Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành du lịch toàn cầu đối mặt thiệt hại 80 tỉ đô la do dịch corona

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành du lịch toàn cầu đối mặt thiệt hại 80 tỉ đô la do dịch corona

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Dịch virus corona chủng mới (Covid-19) gây viêm phổi cấp có thể khiến ngành du lịch toàn cầu hứng mức tổn thất doanh thu lên đến 80 tỉ đô la Mỹ, trong đó ASEAN là khu vực thiệt hại nặng nhất và mất ít nhất một năm để hồi phục hoàn toàn.

Ngành du lịch không đón khách từ vùng dịch Corona

Doanh nghiệp du lịch đối mặt cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn dịch SARS

Ngành du lịch toàn cầu đối mặt thiệt hại 80 tỉ đô la do dịch corona
Quang cảnh vắng ngắt ở nhà ga khởi hành của sân bay quốc tế Jeju, Hàn Quốc trong mùa dịch. Ảnh: Yonhap

Đó là nhận định từ một báo cáo mới công bố của các nhà phân tích ở tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc hãng truyền thông The Economist Group (Anh).

Khi hàng triệu người Trung Quốc hủy và hoãn các kế hoạch du lịch do lo ngại Covid-19, các hãng lữ hành trực tuyến như Expedia và Tripadvisor dự báo doanh thu của họ sẽ suy giảm, đồng nghĩa với việc khách sạn và các nhà bán lẻ ở nước ngoài sẽ thất thu.

Báo cáo của EIU dự báo hoạt động du lịch nước ngoài của người Trung Quốc sẽ chưa thể phục hồi về mức trước khi khủng hoảng dịch Covid-19 xảy ra cho đến quí 2-2021, khiến ngành du lịch toàn cầu thất thu 80 tỉ đô la.

Nhà phân tích Dan Wang của EIU cho biết dữ liệu dự báo của EIU căn cứ vào các so sánh với tác động mà ngành du lịch toàn cầu hứng chịu do dịch SARS (gây hội chứng suy hô hập cấp tính) bùng phát ở Trung Quốc vào cuối năm 2002 và kéo dài đến tháng 7-2003.

Bà cho rằng dù Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài vào tháng 7-2003 nhưng du lịch nước ngoài của người Trung Quốc chỉ hồi phục hoàn toàn vào đầu năm sau đó.

“Thiệt hại tổng thể lớn nhất sẽ xảy ra đối với các nước ASEAN”, bà Wang nhận định khi cho biết tất cả các nước ASEAN nằm trong số 20 điểm đến hàng đầu của du khách Trung Quốc. Bà ước tính trong năm nay, lượng khách Trung Quốc đến ASEAN sẽ giảm từ 30-40%, khiến doanh thu ngành du lịch của khu vực này tổn thất 7 tỉ đô la Mỹ.

Báo cáo của EIU lưu ý tác động của dịch Covid-19 đối với ngành du lịch ở châu Âu và Mỹ sẽ “nhẹ nhàng hơn” vì du khách Trung Quốc chỉ chiếm 4% trong tổng lượng du khách nước ngoài hàng năm của họ.

Oliver Ponti, Phó Chủ tịch Công ty phân tích lữ hành ForwardKeys, cho biết sau khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài, lượng khách nước này đặt vé máy bay ra nước ngoài giảm khá mạnh chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Tính đến hôm 26-1, lượng khách đặt chỗ trước vé máy bay từ Trung Quốc ra nước ngoài trong thời gian từ ngày 21-1 đến 17-2 giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Oliver Ponti nói: “Người Trung Quốc thường hứng khởi với các chuyến du lịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng giờ đây họ không có kế hoạch du lịch. Đó là rủi ro lớn nhất đối với ngành kinh doanh của chúng tôi”.

Hãng lữ hành trực tuyến Expedia (Mỹ) cho hay dịch Covid-19 đang gây áp lực lớn cho công việc kinh doanh và có thể khiến hãng này tổn thất doanh thu từ 30-40 triệu đô la trong quí đầu năm 2020. Expedia dự báo tác động của dịch bệnh viêm phổi cấp có thể kéo dài suốt năm nay.

Các thuyền vắng bóng du khách ở chợ nổi tại Pattaya, Thái Lan hôm 12-2. Pattaya là một trong những điểm yêu thích của du khách Trung Quốc nhưng giờ đây đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Ảnh: AFP

Hôm 14-2, Barry Diller, Chủ tịch Expedia, nói: “Con số thiệt hại chính xác còn tùy thuộc vào việc mất bao lâu để các xu hướng du lịch trở lại bình thường”.

Eric Hart, quyền Giám đốc tài chính Expedia, nói rằng phần lớn thiệt hại tập trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi đó ngành du lịch ở Bắc Mỹ và châu Âu sẽ suy yếu một chút.

Steve Kaufer, Giám đốc điều hành hãng lữ hành trực tuyến Tripadvisor, cũng nhận định doanh thu của hãng sẽ suy giảm ở mức một con số. Ông nói: “Chúng tôi nhận thấy mức hủy đăng ký đặt chỗ du lịch bất ngờ ở châu Á”.

“Số lượng khách du lịch hủy đặt chỗ, không chỉ đến từ Trung Quốc mà toàn bộ châu Á, đang tăng lên mỗi ngày. Mọi người đang hoãn đi du lịch. Rất nhiều người nói rằng: “Tôi không biết tôi muốn đi đâu vào lúc này nữa. Hoặc trong nhiều trường hợp, họ nói: “Tôi chỉ đi du lịch vào năm sau”, Jack Ezon, người sáng lập hãng lữ hành cao cấp  Embark Beyond, nói.

Cho đến nay, gần 75% khách của Embark Beyond đã hủy đi du lịch đến các nước Đông Nam Á trong tháng 2 và tháng 3, 100% khách đặt chỗ để hưởng tuần trăng mật ở khu vực này cũng đã hủy vé.

Jack Ezon cho biết khách của công ty ông lo ngại đi đến những nước nằm sát vùng dịch hoặc lo ngại bị mắc kẹt trong trường hợp các hãng hàng không dừng bay đến những nơi mà ổ dịch mới xuất hiện.

Guy Rubin, người sáng lập hãng lữ hành Imperial Tours, chuyên tổ chức các chuyến du lịch cao cấp đến Trung Quốc, than vãn: “Chúng tôi chứng kiến đơn hủy hoặc hoãn tour trong tháng 1, tháng 2 và tháng 3”. Thậm chí, ông cho biết nhiều khách đã đặt tour đến Trung Quốc trong tháng 10 cũng muốn hủy tour.

“Nếu chiến lược khống chế dịch Covid-19 của Trung Quốc có hiệu quả, tôi dự báo mọi người sẽ đi du lịch đến Trung Quốc trở lại vào mùa hè này. Nếu chiến lược này không có tác dụng, tôi dự báo mất một năm để mọi người lấy lại niềm tin ở Trung Quốc”.

Hôm 11-2, Chris Nassetta, Giám đốc điều hàng chuỗi khách sạn Hilton, cảnh báo dịch Covid-19 sẽ tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của Hilton trong thời gian từ 6-12 tháng, gây tổn thất doanh thu khoảng 25-50 triệu đô la.
Ông nói: “Tác động của dịch bệnh sẽ lên đỉnh điểm trong vòng 3-6 tháng và sẽ mất 3-6 tháng để hồi phục”.

Hiện nay, Hilton đã tạm thời đóng cửa 150 khách sạn (33.000 phòng) ở Trung Quốc, tương đương 60% tổng số khách sạn của Hilton ở nước này.

Theo SCMP, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới