Thứ Ba, 21/03/2023, 08:55
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Ngành du lịch chưa gỡ khó tận gốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành du lịch chưa gỡ khó tận gốc

Khách quốc tế đi tour xe đạp tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Ngọc Minh

(TBKTSG Online) – Chín tháng qua, mức tăng trưởng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 5,9%, với khoảng trên 3,3 triệu lượt khách. Thực tế cho thấy dự báo ngành du lịch không thể đạt được chỉ tiêu đón 4,8 – 5 triệu lượt khách trong năm 2008 đang được chứng minh.

Trong tháng 9-2008, có khoảng 315.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, giảm khoảng 8% so với tháng trước. Trong 5 thị trường có nhiều khách đến nhất thì chỉ có Nhật là có mức tăng trưởng 18,6% trong tháng 9. Nhưng tính cả chín tháng năm nay thì lượng khách từ xứ sở hoa anh đào vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Còn lại, lượng khách Trung Quốc giảm 3%; khách Hàn Quốc giảm 22,6%; khách Mỹ giảm 11,4% và khách Đài Loan giảm 8%.

Lượng khách quốc tế giảm là vấn đề đau đầu cho ngành du lịch vì mảng này chiếm đến 2/3 trong tổng doanh thu của ngành.

Trong mấy tháng qua, các công ty du lịch đã phải đối phó với tình hình kinh doanh khó khăn. Nhiều công ty cho biết doanh thu sụt giảm và hiện thời chỉ có một số ít doanh nghiệp vẫn đạt được mức tăng trưởng trong kinh doanh.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã nhận định rằng ngành du lịch khó đạt được chỉ tiêu của năm. Nếu tính theo mức tăng trưởng hiện tại thì đến hết năm Việt Nam có thể chỉ có khoảng 4,6 triệu lượt khách quốc tế. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này bắt nguồn từ những khó khăn chung về tình hình kinh tế suy giảm, gia tăng chi phí vận chuyển, điều hành làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của ngành du lịch.

Vực dậy thị trường: Mới chỉ ở bề nổi

Có vẻ như sau dịch SARS vào năm 2003, ngành du lịch đã có một số kinh nghiệm để đối phó với việc sụt giảm khách. Vì thế, những hoạt động tiếp thị, quảng bá, bàn bạc để tìm giải pháp vực dậy thị trường đã được đưa ra đầu quí 3.

Trong đó, những hoạt động thiên về quảng bá, tiếp thị được đầu tư nhiều hơn. Đây là lần đầu tiên ngành du lịch chi ra một khoản kinh phí lên đến 16 tỉ đồng để thực hiện các chương trình giới thiệu hình ảnh trên những kênh truyền hình quốc tế.

Khách du lịch chơi lướt ván dù tại Phan Thiết. Ảnh: Đào Loan

Tháng 9 qua, hàng loạt chương trình giới thiệu điểm đến, quảng bá hình ảnh được thực hiện tại các nước như Nga, Nhật… Đến đầu tháng 10 này, chương trình tour làm quen cho cả trăm khách Hàn Quốc, Nhật Bản để khôi phục lại thị trường cũng sẽ được tổ chức tại Nha Trang.

Tuy nhiên, dường như những động thái tích cực vừa nêu của ngành du lịch vẫn chưa đủ để tạo sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam. Những vấn đề lớn tồn tại từ rất lâu như chất lượng dịch vụ tại điểm đến kém, sản phẩm nghèo nàn… vẫn chưa có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết tận gốc của vấn đề.

Trong một cuộc họp gần đây, một quan chức của ngành du lịch đã thẳng thắn thừa nhận, sản phẩm du lịch của Việt Nam đã quá cũ kỹ. Vị quan chức này cho rằng, điểm quan trọng để ngành phát triển không chỉ ở việc quảng bá tốt mà là sự hấp dẫn của điểm đến, vì thế việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thêm những sản phẩm mới là điều cần phải làm.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có những giải pháp hay nào được đưa ra từ cơ quan quản lý ngành đến những đơn vị quản lý du lịch tại địa phương.

“Chúng tôi cũng sẽ chỉ tập trung vào những sản phẩm hiện có còn những dịch vụ, loại hình du lịch mới cho khách thì vẫn chưa thể có được cho mùa đông khách tới và năm sau,” bà Lê Thị Thanh Liên, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Bình Thuận nói.

Cần thay đổi cách làm

Với bối cảnh như thế thì những nhà điều hành tour của Việt Nam cũng khó lòng đưa ra những sản phẩm hấp dẫn để mời chào khách. “Vẫn là những chương trình cũ. Có chăng, chúng tôi chỉ đưa thêm những chương trình mới như các chương trình cộng đồng tại miền Tây cho khách vào mùa tới. Lý do chính là đơn vị cung cấp dịch vụ tại điểm đến vẫn chỉ có những sản phẩm cũ”, bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Asian Trails nói.

Trong khi chưa có những sản phẩm mới cho khách, thì một vài sản phẩm đặc biệt hiện có, vốn có thể tạo thêm điểm nhấn cho ngành du lịch vẫn chưa có những điều kiện thuận lợi để thực hiện. Trong số những sản phẩm đó, loại hình du lịch caravan hay tour mô tô phân khối lớn cho khách nước ngoài được xem là hai loại hình cần được xem xét, “châm chế” thủ tục hành chính. 

Ở những nước lân cận như Thái Lan hay Singapore, chỉ cần mua bảo hiểm và khách có bằng lái là doanh nghiệp có thể tổ chức tour. Riêng ở Việt Nam, doanh nghiệp phải lên đến văn phòng Thủ tướng, phải được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau đó phải thông báo đến các bộ khác như Công an, Giao thông vận tải, Ngoại giao… rồi mới được tổ chức tour. Đó là lý do vì sao có rất nhiều khách muốn đi nhưng mỗi năm cả nước chỉ có vài tour du lịch loại này.

“Chúng tôi đã trình đề án để Tổng cục Du lịch trở thành đơn vị duy nhất cấp phép cho loại hình này nhằm rút ngắn thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như du khách nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua”, ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng vụ Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch cho biết.

ĐÀO LOAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới