Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành khai mỏ đứng trước sức ép tuân thủ tiêu chuẩn bền vững

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giới nhà đầu tư trên toàn cầu đang thúc đẩy các công ty khai khoáng áp dụng các chính sách bền vững nghiêm ngặt hơn trước nỗi lo việc vội vàng khai thác các kim loại cần thiết để mở rộng năng lượng tái tạo sẽ gây hại cho môi trường và những cộng đồng dân nghèo.

Các nhân viên cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân sau khi một đập chứa chất thải đuôi quặng thuộc sở hữu của Tập đoàn khai khoáng Vale bị vỡ ở Brumadinho, Brazil vào tháng 1-2019. Ảnh: Reuters

Hôm 25-1, tại Sở giao dịch chứng khoán London (Anh), Ủy ban Nhà đầu tư toàn cầu về khai khoáng 2030 (GICM 2030) chính thức ra mắt. Ủy ban này sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư tổ chức, công ty bảo hiểm, ngân hàng và công ty vật liệu để giúp thúc đẩy cải cách trong lĩnh vực khai thác mỏ. GICM 2030 sẽ đưa ra các tiêu chuẩn bền vững vào đầu năm tới nhằm cải tổ  ngành khai mỏ trong thập niên này. GICM 2030 sẽ xác định những lỗ hổng trong các tiêu chuẩn thực hành tốt nhất để đối phó với các rủi ro kinh tế và xã hội, chẳng hạn như khai thác thủ công, quản lý chất thải, bảo vệ đa dạng sinh học, lao động trẻ em và vai trò của khoáng sản trong việc thúc đẩy xung đột.

Ủy ban này nhận được sự hậu thuẫn của tổ chức Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (PRI), một mạng lưới các tổ chức tài chính trên toàn cầu, đang quản lý hơn 120 nghìn tỉ đô la Mỹ tài sản. Trong khi đó,  Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) sẽ đóng vai trò cố vấn cho GICM 2030. Các giám đốc điều hành của ba trong số những tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới gồm Anglo American, BHP Group và Rio Tinto đều bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với GICM 2030 tại lễ ra mắt hôm thứ 25-1.

Các nhà đầu tư, ngân hàng và công ty bảo hiểm dự kiến sẽ gây áp lực buộc các công ty khai khoáng lớn trên toàn cầu phải đồng ý tuân theo tiêu chuẩn bền vững mới của GICM 2030.

Một báo cáo gần đây từ Dự án báo cáo khí thải carbon (CDP) cho thấy các chiến dịch vận động thay đổi của nhà đầu tư đã thành công, với các công ty giờ đây sẵn sàng công bố thông tin về khí thải carbon hơn sau khi bị các ngân hàng gây áp lực, buộc họ phải tiết lộ.

Giám đốc điều hành BHP Mike Henry cho biết, việc tập trung vào các tiêu chuẩn bền vững trong ngành sẽ giúp nâng cao hiệu quả khi các công ty khai khoáng chuyển sang khai thác ở các mỏ khoáng sản cấp thấp hơn trên khắp thế giới để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng.

Các tiêu chuẩn bền vững mới sẽ được xây dựng dựa trên những bài học mà các nhà đầu tư và ngành công nghiệp khai khoáng rút ra được từ quá trình phát triển Tiêu chuẩn công nghiệp toàn cầu về quản lý đuôi quặng (GISTM). Đuôi quặng là vật liệu còn sót lại từ quá trình khai thác có thể tập kết với khối lượng lớn ở gần các mỏ.

Tiêu chuẩn về quản lý đuôi quặng được giới thiệu cách đây hai năm sau thảm họa vỡ đập chất thải Brumadinho của Tập đoàn khai khoáng Vale vào năm 2019 ở Brazil, làm chết 270 người.

BHP, Anglo American, Glencore, Rio Tinto và Vale nằm trong số các công ty khai khoáng lớn đã đồng ý tuân theo tiêu chuẩn GISTM.

Trước đây cũng đã có những nỗ lực trong ngành để giúp cải thiện các tiêu chuẩn khai thác mỏ dù ở quy mô nhỏ hơn, chẳng hạn như chương trình Copper Mark. Chương trình này đặt ra 32 tiêu chí tự nguyện liên quan đến ngăn chặn lao động cưỡng bức, quản lý đuôi quặng và môi trường để các nhà sản xuất trong ngành công nghiệp khai thác và tinh luyện đồng đáp ứng nếu muốn được chứng nhận bởi Copper Mark.

Nhiều khoáng sản và kim loại đóng như lithium, nickel và than chì đóng vai trò rất quan trọng đối với năng lượng sạch để giúp thế giới đạt mục tiêu đưa phát thải carbon về mức zero ròng vào năm 2050. Nhu cầu các khoảng sản và kim loại này dự kiến tăng 500% vào năm 2050, theo Ngân hàng thế giới.

Tuy nhiên, khai thác mỏ là nguyên nhân lớn thứ tư dẫn đến nạn phá rừng. Ngành công nghiệp này cũng đối mặt với áp lực từ các nhà đầu tư, chính phủ và các nhà hoạt động khí hậu do hủy hoại môi trường sống của sinh vật, gây ô nhiễm không khí và nước, đặc biệt là ở các nước đang phát triển ở Nam Mỹ, Đông Nam Á và châu Phi.

“Đây chính là thách thức lớn vì quá trình chuyển đổi sang carbon thấp cần quy mô khai khoáng lớn”, Adam Matthews, Chủ tịch GICM 2030 nói.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới