Ngành kinh doanh “tiêu chuẩn xả thải” có còn đất sống?
Thoa Nguyễn
![]() |
Dù kéo dài hơn thời gian dự kiến, kết quả từ Hội nghị CPO-17 chưa thực sự thỏa mãn mong đợi-Ảnh TL |
(TBKTSG Online) – Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2012, nhưng việc tìm kiếm một ràng buộc pháp lý mới về biến đổi khí hậu tại Hội nghị diễn ra ở Durban (Nam Phi) chưa có tiến triển. Nếu Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực, thì ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải và hoạt động kinh doanh “bán tiêu chuẩn xả thải”, mà nhiều công ty Việt Nam đang hướng tới, có còn đất sống.
Tại buổi họp báo công bố kết quả hội nghị Durban vào 15.12, ông Hoàng Mạnh Hòa, Trưởng phòng biến đổi khí hậu, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, đại diện của Việt Nam tham gia buổi đàm phán về Nghị định thư Kyoto, nói rằng thị trường thế giới rất rộng lớn, khi Hoa Kỳ không tham dự nghị định thư Kyoto, các hoạt động ràng buộc vẫn tiến triển. Và cho dù mới đây Canada tuyên bố không tham dự nghị định thư Kyoto thì tiềm năng để hoạt động kinh doanh buôn bán tiêu chuẩn khí thải vẫn phát triển.
Hiện tại, theo Nghị định thư Kyoto – văn bản ràng buộc pháp lý duy nhất quy định trách nhiệm cắt giảm khí thải của 37 nước công nghiệp, chỉ có các nước công nghiệp phát triển phải thực hiện các chỉ tiêu mang tính ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải.
Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực cuối năm 2012, nhưng dự thảo của hội nghị Durban quy định giai đoạn hai của Nghị định thư Kyoto sẽ kết thúc vào năm 2017.
Ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, tiếp tục giai đoạn II của Nghị định thư Kyoto là tiếp tục các cam kết ràng buộc giữa các quốc gia, theo đó các cơ chế thị trường về chứng chỉ cacbon trong tương lai chắc chắn còn phát triển hơn.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Tấn, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và môi trường) cũng chia sẻ 4 nội dung mà Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã thống nhất gồm:
Thống nhất sự cần thiết xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới để phê chuản càng sớm càng tốt và phải trước năm 2015. Việc xây dựng khuôn khổ phóp lý này sẽ được triển khai ngay và do nhóm làm việc đề nghị định hướng Durban đảm nhiệm thực hiện
Thống nhất việc thiết lập và thông qua thời kỳ cam kết lần thứ 2 của Nghị định thư Kyoto bắt đầu từ tháng 1-1-2013; kết thúc vào này 31-12-2017
Thống nhất khuôn khổ hệ thống báo cáo về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính áp dụng cho tất cả các nước phát triển và các nước dang phát triển
Thống nhất thông qua phương thức vận hành gói giải pháp được thông qua tại Hội nghị Cancun 2010 gồm Quỹ khí hậu xanh, Ủy ban thích ứng và Cơ chế Công nghệ.