Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành công nghệ thông tin trong cơn khủng hoảng toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành công nghệ thông tin trong cơn khủng hoảng toàn cầu

Tình hình khó khăn buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm công suất, cũng có nghĩa là cắt giảm nhân sự (ảnh chỉ có tính chất minh họa).  

(TBVTSG) – Từ giữa năm 2008 đến nay, ngành công nghệ thông tin (CNTT) toàn cầu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã lâm vào tình cảnh khó khăn, dẫn đến việc sa thải hàng loạt người lao động…  

Suy thoái kinh tế khiến sức mua giảm thấp, hàng hóa tồn đọng nhiều. Sự trỗi dậy của các doanh nghiệp non trẻ bằng việc tung ra nhiều mặt hàng giá rẻ đã làm thị trường điện tử, công nghệ thông tin trở nên “bình dân” hơn bao giờ hết. Tình hình đó, buộc các hãng lớn phải cắt giảm công suất, cũng có nghĩa là phải cắt giảm nhân sự, từ nhà máy chính cho đến các chi nhánh trực thuộc trên toàn cầu.

Doanh nghiệp càng lớn, nhân sự bị cắt giảm càng nhiều. Trước đây, cũng đã có nhiều đợt cắt giảm nhân công nhưng chỉ là những động thái sắp xếp nhân sự; nhưng nay, việc cắt giảm nhân công là do khó khăn trong kinh doanh, do lợi nhuận tụt giảm nghiêm trọng và cả thua lỗ, thậm chí do đứng trước nguy cơ phá sản.

Trông “người”

Giữa tháng Giêng, Motorola đã chính thức thông báo cắt giảm 3.000 người lao động đang làm việc tại các bộ phận sản xuất điện thoại di động vì ngành hàng này đang thua lỗ do không cạnh tranh nổi với các nhà sản xuất khác. Dự kiến, Motorola sẽ còn tiếp tục cắt giảm 1.000-2.000 chỗ làm nữa để giảm đà sa sút của hãng này.

Cũng trong tháng Giêng, Microsoft có kế hoạch giảm 1.400 nhân sự để bảo đảm độ an toàn cho chính sách phát triển của nhà sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới này. Việc Microsoft giảm số lượng nhân viên nhiều như vậy đã làm cộng đồng công nghệ thông tin trên toàn cầu hoang mang.

Dù chỉ là động thái sắp xếp lại hoạt động của các nhà máy nhưng việc di dời và đóng cửa bốn nhà máy tại Trung Quốc và Malaysia cũng đã làm lực lượng lao động của Intel giảm đi khoảng 4.000 người so với năm 2008. Nortel (tập đoàn công nghệ thông tin của Canada) từ đầu năm nay đã làm hồ sơ xin bảo hộ phá sản. Chưa có thông tin cuối cùng về việc có được bảo hộ phá sản hay không nhưng khả năng này là rất dễ xảy ra, làm hàng ngàn người lao động đang trong tình cảnh “đứng ngồi không yên”.

Danh sách cắt giảm lao động của các “đại gia” ngành công nghệ thông tin và điện tử tiếp tục được kéo dài. Có thể bổ sung thêm những tên tuổi như Lenovo, cũng vừa công bố kế hoạch cắt giảm 2.500 người trong năm nay. Trước đó vào cuối năm 2008, AMD cũng cắt giảm 1.100 người. Giảm nhiều hơn cả là hãng sản xuất thiết bị viễn thông Ericsson khi “nói lời chia tay” với khoảng 5.000 người lao động.

Gần nhất là Sun Microsystems cũng thông báo sẽ cắt giảm 1.300 người lao động trong kế hoạch giảm 6.000 người trong năm nay. IBM không đủ tiền để trả lương cho 3.000 nhân viên nên phải cho nghỉ việc chừng ấy con người. Sony cũng thông báo cắt giảm 2.000 người khi đóng cửa hai nhà máy sản xuất ti-vi tại Nhật.

Theo dự báo, đến giữa năm nay, nếu tình hình kinh tế toàn cầu không có chuyển biến, số lượng lao động bị cắt giảm sẽ còn gia tăng mạnh hơn nữa, có thể sẽ vượt qua con số gần 700.000 người bị sa thải hồi năm 2001 do sự cố “dotcom”.  

Nhìn “ta”

Tính đến nay, chưa có thống kê chính thức và đầy đủ về số lượng người lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử ở Việt Nam bị sa thải do tình hình kinh doanh khó khăn. Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM, khi doanh nghiệp sa thải người lao động, buộc phải báo về sở để biết nhưng đến nay số doanh nghiệp có báo cáo không nhiều nên sở chưa có con số chính thức. Tại Việt Nam, nhóm doanh nghiệp sa thải lao động nhiều nhất là những liên doanh, sau đó là nhóm gia công phần mềm, tiếp theo là nhóm phân phối và bán lẻ…

Cũng cần nhắc lại rằng, mở đầu cho việc cắt giảm nhân công trong ngành công nghệ thông tin và điện tử tại Việt Nam là doanh nghiệp F. Vào tháng 7-2008, với lý do sắp xếp doanh nghiệp để hoạt động có hiệu quả hơn, doanh nghiệp này đã giảm khá nhiều người lao động nhưng không đưa ra con số cụ thể mà chỉ cho biết khoảng 10% (ước tính khoảng 200 người). Sau đó không lâu, một liên doanh sản xuất hàng điện tử tuyên bố cắt giảm 200 người vào đầu tháng 10-2008 với lý do chuyển đổi mục đích kinh doanh.

Trong lúc đó, theo xác nhận từ ban lãnh đạo công ty J., khi nhà máy sản xuất hàng điện tử gia dụng (ti-vi và các thiết bị nghe nhìn) của họ được chuyển từ Tân Bình về Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Bình Chánh, TPHCM) cũng là lúc họ cắt giảm 70 người lao động. Việc tinh giản biên chế này, theo ban lãnh đạo công ty là thực hiện quá trình thay đổi cơ cấu làm việc theo chủ trương chung của tập đoàn mẹ trên toàn cầu.

Đang đứng trước nguy cơ có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa chính là lĩnh vực gia công phần mềm. Dù được đánh giá là có thị trường lao động giá rẻ, tay nghề cao, siêng năng… nhưng vì đối tác không còn đặt hàng nên nhiều doanh nghiệp đang hết sức khó khăn. Từ cuối năm 2008, công ty G. đã bắt đầu cắt giảm 100 nhân viên, đầu năm nay lại cắt giảm thêm 100 nhân viên nữa. Theo nhiều nguồn tin, hai doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực gia công phần mềm của Việt Nam là T. và P. dù chưa cắt giảm lao động nhưng cũng đang hết sức lo lắng vì các đối tác lớn của họ tại Mỹ và Nhật đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Sau thời kỳ phát triển “nóng” để cạnh tranh, giành thị phần… thì nay, các nhà bán lẻ điện thoại di động và máy tính đã bắt đầu co lại. Đến nay, hai hệ thống bán lẻ là T. và V. đã đóng cửa bảy siêu thị thành viên tại TPHCM, Hà Nội và Cần Thơ và đều từ chối cung cấp con số nhân viên bị cắt giảm.

Cơ hội?

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT, lo ngại rằng tình hình của các doanh nghiệp như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác đào tạo. “Nếu không ổn định tâm lý của sinh viên thì không chỉ trường chúng tôi mà nhiều trường khác sẽ không có sinh viên theo học. Hệ quả là 3-4 năm tới chúng ta lại thiếu người khi kinh tế đã phục hồi”.

Nếu trong hai năm 2007 và 2008, sinh viên ngành công nghệ thông tin (phần cứng, phần mềm) ra trường không sợ thất nghiệp, thì năm nay, nhiều chuyên gia dự đoán sẽ có 10-15% sẽ thất nghiệp. Nhưng mức dự đoán ấy có vẻ còn “khiêm tốn”. Cũng có ý kiến cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ lớn hơn rất nhiều nếu tình hình vẫn khó khăn như những ngày đầu năm cũng như không có sự điều chỉnh, can thiệp kịp thời từ Nhà nước.

Nhưng theo ông Võ Tấn Long (IBM Việt Nam), thời điểm khó khăn này cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước có dịp “nhìn” lại mình. Ông Long nói: “Khủng hoảng kinh tế hiện đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành kinh tế trên toàn thế giới. Một mặt, điều này sẽ gây ra nhiều bất lợi với các doanh nghiệp gia công phần mềm bởi lẽ khi kinh tế đi xuống, nhiều công việc đáng lẽ được thuê làm bên ngoài giờ đây có thể sẽ do các bộ phận trong doanh nghiệp tự đảm nhận. Tuy nhiên, khủng hoảng cũng có thể tạo ra cơ hội cho những doanh nghiệp gia công phần mềm Việt Nam, vốn có những thế mạnh về giá nhân công và chi phí vận hành. Tôi cho rằng đây là thời điểm mà các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt Nam có thể quảng bá thương hiệu của mình để gây sự chú ý. Nếu tận dụng tốt cơ hội, đây sẽ là thời điểm để các doanh nghiệp có thể khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường gia công phần mềm thế giới”.

Cũng theo ông Long, nếu doanh nghiệp nào có chiến lược lâu dài, thời khủng hoảng là lúc có thời gian để đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị cho thị trường khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục.

BẢO LỘC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới