Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành công nghiệp ô tô Đức chờ “ngày phán xét”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành công nghiệp ô tô Đức chờ “ngày phán xét”

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Cuộc chuyển đổi tất yếu sang xe điện sẽ đặt ngành công nghiệp ô tô của Đức vào một cơn biến động lớn trong những năm tới, khi các hãng xe và các nhà cung cấp linh kiện buộc phải cắt giảm ồ ạt nhân sự để tập trung nguồn lực cho xe điện.

Ngành ô tô Đức lâm nguy khi nhu cầu xe cá nhân chạm đỉnh

Thập niên vàng của nền kinh tế Đức đến hồi kết

Ngành công nghiệp ô tô Đức chờ “ngày phán xét”
Hãng xe Daimler vừa thông báo sẽ cắt giảm ít nhất 10.000 nhân sự trong ba năm tới. Ảnh: Republic World

Đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử

Một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy tổn thất do sự chuyển đổi từ xe chạy bằng động cơ đốt trong sang động cơ điện là hai hãng xe của Đức Daimler và Audi tuyên bố sẽ sa thải 20.000 việc làm.

Hôm 29-11, hãng xe Daimler, chủ thương hiệu Mercedes-Benz, thông báo trong vòng 3 năm tới sẽ cắt giảm ít nhất 10.000 nhân sự để dồn nguồn tài chính cho chương trình phát triển xe điện. Theo đó, 1/10 nhân sự quản lý của Daimler cũng sẽ bị sa thải.

Trước đó hai ngày, thương hiệu xe Audi của hãng Volkswagen (VW), cũng thông báo sẽ cắt giảm 9.500 nhân viên, tương đương 10,6% tổng lực lượng nhân sự của Audi vào năm 2025. Audi cho biết động thái này sẽ giúp tiết kiệm 6 tỉ euro để hỗ trợ cho ngân sách tuyển dụng 2.000 vị trí mới trong lĩnh vực công nghệ số hóa và xe điện.

Thông báo nhấn mạnh: “Audi phải trở nên gọn nhẹ và thích ứng với tương lai và điều này có nghĩa là một số công việc sẽ không còn cần thiết trong khi một số công việc mới được tạo ra”.

Như vậy cho đến nay, các hãng xe hàng đầu nước Đức và các nhà cung cấp linh kiện ô tô như Continental và Bosch đã lên kế hoạch cắt giảm khoảng 50.000 việc làm khi lợi nhuận từ mảng kinh doanh xe truyền thống của họ đang sa sút.

“Ngành công nghiệp ô tô đang nằm giữa tâm điểm của một cơn chấn động lớn”, Herbert Diess, Giám đốc điều hành VW, nói.

“Không hãng xe nào có thể sống sót với mô hình hiện nay”, chuyên gia Ralf Kalmbach ở hãng tư vấn quản lý Bain & Co., người có thâm niên 32 năm làm việc với các hãng xe Đức, cảnh báo.

Ông cho rằng chi phí khổng lồ cho cuộc chuyển đổi sang xe điện sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô của nước này đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi Karl Benz phát minh ra ô tô cách đây hơn một thế kỷ. Hiện ngành công nghiệp ô tô của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang sử dụng 830.000 lao động trực tiếp và hỗ trợ cho 2 triệu lao động gián tiếp. Trong ba năm tới, các hãng Đức dự kiến phải chi tiêu 40 tỉ euro để phát triển công nghệ xe điện.

Ola Källenius, Giám đốc điều hành hãng xe Daimler, nói: “Chúng ta chỉ mới chứng kiến vài chương đầu tiên của cuộc chuyển đổi này nhưng đây là một cuốn sách có rất nhiều chương”.

Nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm cộng với tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và nguy cơ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thỏa thuận đã buộc các hãng xe hạ dự báo doanh số. Các hãng kỳ vọng bán được hơn 100 triệu xe trong năm 2019 nhưng thực tế, họ chỉ có thể bán được 90 triệu xe.

Tình hình càng tồi tệ hơn khi họ đối mặt với “quả bom hẹn giờ” về nhân khẩu học ở nhiều nước giàu, tức khi tuổi thọ con người tăng lên nhưng tỷ lệ sinh giảm, khiến số lượng người mua xe mới giảm nhanh chóng. Trong khi đó, một loạt dịch vụ đi lại của các đối thủ mới như hãng gọi xe Uber và hãng xe tự lái Waymo của Google, được dự báo sẽ dẫn dắt xu hướng di chuyển trong tương lai.

Nhà phân tích ngành ô tô Arndt Ellinghorst ở Công ty tư vấn Evercore ISI nói: “Ngành công nghiệp ô tô của Đức cần phải học cách thích ứng nhanh hơn và thay đổi nhanh hơn”.

Tăng tốc sản xuất xe điện dù thua lỗ

Dây chuyền lắp ráp của hãng xe Audi tại một nhà máy ở Ingolstadt, Đức. Ảnh: AP

Theo Ferdinand Dudenhoffer, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô tô ở Đại học Duisburg-Essen (Đức), trong 10 năm tới, gần 250.000 việc làm trong ngành công nghiệp ô tô Đức sẽ bị mất. Nhiều nhà cung cấp nhỏ sẽ phải dừng kinh doanh.

Doanh số bán xe tăng trưởng mạnh tại Trung Quốc giúp các thương hiệu xe lớn nhất của Đức vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào 10 năm trước. Nhưng giờ đây, tốc độ tăng trưởng này đã suy giảm 17 tháng liên tục, làm giảm một nguồn thu quan trọng vào đúng thời điểm các hãng xe Đức đang rất cần vốn để đầu tư cho các công nghệ mới trong lĩnh vực xe điện.

Lo ngại nhu cầu xe điện vẫn đang còn yếu và các quy định nghiêm ngặt về cắt giảm khí thải nhà kính của Liên minh châu Âu đang buộc các hãng xe Đức phải tăng tốc các kế hoạch sản xuất, nếu không sẽ bị phạt hàng tỉ euro.

VW đang muốn định danh lại như là một hãng xe điện hàng đầu thế giới với việc ra mắt dòng xe điện bình dân ID3 có giá bán 30.000 euro. Tháng trước, VW nâng mục tiêu sản xuất xe điện lên con số 32 triệu xe trong 10 năm tới. Giám đốc điều hành VW Herbert Diess tự tin khẳng định rằng: “Điện khí hóa ô tô không phải là một canh bạc”.

Song ông lưu ý cuộc chuyển đổi sang xe điện đòi hỏi phải huy động các nguồn lực tài chính từ mảng kinh doanh xe truyền thống.

Chuyên gia tư vấn Kalmbach cho biết hiện tại cứ mỗi một chiếc xe điện được sản xuất, các hãng xe Đức đều đang thua lỗ. Tình hình này sẽ không thay đổi cho đến giữa thập niên sau.

Chi phí bồi thường cho nhân viên bị sa thải ở Đức ước tính khoảng 100.000 euro/người. Điều này khiến các công ty thường cân nhắc các chương trình tái đào tạo kỹ năng hoặc chờ đợi đến lúc nhân viên nghỉ hưu. Song các thương hiệu xe hàng đầu của nước Đức chỉ đơn giản là đang tạm trì hoãn điều không thể tránh khỏi.

VDA, tổ chức vận động hành lang cho ngành công nghiệp ô tô Đức, dự báo cuộc chuyển đổi sang xe điện ở Đức sẽ khiến 70.000 việc làm bị mất mát trong tương lai gần vì các dây chuyền lắp ráp xe điện sử dụng ít lao động hơn và xe điện cũng có ít linh kiện hơn so với các dòng xe động cơ đốt trong truyền thống. Hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey dự báo thị trường linh kiện cho xe động cơ đốt trong sẽ suy giảm 7% mỗi năm.

“Trong ngành công nghiệp này, bạn chỉ có thể cắt giảm việc làm khi gặp khủng hoảng. Các hãng xe đều biết rằng họ sẽ phải cắt giảm nhân sự. Họ chỉ đang cố trì hoãn ngày phán xét”, hãng này cho biết.

Song Chủ tịch VDA Bernhard Mattes tin với trình độ chuyên môn kỹ thuật tích lũy trong 130 năm, ngành công nghiệp ô Đức cuối cùng sẽ vượt qua được cơn sóng thần ở phía trước.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới