Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành dệt may, da giày: Lạc quan trong nỗi lo thiếu lao động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành dệt may, da giày: Lạc quan trong nỗi lo thiếu lao động

Sơn Nghĩa

Công nhân trong dây chuyền may xuất khẩu của Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, doanh nghiệp đoạt giải tiêu biểu ngành dệt may 7 năm liền.

(TBKTSG) – Ngành dệt may và da giày đã gặt hái nhiều thành công trong năm 2010, khi giá xuất khẩu tăng trở lại cùng với sự hồi phục về kinh tế của những quốc gia nhập khẩu. Những tín hiệu lạc quan từ thị trường cho thấy năm 2011, ngành dệt may và da giày tiếp tục phát triển. Để tận dụng được những thuận lợi này, doanh nghiệp cần sớm giải quyết bài toán về thiếu hụt nhân công, vốn đã nan giải trong nhiều năm qua.

Những cột mốc mới

Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2010 có thể đạt trên 11 tỉ đô la Mỹ, là mức cao nhất từ trước đến nay của ngành này, so với kế hoạch là 10,5 tỉ đô la.

Một thuận lợi cho ngành may Việt Nam từ đầu năm đến nay, theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (Agtek), là doanh nghiệp xuất khẩu những đơn hàng FOB có giá trị gia tăng cao tiếp tục tăng trưởng, là một bước tiến so với làm hàng gia công bình thường. Theo tính toán của Agtek, hàng dệt may xuất khẩu theo dạng FOB đã lên đến gần 30% so với 20-25% trước đây. Thực hiện những đơn hàng FOB, doanh nghiệp cũng gặp nhiều rủi ro. Nếu làm gia công, hàng sản xuất ra không đạt yêu cầu, doanh nghiệp chỉ mất chi phí gia công. Thực hiện hàng FOB, nếu làm không tốt, doanh nghiệp mất cả tiền công lẫn tiền nguyên phụ liệu, vì vậy đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao trình độ đội ngũ quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đào tạo kỹ năng cho công nhân.

“Trong năm 2010, doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc tìm khách hàng, thị trường mới. Để tiếp tục nâng tỷ lệ xuất khẩu FOB, Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng thêm những trung tâm nguyên phụ liệu trong nước”, ông Hồng nói. Thực tế, trong năm 2010, nhiều doanh nghiệp trong ngành may cũng gặp chút ít khó khăn khi giá nguyên phụ liệu tăng trung bình 10%. Với mức tăng này, doanh nghiệp đã đàm phán chia sẻ với khách hàng để đạt được mức lợi nhuận mà hai bên mong đợi.

Đối với ngành da giày, theo Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), tính đến hết tháng 10-2010 ngành da giày đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỉ đô la Mỹ, và hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu 5,4 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu trong năm nay. Nhiều thị trường mới đã được các doanh nghiệp “khai phá” thành công. Mỹ được doanh nghiệp chọn là thị trường thay thế thị trường EU nhằm giảm bớt rủi ro. Những thị trường nhỏ như Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Nam Mỹ, châu Phi, Canada… cũng đã được các nghiệp bước đầu tiếp cận thành công.

Nhiều tín hiệu khả quan trong năm 2011

Bước chuẩn bị cho năm 2011 của ngành dệt may và da giày có nhiều tín hiệu khả quan, khi nhiều doanh nghiệp đã ký được đơn hàng xuất khẩu cho cả năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, điều này không phải hoàn toàn tốt cho ngành may trong nước. Doanh nghiệp nên lựa chọn những đơn hàng phù hợp với năng lực của mình, với mức giá tốt. Doanh nghiệp không nên lo thiếu đơn hàng mà cần tập trung vào sản phẩm, thị trường và giá cả xuất khẩu.

Ông Hồng dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm 2011 của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Vì những quốc gia là đối thủ cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ đang thu hẹp sản xuất. Chỉ cần Trung Quốc giảm khoảng 15% số lượng hàng xuất khẩu của họ, nguồn cung thế giới sẽ bị thiếu hụt. Do mức sống và tiền lương trả cho công nhân ở những quốc gia này ngày càng tăng, người lao động không còn “mặn mà” với ngành may, da giày. Nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu lại sản xuất bằng cách chuyển nhà máy sang những quốc gia còn lợi thế về lao động.

Bên cạnh đó, những thị trường khác không đảm bảo 100% yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa của các nhà nhập khẩu đặt ra. Vì vậy, một số nhà nhập khẩu bắt đầu chuyển hướng sang đặt hàng ở thị trường Việt Nam. Cụ thể, người Nhật đã chọn Việt Nam làm đối tác thay thế cho những đơn hàng từ Trung Quốc. Dự báo, năm 2011, thị trường Nhật sẽ đạt mức tăng trưởng ít nhất là 20%.

Cũng lạc quan như ngành dệt may, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), cho rằng việc chuyển dịch các nhà máy da giày từ Trung Quốc sang Việt Nam khi lợi thế cạnh tranh về lao động của quốc gia này không còn sẽ là cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu da giày phát triển. Hiện mức thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc đạt khoảng 3.000 đô la Mỹ/người/năm đã làm giá nhân công của quốc gia này tăng lên. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt khoảng 1.200 đô la Mỹ/người/năm.

Nắm bắt những thay đổi này, Lefaso đã phối hợp với Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam xây dựng chương trình định hướng phát triển cho ngành giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, ngành da giày sẽ nâng dần tỷ lệ nguyên liệu nội địa, giảm bớt áp lực nhập khẩu từ bên ngoài. Hiện ngành da giày phải nhập khẩu tới 50% nguyên liệu để sản xuất là nguyên nhân của việc giá trị gia tăng thu được từ các sản phẩm xuất khẩu thấp. Lefaso tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thông qua việc cải cách các thủ tục hành chính, tìm mặt bằng, kêu gọi hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp phát triển. Quan trọng hơn, ngành công nghệ phát triển thuộc gia sẽ sớm được hoàn thành để giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên phụ liệu.

Âu lo về lao động

Vấn đề khó khăn nhất mà các doanh nghiệp dệt may và da giày đã gặp phải trong năm 2010 và tiếp đối mặt trong năm 2011 là nguồn nhân lực. Thiếu hụt công nhân trong ngành là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp trong ngành dệt may và da giày trong nhiều năm qua. Hệ lụy của tình trạng này là doanh nghiệp luôn trong tình trạng lo bị phạt và mất hợp đồng vì giao hàng trễ. Nhiều doanh nghiệp không dám nhận thêm nhiều đơn hàng, không mở rộng được quy mô sản xuất vì không có lao động.

Giải pháp cho vấn đề này là doanh nghiệp cần sớm xây dựng các cam kết trách nhiệm giữa doanh nghiệp với người lao động. Doanh nghiệp phải trả lương cho người lao động đúng với năng lực và không thấp hơn thị trường. Nhiều doanh nghiệp còn đưa ra cam kết sẽ tăng lương định kỳ cho người lao động theo một tỷ lệ nhất định đúng với trình độ mà người lao động qua thời gian có được. Những chế độ đãi ngộ đặc biệt thể hiện sự quan tâm, chăm sóc người lao động cũng giúp doanh nghiệp giữ chân họ.

Ông Hồng cho biết, ở Công ty May Sài Gòn 3, mức lương trung bình của công nhân khoảng 3,5-4 triệu đồng/tháng. Mức lương này, theo ông Hồng, vẫn chưa bù đắp được mức giá cả tiêu dùng tăng vọt trong thời gian qua. Mục tiêu của Sài Gòn 3 là phấn đấu trong năm 2011, mức lương trung bình của công nhân sẽ được nâng lên 4,5 triệu, tính tổng thu nhập, thêm phần phụ cấp, lương công nhân phải ở mức 5 triệu đồng/tháng.

Thực tế những chi phí bỏ ra để đãi ngộ công nhân thấp hơn nhiều so với việc tuyển nhân công mới. Trong một cuộc hội thảo về nhân lực cho ngành dệt may và da giày vừa được tổ chức ở TPHCM, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, cho biết khi công nhân bỏ việc với mức lương khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp phải tuyển lao động mới và chi phí bỏ ra để đào tạo một công nhân mới có trình độ tương đương như vậy đã lên đến hơn 15 triệu đồng. Vì vậy, chi phí tái đào tạo lớn hơn nhiều so với mức đãi ngộ mà doanh nghiệp bỏ ra để giữ chân công nhân .

Trao giải “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may và da giày Việt Nam” – 2010

Hôm nay 18-11, tại khách sạn Melia – Hà Nội, Thời báo Kinh tế Sài Gòn sẽ phối hợp với Hiệp hội Dệt may và Hiệp hội Da giày Việt Nam tổ chức Lễ trao giải “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may và da giày Việt Nam” lần thứ 7 – năm 2010. Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng sẽ đến dự và trao giải cho các doanh nghiệp.

Sau ba tháng chấm điểm theo tiêu chí của cuộc bình chọn kết hợp với việc khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp, ban giám khảo đã chọn được 64 doanh nghiệp dệt may tiêu biểu (trong tổng số 151 doanh nghiệp đăng ký tham gia cuộc bình chọn) và 20 doanh nghiệp ngành da giày (trong tổng số 42 doanh nghiệp đăng ký tham gia bình chọn). Tổng số doanh nghiệp tiêu biểu của hai ngành là 84 doanh nghiệp. Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến được trao giải đặc biệt là doanh nghiệp tiêu biểu toàn diện bảy năm liền. Lễ trao giải năm nay được sự hỗ trợ tài chính của các đơn vị tài trợ đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp thiết bị, máy móc; nguyên, phụ liệu; tư vấn chất lượng cho ngành dệt may và da giày, gồm: Công ty cổ phần Thương mại Cẩm Lệ, Công ty Hợp tác kinh doanh Việt Tiến Tung Shing, Mast, Công ty TNHH Thương mại Timtex, Công ty TNHH Bureau Veritas Consumer Products Services Việt Nam, Công ty Juki Singapore.

Cuộc bình chọn năm nay diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế lớn bắt đầu hồi phục, các đơn hàng nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đến với ngành dệt may và da giày dồn dập. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết mặc dù tăng trưởng tốt trong năm 2010 nhưng ngành dệt may Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề hóc búa như: giá nguyên, phụ liệu đang tăng rất cao làm tăng chi phí xuất nhập khẩu, chi phí lao động tăng khoảng 30%, chi phí vận chuyển tăng trên 30%… Nếu không giải quyết được bài toán về chi phí thì khó duy trì được hiệu quả kinh doanh của toàn ngành. Đây là thách thức lớn cho ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.

QUANG VŨ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới