Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành nhựa lao đao theo giá dầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành nhựa lao đao theo giá dầu

Doanh nghiệp nhựa trong nước đang gặp khó khăn trước tình hình giá nguyên liệu thay đổi hàng tuần – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Giá dầu thế giới liên tục tăng cao khiến cho các doanh nghiệp sản xuất nhựa chịu nhiều ảnh hưởng, phải sản xuất cầm chừng, đôi khi chịu lỗ vì không dám tăng giá.

Ngành nhựa gặp khó khăn vì nguyên liệu – hạt nhựa các loại, hiện đã tăng thêm gần 50% so với hồi đầu năm nay. Hạt nhựa được sản xuất từ những chế phẩm của dầu. Khi giá dầu tăng cao (tính đến ngày 3-7, giá dầu thế giới đã gần chạm 146 đô la Mỹ/thùng), đã kéo theo giá hạt nhựa tăng liên tục.

Nhiều doanh nghiệp ngành nhựa đang buộc phải chủ động sản xuất cầm chừng hoặc chấp nhận thua lỗ, không dám tăng giá bán sản phẩm để giữ chân khách hàng.

Đóng cửa chờ giá dầu hạ

Trao đổi với Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online chiều 3-7, ông Hồ Đức Lam, Phó chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, hiện cả nước có khoảng 2.200 doanh nghiệp sản xuất nhựa, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp, kể cả các công ty liên doanh đều đang gặp rất nhiều khó khăn trước tình hình giá dầu thế giới tăng liên tục đẩy giá nhập khẩu hạt nhựa cao chưa từng có.

Ông Lam còn cho biết nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nhựa hiện nay đang tính chuyện đóng cửa nhà máy, không còn sản xuất nữa vì giá hạt nhựa thì tăng quá cao, vượt quá khả năng cầm cự, trong khi họ không thể tăng giá bán vì khách hàng không chấp nhận.

Theo ông Lam, một vấn đề đau đầu đối với ngành nhựa là nếu những tháng đầu năm nay, chu kỳ tăng giá của hạt nhựa là hàng tháng, thì hiện nay chu kỳ tăng giá đã diễn ra hàng tuần. Cứ mỗi tuần là giá hạt nhựa lại tăng thêm từ 20-30 đô la Mỹ/tấn, hiện nay giá đã lên mức 2.000-2.200 đô la Mỹ/tấn, tăng gần 50% so với hồi đầu năm.

Khổ nỗi, trong khi giá nguyên liệu và chi phí sản xuất đầu vào tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm, giá bán sản phẩm nhựa chỉ nhích dần lên từ từ, dao động khoảng 10% từ đầu năm đến nay vì doanh nghiệp e ngại khách hàng không chấp nhận.

Theo tính toán của bà Nguyễn Thị Kim Hằng, Phó giám đốc Công ty Nhựa Đạt Hòa ở quận Bình Tân, TPHCM, doanh nghiệp chuyên sản xuất những mặt hàng nhựa ống nước và sản phẩm nhựa ngành cấp thoát nước, giá hạt nhựa công ty nhập về từ đầu tháng 7 này đã tăng thêm 10% so với hồi cuối tháng 6.

Đặc biệt là nguyên liệu nhựa HD (nhựa chịu lực), hai tháng trước mới chỉ có giá khoảng 1.650 đô la Mỹ/tấn, cuối tháng 6 đã tăng lên 2.150 đô la Mỹ/tấn.

Với công suất sản xuất khoảng 1.500 tấn sản phẩm nhựa các loại mỗi tháng, công ty Đạt Hòa hàng tháng phải nhập trực tiếp từ Thái Lan khoảng 200 tấn hạt nhựa, mua khoảng 800 tấn từ các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước, ngoài ra còn nhập thêm một số nguyên liệu nhựa từ một số nước khác.

“Doanh nghiệp tôi đang phải gồng mình chịu lỗ, nhưng cũng đành bấm bụng không dám tăng giá sợ mất khách hàng lâu nay. Nếu cộng với chi phí sản xuất khác cũng tăng cao như hiện nay, chúng tôi đang phải chịu lỗ khoảng 15% trên giá sản phẩm bán ra và khó có thể cầm cự mãi được”, bà Hằng than thở.

Bà Hằng cho biết thêm vài ngày trước, sau khi hiệp hội nhựa Việt Nam có triệu tập cuộc họp bàn về tình hình sản xuất khó khăn do tác động từ việc nguyên liệu nhựa tăng giá, đa số các doanh nghiệp đều tỏ ra không muốn tăng giá bán trong lúc này vì sợ mất khách hàng, đặc biệt trong thời điểm hiện nay là mùa mưa, chợ ế, sức tiêu thụ giảm.

Theo VPA, hiện nay hầu hết nguồn nguyên liệu hạt nhựa cho ngành nhựa trong nước được nhập từ khu vực Trung Đông, Singapore, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan…

Kiến nghị được nhập phế liệu nhựa

Để giải bài toán khó khăn này, VPA một mặt đang kiến nghị Chính phủ có những chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, một mặt kêu gọi các doanh nghiệp tìm cách giảm thiểu chi phí sản xuất để tạo ra giá bán cạnh tranh hơn.

Trong 5 tháng đầu năm 2008, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu nhựa của Việt Nam khoảng 77.000 tấn với tổng giá trị xấp xỉ 1,3 tỉ đô la Mỹ. Ngành nhựa của Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2008, tăng 25% so với năm 2007.

Dự báo của hiệp hội nhựa từ nay đến tháng 9 năm nay, trước biến động của giá dầu thế giới, khả năng giá hạt nhựa sẽ còn tăng thêm khoảng từ 10- 15% nữa.

Ngoài ra, VPA cũng đang có kiến nghị lên các bộ, ngành liên quan cho phép ngành nhựa được nhập khẩu phế liệu nhựa sạch để tái chế ra nguyên liệu hạt nhựa nhằm giảm giá hạt nhựa trong nước.

Vừa qua, VPA cũng đã kiến nghị với Chính phủ cho phép đưa ngành nhựa vào trong 14 ngành hàng được ưu tiên về nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Để cứu các doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn hiện tại, hiệp hội cũng kiến nghị với Chính phủ tác động đến ngành ngân hàng cho các doanh nghiệp nhựa vay thêm vốn.

Đối với những doanh nghiệp sản xuất có lượng nhân công lớn thì bài toán cân đối chi phí sản xuất trong lúc này càng nan giải hơn.

Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó giám đốc Công ty Nhựa Chợ Lớn ở quận 8, TPHCM cho biết, giá nguyên liệu nhựa hiện nay đã tăng thêm gần 50% so với hồi đầu năm nay, đây là tốc độ tăng chóng mặt chưa từng có trước đây. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu hạt nhựa là cực kỳ hút hàng, khó mua.

“Nghe đâu các nhà nhập khẩu hạt nhựa mới báo về là giá nguyên liệu hạt nhựa sẽ còn tăng thêm vài ba ngày tới vì ảnh hưởng từ việc giá dầu thế giới tăng cao, thông tin này làm doanh nghiệp sản xuất hàng nhựa chúng tôi cực kỳ lo lắng”, ông Bảy nói.

Là người có thâm niên trong ngành nhựa, ông Bảy cho biết đặc điểm của các doanh nghiệp nhựa trong nước là tuy trong tình thế khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vẫn đua nhau ghìm giá bán như một phương thức cạnh tranh. Trong tình hình này, doanh nghiệp nào đủ sức cầm cự vượt qua được thì tồn tại, doanh nghiệp nào yếu thì chấp nhận phá sản.

Sản phẩm chính của Công ty Nhựa Chợ Lớn là đồ chơi trẻ em và hàng nhựa gia dụng. Giải pháp tạm thời trong lúc này của doanh nghiệp là tăng sản xuất lượng hàng cao cấp, có chất lượng cao, có sức tiêu thụ mạnh để bù lỗ cho các sản phẩm thấp và trung cấp.

Theo ông Bảy, trong bối cảnh Việt Nam chưa thể sản xuất được nguyên liệu nhựa, phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thì để tự cứu lấy mình doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có đầu ra và nâng cao chất lượng sản phẩm.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới