Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành hàng không toàn cầu lội ngược dòng giữa cơn bất ổn kinh tế

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nền kinh tế toàn cầu suy yếu và lạm phát đang gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nhưng nhu cầu bay trên khắp thế giới vẫn tăng không ngừng. Vào năm ngoái, các hãng hàng không lớn nhất thế giới đã có lãi trở lại và dự kiến thu nhập sẽ tăng mạnh hơn nữa trong năm nay nhờ nhu cầu bùng nổ.

Năm ngoái, lợi nhuận ròng của hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines tăng gấp 3 so với năm 2021, lên mức 2,7 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: bm.ge

Các hãng bay lớn nhất thế giới đã có lãi trở lại

Theo phân tích của Financial Times từ dữ liệu của FactSet và Capital IQ, các hãng hàng không lớn nhất thế giới đạt lợi nhuận ròng 6,3 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022, một sự đảo ngược ấn tượng so với khoản lỗ tổng cộng 40 tỉ đô la trong hai năm trước đó,

Phân tích trên dựa vào kết quả kinh doanh của 8 trong số 10 hãng hàng không lớn nhất tính theo số lượng hành khách, không bao gồm các công ty hàng không Trung Quốc, vốn vẫn bị hạn chế bay vào năm 2022.

Vào năm ngoái, doanh thu của 8 hãng hàng không này vượt qua mức trước đại dịch, đặc biệt là nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines và hãng hàng không gía rẻ Indigo của Ấn Độ. Năm ngoái, lợi nhuận ròng của Turkish Airlines  tăng gấp 3 so với năm 2021, lên mức 2,7 tỉ đô la và doanh thu cũng tăng hơn gấp đôi.

Hôm qua (3-3), Lufthansa của Đức đã trở thành hãng hàng không lớn mới nhất ghi nhận có lợi nhuận trở lại vào năm ngoái. Hãng này báo cáo lợi nhuận hoạt động là 1,5 tỉ euro cho năm 2022, cải thiện so với khoản lỗ 1,7 tỉ euro vào năm trước đó. Cả doanh thu và số lượng hành khách của Lufthansa đều tăng gần gấp đôi so với năm 2021.

Lufthansa kỳ vọng, lợi nhuận tăng mạnh trong năm nay nhờ  nhu cầu đi lại hàng không vẫn ở mức cao. “Chỉ trong một năm, chúng tôi đã chứng kiến cú xoay chuyển tài chính chưa từng có tiền lệ”, Giám đốc điều hành Lufthansa Carsten Spohr nói.

Cũng vào hôm qua, Hãng hàng không Qantas của Úc cho biết, sẽ tuyển dụng thêm 8.500 nhân viên trong thập niên tới sau khi đã cắt giảm đáng kể vào thời kỳ cao trào của đại dịch Covid-19.

Trong những tuần gần đây, hãng Air France-KLM (Pháp) và British Airways (Anh) cũng đã báo cáo có lợi nhuận trở lạo vào năm ngoái và dự báo sự phục hồi sẽ tiếp tục.

Cổ phiếu ngành hàng không gần đây cũng phục hồi mạnh mẽ, với chỉ số ngành hàng không toàn cầu của MSCI tăng 27% kể từ tháng 9, tính đến ngày 1-3 vừa qua.

Mọi người đã quay trở lại du lịch hàng không khi các hạn chế đi lại kết thúc trong năm qua, gần đây nhất là ở Trung Quốc. Có rất ít dấu hiệu cho thấy lạm phát và mối lo ngại về triển vọng kinh tế sẽ kìm hãm nhu cầu đi lại hàng không trong những tháng tới.

Thêm vào đó, theo các nhà phân tích của ngân hàng Barclays, phần lớn những người đi lại bằng đường hàng không là những người giàu có, thường thực hiện nhiều chuyến bay mỗi năm. Điều này có nghĩa là nhóm khách hàng chính của ngành hàng không hầu như miễn nhiễm với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay.

Tăng công suất và mua máy bay mới

Tại châu Âu, nhiều hãng hàng không giá rẻ có kế hoạch tăng công suất vào mùa hè này lên mức cao hơn so với năm 2019. Ryanair (Ireland), hãng hàng không lớn nhất khu vực, dự báo lợi nhuận cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2023 sẽ cao hơn so với năm 2019.

Tại Mỹ, các hãng hàng không Mỹ không thể tìm đủ máy bay để đáp ứng nhu cầu. Tháng trước, hãng Air India của Ấn Độ đã đặt một trong những đơn đặt hàng lớn nhất trong lịch sử để mua 470 máy bay từ Boeing và Airbus với chi phí tổng cộng hơn 100 tỉ đô la nếu tính theo giá niêm yết hiện nay.

Stephen Furlong, nhà phân tích hàng không châu Âu tại Công ty quản lý tài sản Davy, dự báo ngành hàng không có thể đạt mức lợi nhuận của năm 2019 ngay trong năm nay. Trong khi đó, nhà cung cấp dữ liệu Cirium cho biết, trong tháng 2 vừa qua, lưu lượng hàng không toàn cầu đạt 91% so với mức của năm 2019.

Đà phục hồi ở Mỹ nhanh hơn ở châu Âu, với một số hãng hàng không của Mỹ đã có lãi trở lại vào năm 2021 nhờ thị trường nội địa rộng lớn, ít hạn chế đi lại và các khoản  trợ cấp hào phóng từ chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, các hãng hàng không vẫn chưa khôi phục hoàn toàn lịch trình chuyến bay trước đại dịch giữa lúc đối mặt với những hạn chế, gồm tình trạng thiếu máy bay và nhân sự. Điều này góp phần làm tăng giá vé do nguồn cung hạn chế khi nhu cầu bùng nổ.

“Động lực cung và cầu trên thị trường đi lại hàng không hiện nay khác với những gì mà tôi chứng kiến trong sự nghiệp của mình”, Scott Kirby, Giám đốc điều hành của hãng United Airlines (Mỹ) nói.

Về lâu dài, các nhà phân tích cho rằng, triển vọng lợi nhuận trở lại mức trước đại dịch phụ thuộc vào khả năng tăng công suất. “Một số hãng đã hồi phục đáng kể so với các hãng khác, một phần là nhờ tăng trở lại công suất nhanh chóng”, nhà phân tíchStephen Furlong nói.

Trong khi đó, một số hãng ở khu vực châu Á vẫn đối mặt với tình trạng nhu cầu phục hồi chậm còn chi phí cho các chuyến bay lại đắt đỏ hơn do Nga đóng cửa không phận.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới