Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành may Campuchia cố gắng thoát khỏi ‘tầng đáy’ chuỗi cung ứng

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Campuchia hiện có khoảng 1.200 hãng may đăng ký hợp pháp, sử dụng gần 1 triệu lao động và tạo ra hơn một phần ba GDP. Thế nhưng, ngành này đang đối mặt với một vấn đề, cũng là vấn nạn lớn của nền kinh tế Campuchia: xây dựng trên nền tảng của lao động tay nghề thấp, chi phí thấp.

Một xưởng may ở thủ đô Phnôm Pênh. May mặc và giày dép là cỗ máy kiếm ngoại tệ của Campuchia với hơn 10 tỉ đô la trong năm 2021. Ảnh: AP

Ngành công nghiệp may mặc của Campuchia đang tuyển dụng sinh viên đã tốt nghiệp đại học để đảm nhận dần các vị trí cấp cao do người nước ngoài nắm giữ. Song song đó, đầu tư cho hệ thống trường dạy nghề, công lẫn tư, để ngành may và cả đất nước Campuchia thoát khỏi sự cạnh tranh trong thế yếu.

Lợi thế tạm thời

Các xưởng may ở đất nước Chùa Tháp đã được “ngôi sao may mắn” chiếu cố trong năm 2021. Sau khi nguồn cung ứng vải và nguyên liệu từ Trung Quốc đứt gãy, tiếp đó là nhu cầu trên thế giới sụt giảm, các hãng may gia công ở Campuchia phất lên như diều gặp gió. Một phần nhờ vào chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng của nước này.

Cùng với đó, tình hình các nước trong khu vực cũng đã tạo thuận lợi cho ngành may Campuchia. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc do đối đầu thương mại Mỹ – Trung, biến động chính trị ở Myanmar, các đợt phong tỏa do chủng Delta tại Việt Nam và Bangdalesh…, đã dẫn đến lượng đơn hàng gia tăng cho Campuchia trong năm 2021.

Theo số liệu của Cục Hải quan Campuchia hồi tháng 10-2021, xuất khẩu hàng may mặc của nước này đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu của Liên hiệp quốc cũng cho thấy Campuchia đã tăng thị phần ở hầu hết các thị trường xuất khẩu chính. Tổng thư ký Hiệp hội các hãng may mặc (GMAC) Ken Loo cho rằng Campuchia đang có lợi thế tạm thời so với các đối thủ cạnh tranh.

“Đó là sự tổng hợp các yếu tố may mắn như các nước khác bị dịch ảnh hưởng nặng và Campuchia đã có chiến dịch tiêm chủng thành công. Điều này giúp ngành hồi phục sau sự sụt giảm của thị trường toàn cầu. Nhưng rõ ràng điều này sẽ không kéo dài. Bởi Việt Nam cũng đang hồi phục rất nhanh”, Loo nói với Nikkei Asia.

Công nhân ngành may trên đường đến nơi làm việc ở ngoại ô Phnôm Pênh. Ảnh: AP

Thách thức lâu dài

Các nhà phân tích đã nhận ra những cơ hội ngắn hạn lẫn những thách thức dài hạn của ngành may mặc Campuchia, cũng như khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng và các tác nhân bên ngoài.

Phó giáo sư ngành thời trang Sheng Lu tại Đại học Delaware, Mỹ cho rằng các mục tiêu của Campuchia thời hậu Covid cần tập trung vào việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu bên ngoài EU và Mỹ. Hiện, châu Âu chiếm 35% hàng may mặc, giày dép và du lịch xuất khẩu từ Campuchia; còn Mỹ nhận được 37% – theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Việc đặt hầu hết trứng vào hai cái giỏ này khiến rủi ro ngày càng cao. Bị EU trừng phạt năm 2020 do những bất ổn chính trị, Campuchia giờ đây còn phải đối mặt với nguy cơ Mỹ sẽ rút các cơ chế ưu đãi khi nước này tỏ ra có các mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Xét đến chuỗi cung ứng, Campuchia cũng phải đối mặt với nguy cơ bị phụ thuộc hoàn toàn vào vải nhập khẩu, với hơn 60% là từ Trung Quốc. Nếu không đầu tư vào sản xuất hàng dệt trong nước, Campuchia sẽ phải chịu những cú sốc lớn khi chuỗi cung ứng gián đoạn. Đất nước Chùa Tháp cũng phải chật vật để tuân thủ các điều kiện thương mại mới nếu họ thoát khỏi tình trạng kém phát triển nhất (LDC) do Liên hiệp quốc đánh giá trong năm 2024.

Nhà nghiên cứu Sheng Lu nói: “Nếu Campuchia mất ưu thế LDC, hàng may mặc xuất khẩu của nước này phải có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn trước để được miễn thuế khi vào các thị trường chính như EU, Nhật Bản và Canada. Nói cách khác, nếu Campuchia không tăng cường năng lực sản xuất dệt may nội địa hoặc tăng cường chuỗi giá trị, khả năng cạnh tranh của hàng may mặc xuất khẩu về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”.

Nhà phân tích Imogen Page-Jarrett của Economist Intelligence Unit đề cập một tương lai xa hơn. Khi chi phí sản xuất ở Việt Nam và Trung Quốc tăng lên, Campuchia sẽ trở thành “điểm đến được ưa chuộng” cho các ngành sản xuất chi phí thấp, sử dụng nhiều lao động, chẳng hạn tầng dưới của chuỗi cung cấp và lắp ráp thiết bị điện tử. Về trung hạn, Campuchia sẽ gặp khó khăn trong việc nâng cao chuỗi giá trị do thiếu lao động có kỹ năng.

Page-Jarrett nói: “Đất nước này cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và đào tạo. Thậm chí khi họ đã đổ tiền nhiều hơn, có thể mất một thập niên hay lâu hơn để có được nguồn lao động cần thiết”.

Bộ trưởng Bộ Lao động Campuchia năm ngoái đã cam kết chi 500 triệu đô la cho giáo dục và đào tạo nghề trong năm năm tới. “Đào tạo nghề là giải pháp nhanh nhất gia tăng kỹ năng cho lao động. Chính phủ Campuchia đã tăng gấp đôi kinh phí cho các cơ sở dạy nghề công lập ở Phnôm Pênh, Kandal và Kampong Speu”, theo người phát ngôn Bộ Lao động Heng Sour.

Cải tạo “cỗ máy kiếm ngoại tệ”

Con đường phía trước của ngành may mặc được đề cập trong chiến lược phát triển năm năm công bố vào năm ngoái. Tuy vậy, các chi tiết của kế hoạch này chưa bao giờ được công khai. Các nỗ lực đào tạo nghề cho “cỗ máy kiếm ngoại tệ” của quốc gia đang do Viện đào tạo may mặc Campuchia (CGTI) khởi xướng và dẫn đầu.

Được thành lập vào năm 2017 với sự giúp đỡ từ Trung tâm Đào tạo Công nghiệp Dệt may và Thời trang của Singapore, CGTI hoạt động dựa trên phí thành viên do các hội viên của GMAC đóng góp. Viện đã tổ chức hầu hết các khóa học ngắn hạn tại ngay xưởng may cho gần 6.000 công nhân với các môn học từ may kỹ thuật đến kỹ năng quản lý. CGTI cũng cấp học bổng cho 75 sinh viên theo đuổi các văn bằng khác.

Các khóa học dài hơn, bao gồm sáu tháng trên lớp và một năm thực tập được đảm bảo việc làm, đã khiến Giám đốc CGTI Andrew Tey hy vọng về một tầng lớp quản trị viên người Campuchia vận hành hoàn toàn một nhà máy.

Ông nói rằng lao động Campuchia ở các vai trò giám sát và cấp quản lý thấp hơn đã nhiều hơn. Nhưng phần lớn đã không thể thâm nhập sâu hơn và leo cao hơn đến những vị trí vẫn do người nước ngoài đảm nhiệm. Các vị trí cấp cao đều do người từ Malaysia, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc đảm nhận.

Một phần của vấn đề là nhận thức. Ông Tey nói rằng những người tìm việc không biết rằng các vị trí quản lý có mức lương trên mức trung bình so với nhiều ngành. Một số học viên có bằng ngành may đã có mức lương 600 đô la mỗi tháng. Mức thu nhập trung bình cho một hộ gia đình ở Campuchia là khoảng 400 đô la một tháng, theo Khảo sát Kinh tế Xã hội Campuchia 2019-2020.

“Chúng tôi trả lương cao, nhiều người không nhận ra. Chúng tôi đang nhắm mục tiêu vào các trường trung học, chúng tôi muốn thay đổi suy nghĩ của họ”, ông Tey cho biết.

May mặc, giày dép chiếm 63% kim ngạch xuất khẩu
Theo số liệu của GMAC, Campuchia xuất khẩu 8,83 tỉ đô la các mặt hàng may mặc (6,538 tỉ đô la), giày dép (1,113 tỉ đô la) và vật dụng du lịch (1,179 tỉ đô la) trong mười tháng đầu năm 2021, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đại hội hàng năm của GMAC hôm 15-1, theo Phnôm Pênh Post, Bộ trưởng Bộ Lao động và Dạy nghề Ith Sam Heng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp may mặc và giày dép là “trụ đỡ chính của nền kinh tế và lĩnh vực xuất khẩu quan trọng nhất của Vương quốc Campuchia”. Ông cho biết tổng giá trị xuất khẩu của ngành đã vượt cột mốc 10 tỉ đô la trong năm 2021, chiếm 63% tổng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia.
Hầu hết các dự án đầu tư mới được công bố trong hai tuần đầu tiên của tháng 1-2022 đều thuộc lĩnh vực may mặc và giày dép – theo Hội đồng Phát triển Campuchia. Chẳng hạn tuần lễ đầu là 7/9 dự án đều thuộc ngành này với tổng vốn đầu tư khoảng 43 triệu đô la. Trong tuần lễ thứ hai, trong 10 dự án mới cấp phép có hai dự án dệt may có tổng vốn đầu tư là 7 triệu đô la.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới