trở lên được hỗ trợ 25%. Còn theo tính toán của các nhà khoa học Việt Nam, chi phí để tái canh cà phê vào khoảng 100-120 triệu đồng/héc-ta, trong đó 60% là chi phí vật chất như giống, phân bón.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới