Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành mía đường đã đến lúc phải thay đổi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành mía đường đã đến lúc phải thay đổi

Ngọc Hùng thực hiện

Ngành mía đường đã đến lúc phải thay đổi
Ông Nguyễn Đức Quang.

(TBKTSG Online) – Dù là một nước có điều kiện tự nhiên thích hợp cho cây mía nhưng năng suất trung bình của Việt Nam chỉ bằng khoảng 70% thế giới. Kèm theo đó, trình độ canh tác lạc hậu, cơ giới hóa thấp, thiết hụt công lao động khiến chi phí sản xuất đường của Việt Nam khi nào cũng cao.

Đây là nguyên nhân khiến người trồng mía không thể sống được với cây mía, còn người tiêu dùng phải trả giá cao cho mỗi ký đường mua về. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online Online đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đức Quang, Viện trưởng Viện nghiên cứu mía đường (SRI) xung quanh hiện trạng của ngành mía đường hiện nay.

>>> "VSSA phản ứng với đường nhập lậu là bình thường"

>>> HAGL tìm cách bán đường cho DN trong nước

TBKTSG Online: Hiện năng suất cây mía của Việt Nam chỉ bằng khoảng 70% năng suất mức trung bình thế giới là do vấn đề cây giống hay nguyên nhân nào, thưa ông?

– Ông Nguyễn Đức Quang: Thực ra, giống mía của Việt Nam khoảng 90% có nguồn gốc từ nước ngoài, điều này có nghĩa là tiềm năng năng suất của giống mía hiện tại là rất lớn nhưng khi trồng tại Việt Nam lại cho năng suất thấp hơn so với các nước là do canh tác mía của ta chưa tốt. Bằng chứng là niên vụ mía đường 2012/2013 năng suất mía trung bình của Việt Nam là 64 tấn/héc ta.

Nguyên nhân, phần lớn người trồng mía là nông dân nghèo thiếu kinh phí đầu tư phân bón, thủy lợi, phòng trừ cỏ và sâu hại mà chỉ trồng mía xong rồi chờ thu hoạch.

Ở nước ngoài trong canh tác mía tỷ lệ cơ giới hóa 80-90%, trong khi của Việt Nam chỉ có khoảng 10-20%, chủ yếu ở khâu làm đất trồng, còn lại chủ yếu làm bằng tay.

Cách đây 4 năm, công lao động vào khoảng 70.000 đồng/người/ngày, còn hiện tại là 150.000 đồng/ngày. Hiện giá bán mía nguyên liệu chỉ ở 850 đồng/kg cho mía 10 CCS, nhưng thực tế chỉ được 9 CCS, tức là được khoảng 760-770 đồng/kg sau khi trừ đi công chặt 150 đồng/kg thì người nông dân chỉ thu về 600 đồng/kg. Như vậy, làm sao mà giàu nhờ trồng mía để có thể trích lũy tài sản để đầu tư máy móc, thủy lợi hay mua phân bón được.

Thêm vào đó, phần lớn các nhà máy ép mía của Việt Nam đều đầu tư công nghệ của Trung Quốc nên hiệu suất thu hồi đường cũng thấp hơn. Cụ thể, một tấn mía nguyên liệu các nhà máy trong nước chỉ sản xuất được 90kg đường, thấp hơn 10% so với công nghệ của các nước. Vậy nên, năng suất, chất lượng mía thấp, cộng thêm hiệu suất thu hồi đường cũng thấp nên đẩy giá thành lên cao.

Ngoài ra, một điều nữa góp phần đưa giá thành cao là do các nhà máy chưa tận dụng được những phụ phẩm như bã mía, mật rỉ mía để sản xuất phân bón, bánh kẹo, điện hay cồn sinh học… Đó là tất cả những gì khiến ngành mía đường Việt Nam luôn luôn có chi phí sản xuất lớn hơn các nước.

Hiện Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã đầu tư trồng mía ở Lào và đang có ý định đưa về Việt Nam tiêu thụ. Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đã có phản ứng về vấn đề này. Ông có thể phân tích một chút về vấn đề này được không?

– Lý do để VSSA phản ứng là do giá thành sản xuất mía của HAGL ở Lào thấp. Theo thông tin tôi có được thì chi phí sản xuất một kg đường của công ty này dưới 10.000 đồng/kg, trong khi, giá thành trung bình của các nhà máy đường trong nước khoảng 13.000 – 13.500 đồng/kg. Vì thế, VSSA có phản ứng để cố gắng bảo vệ mặt hàng đường Việt Nam trong nước.

Đường của HAGL có giá rẻ là họ mới trồng mía lần đầu nên đất đai còn màu mỡ, đầu tư đúng mức trong đó có tưới nước bổ sung vào mùa khô nên năng suất cao, trong khi diện tích trồng mía của Việt Nam hiện nay đã trồng mía hàng chục năm kèm theo là đầu tư chưa đúng mức, hệ thống tưới tiêu không có nên không thể cho năng suất cao.

Ngoài ra, HAGL là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Lào nên họ cũng nhận được nhiều ưu đãi khác. Tóm lại, với những gì tôi đã đề cập ở trên thì có thể khẳng định hiện nay doanh nghiệp mía đường trong nước không thể cạnh tranh lại với đường của HAGL hay từ Thái Lan.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến để xây dựng một nghị định về sản xuất và kinh doanh mía đường. Ông có nghĩ rằng nghị định này sẽ giúp giải quyết được những khó khăn mà ông đã đề cập ở trên?

– Trước những thách thức mà ngành mía đường đang gặp phải buộc các doanh nghiệp phải tìm cách thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế chứ không thể để những vấn đề về năng suất cây mía, công nghệp sản xuất lạc hậu kéo chi phí giá đường tăng được.

Tôi hy vọng, một số điểm của nghị định sẽ dành một phần kinh phí từ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp của các nhà máy để đầu tư cơ sở hạ tầng trở lại, trong đó kể cả hỗ trợ hệ thống thủy lợi, cơ giới hóa khâu thu hoạch mía cho nông dân và một phần kinh phí đầu tư cho phát triển khoa học-công nghệ.

Năng suất cây mía thấp một phần vì thiếu hệ thống thủy lợi, vậy thì phải tìm cách giải quyết được mấu chốt này. Tuy nhiên, để có một hệ thống thủy lợi cho gần 300.000 héc ta trồng mía hiện nay trong khi không có nguồn lực để làm một lúc thì phải có kế hoạch đầu tư cho từng giai đoạn.

Song song với đó là Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cơ giới hóa thu hoạch mía để giảm công lao động. Vì theo xu hướng chung trong thời gian tới, khi các khu công nghiệp gia tăng, công lao động sẽ thiếu hụt trầm trọng và tiền công lao động sẽ có xu hướng ngày một tăng, còn các nhà máy trước sức ép phải giảm chi phí sản xuất sẽ tìm cách ép giá mua mía để tăng cạnh tranh. Như vậy, nếu không có chính sách hỗ trợ thì thu nhập của người trồng mía chắc chắn sẽ giảm.

Theo tôi, đã đến lúc Chính phủ cần có một chính sách mới đột phá để giúp ngành mía đường giải quyết được những khó khăn hiện tại. Nếu không người trồng mía sẽ không sống được với cây mía, còn người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn để mua đường. Đây là thời gian cho ngành mía đường phải thay đổi để không đánh mất thị trường 90 triệu dân hiện nay.

Xin cảm ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới