Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành đồ gỗ đối mặt rủi ro lớn từ việc tăng nhập khẩu nguyên liệu Trung Quốc

Lê Hoàng - Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngành gỗ Việt Nam đang đối mặt với rủi ro lớn khi kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng nhanh.

Thông tin này được ghi nhận tại buổi Tọa đàm “Thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc: Cơ hội, thách thức và phát triển ngành gỗ Việt bền vững trong tương lai” vào chiều ngày 3-12. Sự kiện do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với các Hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trend tổ chức.

Ngành đồ gỗ đang đối mặt với rủi ro khi nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng nhanh

Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia Tổ chức Forest Trends, nhận định kim ngạch thương mại hai chiều về các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn, với thặng dư hiện tại đang nghiêng về phía Việt Nam.

Tuy nhiên, quy mô của thặng dư đang dần bị thu hẹp. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc thậm chí sụt giảm nhẹ từ năm 2020 đến nay trong khi kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào Việt Nam từ thị trường này đang tăng rất mạnh. “Nếu động lực xuất – nhập khẩu giữa 2 quốc gia duy trì như hiện nay, cán cân thương mại sẽ đạt tới vị trí cân bằng trong tương lai không xa”, ông Phúc nói.

Các nguyên liệu ván bóc/ván lạng, gỗ dán và các sản phẩm gỗ là các mặt chính mà Trung Quốc hiện đang xuất vào Việt Nam và có xu hướng tăng cao.

Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cũng cho rằng Trung Quốc là một trong ba thị trường quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam, cả về cung và cầu. Bình quân mỗi năm kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam và Trung Quốc về các mặt hàng gỗ đạt khoảng 2 tỉ đô la Mỹ, với cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam. Kim ngạch song phương đang tiếp tục mở rộng từ cả chiều xuất và nhập.

Cụ thể theo ông Lập, năm 2018 kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam tương đương 43% kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này từ Việt Nam sang Trung Quốc trong cùng năm. Tuy nhiên, tỷ trọng này tăng rất nhanh kể từ năm 2019 đến nay: 54% năm 2019, 70% năm 2020 và tiếp tục ở mức 70% trong 9 tháng đầu năm nay.

“Nếu đà tăng trưởng trong nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam này được duy trì, kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc sẽ đuổi kịp với kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trong tương lai không xa”, ông Lập nói.

Những rủi ro đang hình thành

Theo một báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ván bóc/ván lạng, gỗ dán và sản phẩm gỗ là các nhóm mặt hàng chủ đạo Việt Nam nhập khẩu trong thời gian gần đây. Các loại ván bóc/ván lạng nhập khẩu này chủ yếu được làm từ các loài gỗ như Bạch dương, gỗ Okoume, và Bintangor.

Các loại mặt hàng này nhập khẩu vào Việt Nam được sử dụng làm lớp mặt cho các loại ván, sau đó được đưa vào sản xuất gỗ dán để xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Ấn Độ,… hoặc chế biến tạo sản phẩm như tủ, bàn ghế xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU và để sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường trong nước.

Một vài diễn giả thảo luận trong buổi Tọa đàm trực tuyến.

Các mặt hàng ván bóc/ván lạng này ẩn chứa các rủi ro về mặt pháp lý về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, nguồn gỗ Bạch dương của Nga tiềm ẩn rủi ro về gỗ lậu và điều này cũng đã được cảnh báo trước đó. Hay gỗ có nguồn gốc từ châu Phi (trừ Nam Phi) được xác định là gỗ rủi ro về pháp lý. Luồng cung các mặt hàng ván bóc/ván lạng có nguồn gốc rủi ro này cản trở nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp ảnh hưởng tới hình ảnh của ngành gỗ Việt.

Đáng chú ý, các sản phẩm gỗ là nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong thời gian vừa qua. Tăng trưởng nhanh trong nhập khẩu mặt hàng này, đặc biệt trong bối cảnh từ lúc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung bắt đầu hình thành làm dấy lên các lo ngại về việc các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng Việt Nam làm quốc gia trung chuyển cho các mặt hàng của mình để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh các thuế từ Mỹ đối với các mặt hàng từ Trung Quốc.

Nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends cũng đã đưa ra cảnh báo về loại hình rủi ro trong gian lận thương mại đối với nhóm mặt hàng này, đặc biệt đối với mặt hàng tủ bếp được làm từ gỗ dán và bộ phận của ghế sofa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Lý do Việt Nam tiếp tục nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc là do năng lực sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam còn hạn chế, cả về khối lượng và chất lượng sản phẩm đầu ra.

Tương tự như nhóm mặt hàng sản phẩm gỗ, gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc ẩn chứa rủi ro về gian lận thương mại. Chính phủ Mỹ hiện tại đang điều tra mặt hàng gỗ dán và tủ bếp của một số doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang hoạt động tại Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Do đó, việc giảm rủi ro về gian lận thương mại trong các mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc có vai trò quan trọng nhằm duy trì và phát triển ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực phối hợp với các hiệp hội gỗ và các bên liên quan trong việc xác định rủi ro và đưa ra các chế tài xử phạt đối với các công ty vi phạm. Các ý kiến cho rằng, các biện pháp và chế tài này cần được ưu tiên và tăng cường nhằm hạn chế các rủi ro trong luồng gỗ nhập khẩu. Điều này đòi hỏi sự quan tâm sát sao từ các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật, đặc biệt là các cơ quan kiểm soát cửa khẩu. Liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan này với các hiệp hôi gỗ và các bên liên quan khác cho phép định vị được các rủi ro trong các mặt hàng nhập khẩu một cách kịp thời, từ đó đưa các các biện pháp chế tài xử lý phù hợp.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, gian lận thương mại trong các mặt hàng nhập khẩu là vấn đề rất lớn. Tín hiệu gian lận thương mại là rất hiện hữu. Ngành gỗ đang đối mặt với rủi ro vô cùng lớn. Các cơ quan quản lý, bao gồm cơ quan hải quan, công thương, nông nghiệp đã và đang có những biện pháp tích cực trong việc giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, theo ông Lập, để giảm thiểu rủi ro các cơ quan quản lý và các Hiệp hội cần có những hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: nhandan.vn

Tín hiệu lạc quan từ chuyển đổi số

Bên cạnh những nguy cơ và thách thức có thể đến từ gian lận thương mại trong các mặt hàng nhập khẩu của ngành gỗ, thời gian vừa qua cũng ghi nhận sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành trong việc trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn nhất vào Mỹ, và công nghệ là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực ngành gỗ Việt Nam đạt được kết quả trên.

Chia sẻ tại Diễn đàn Công nghệ FPT Techday 2021 được tổ chức vào ngày 3-12, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, Tổng giám đốc công ty aKa Furniture, cho biết Covid-19 kéo dài hai năm qua nhưng ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp  sản xuất nhất là trong 3 tháng vừa qua. Trong năm Covid-19 đầu tiên các doanh nghiệp phải đối mặt với sự đứt gãy thị trường, và thực tế thì chỉ bị gián đoạn ngắn trong tháng 3 và 4 của năm 2020. Lúc đó, các doanh nghiệp Việt cũng thích ứng nhanh và tìm cách nối lại liên lạc với khách hàng. May mắn là thế giới đang chuyển dịch qua thương mại điện tử. Điều này gián tiếp tạo ra các đơn hàng cho Việt Nam. Bởi doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam vẫn giữ được liên lạc với các bạn hàng thông qua giải pháp công nghệ, các phòng trưng bày ảo trực tuyến và hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có.

Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, bên cạnh sức mua vẫn đang ổn định, với sự tăng trưởng về nhu cầu của một số thị trường lớn nên trong suốt đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 vừa qua, khoảng 50% các nhà máy gỗ vẫn duy trì được sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” để có thể thích ứng nhanh với tình hình mới.

Ngành đồ gỗ vượt qua Covid-19 lần này có sự đóng góp rất lớn của công nghệ bên cạnh và sự quyết tâm của các doanh nghiệp trong nước, ông Phương bộc bạch.

Hiệp hội đang cung cấp cho các hội viên sự hỗ trợ cốt lõi là kỹ thuật số. Đầu năm 2020 Hiệp hội này đã phới hợp với FPT để tổ chức các hội nghị trực tuyến, các khóa huấn luyện trực tuyến và tạo được một nền tảng (platform) về triển lãm trực tuyến và hiện nay vẫn duy trì liên tục các showroom ảo trên nền tảng đó. Sắp tới Hiệp hội sẽ cho ra mắt một nền tảng công nghệ để xác thực nguồn gốc gỗ hợp pháp. Giải pháp này có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất gỗ nội thất xác nhận chuỗi cung ứng của họ, đặc biệt là nguồn gốc gỗ của họ có hợp pháp hay không.

Ông Phương cũng cho hay hiệp hội này cũng đang muốn làm một mạng xã hội kết nối. Trong đó có những nền tảng về thị trường cho mọi người trao đổi trực tuyến thay cho cách truyền thống hiện nay…

Ở góc nhìn của một chuyên gia công nghệ lâu năm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, cho rằng Covid-19 ập đến như một tai họa. Doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc, cuộc sống đảo lộn. Chính trong thời điểm này chúng ta nhận ra rằng công nghệ đang mang một sứ mạng mới. Công nghệ vì cuộc sống của con người. Bằng công nghệ, chúng ta có thể chiến thắng Covid-19. Bằng công nghệ, các doanh nghiệp tái thiết mọi hoạt động quản trị, vận hành, kinh doanh để tăng tốc, bứt phá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới