Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành điều tìm giải pháp ứng dụng công nghệ tự động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành điều tìm giải pháp ứng dụng công nghệ tự động

Ngọc Hùng

Khách hàng tham quan máy tách vỏ hạt điều tự động tại buổi giới thiệu ngày 24-5. Ảnh: Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Một trong những khó khăn mà ngành điều đang đối diện là thiếu hụt lao động trầm trọng. Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam, để giải quyết vấn đề này, cần ứng dụng công nghệ chế biến, tách vỏ hạt điều tự động.

Ông Học nói vậy tại hội thảo trình diễn thiết bị tự động, chuyển giao công nghệ chế biến điều xuất khẩu năm 2011, do Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức ngày 24-5 tại Đồng Nai.

“Nếu tất cả các nhà máy, cơ sở chế biến hạt điều đều đầu tư dây chuyền cắt, tách và bóc vỏ lụa tự động thì giảm được 70% lượng lao động”, ông Học cho biết.

Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Thỏa, Chủ tịch Hiệp hội điều Bình Phước cho rằng hầu hết các nhà máy điều tại Bình Phước đều thiếu lao động, nguyên nhân do các nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu, bán thủ công.

Vì vậy, với dự án KC – 07 chế biến máy cắt, tách vỏ hạt điều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ nguồn vốn nghiên cứu, nếu được các nhà máy chế biến của Bình Phước ứng dụng và theo đó lắp đặt máy sẽ giải quyết được bài toán lao động.

Theo hiệp hội điều Việt Nam, tổng số lao động trong ngành điều cần khoảng 200.000 người. Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở, nhà máy chế biến điều, lực lượng lao động chỉ đủ 30-50% nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Ông Đặng Hữu Tâm, Giám đốc Công ty Phương Thành Tâm ( Phước Long, Bình Phước), cho biết công ty cần khoảng 300 lao động để đáp ứng kịp những đơn hàng đã ký nhưng công ty chỉ tuyển được 100 lao động. Số lượng lao động này có thể giảm xuống vì nhiều doanh nghiệp cũng lâm vào cảnh tương tự nên tìm cách lôi kéo lao động từ các công ty trong ngành bằng chính sách lương, thưởng cao.

Theo kế hoạch của Hiệp hội điều Việt Nam thì đến hết năm 2012, tất cả thành viên của hiệp hội sẽ trang bị xong hệ thống máy tự động này. Lúc đó, ngành điều sẽ tăng tính cạnh tranh hơn trên thị trường vì chi phí chế biến 1kg hạt điều thành phẩm chỉ còn 1.000 đồng/kg, thay vì 3.000- 4.000 đồng/kg như hiện nay.

Cần 400 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu điều

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Phó chủ tịch thường trực Vinacas, ngành điều cần khoảng 400 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu khoảng 400.000 tấn điều từ châu Phi vì giá điều nguyên liệu đã tăng khoảng 50% so với năm 2010.

“Hiện giá điều nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi dao động ở mức 1.350- 1.400 đô la Mỹ/ tấn, trong khi cùng thời kỳ này năm 2010 chỉ ở mức 900 đô la Mỹ/ tấn”, ông Thanh cho biết. Hiện Vinacas đã có công văn đề nghị chính phủ giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 0% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí nhập khẩu để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Học, năm nay Brazil bị mất mùa ngành điều, doanh nghiệp điều nước này tập trung mua điều từ châu Phi nên giá điều nguyên liệu có thể tăng lên trong thời gian tới. Vì thế, việc giảm thế nhập khẩu sẽ giúp ngành điều cạnh tranh hơn trong việc nhập nguyên liệu từ nước ngoài.

Ông Học cho biết thêm, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên sản lượng điều của các nước trong khu vực giảm. Cụ thể, tại Indonesia sản lượng điều nước này chỉ vào khoảng 35.000 tấn, giảm 50% sản lượng so với năm 2010. Còn tại Bình Phước, sản lượng điều giảm 15% so với mùa vụ 2010.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới