Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành sản xuất của Trung Quốc bất ngờ phục hồi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành sản xuất của Trung Quốc bất ngờ phục hồi

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Ngành sản xuất của Trung Quốc bất ngờ tăng trưởng trở lại trong tháng 11 sau sáu tháng suy giảm, song giới phân tích cảnh báo đà suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa chạm đáy.

Ngành sản xuất của Trung Quốc bất ngờ phục hồi
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Liên Vân Cảnh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hôm 30-11, Cục Thống kế quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết nền kinh tế Trung Quốc có những tín hiệu cải thiện trong tháng 11 với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tăng lên 50,2 điểm trong tháng 11 so với 49,3 điểm trong tháng trước đó.

Đây là lần đầu tiên chỉ số này trở lại mức trên 50 điểm kể từ tháng 4-2019. Chỉ số PMI trên 50 thể hiện ngành sản xuất tăng trưởng, ngược lại, nếu dưới 50 điểm là biểu hiện của suy giảm.

Chỉ số đơn hàng mới của các nhà sản xuất ở Trung Quốc trong tháng 11 tăng lên 51,3 điểm so với mức 49,6 điểm trong tháng 10.  Chỉ số PMI ngành dịch vụ của Trung Quốc cũng tăng lên 54,4 điểm trong tháng 11, cao hơn mức dự báo 53,1 của các nhà kinh tế.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể vẫn chưa chạm đáy vì còn nhiều bất ổn phía trước và sự phục hồi PMI ngành sản xuất trong một tháng riêng lẻ không nói lên được nhiều điều.

Liang Zhonghua, Giám đốc phân tích vĩ mô ở viện nghiên cứu của Công ty chứng khoán Zhongtai Securities, cho rằng PMI ngành sản xuất Trung Quốc cải thiện trong tháng 11 có thể là do tác động của yếu tố mùa vụ khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc trước thềm Giáng sinh tăng lên.

“Điểm số trung bình của PMI ngành sản xuất trong tháng 10 và tháng 11 vẫn yếu hơn so với tháng 9. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa ổn định. Xu hướng kinh tế của Trung Quốc vẫn chưa thay đổi. Trong một chu kỳ suy thoái, các chỉ số ngắn hạn thường biến động mạnh, dẫn đến những tâm thị trường cũng trồi trụt. Chúng ta cần phải tỉnh táo và không hành động vội vã”, ông nói.

Nhà kinh tế Tang Jianwei ở Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc, cho rằng căng thẳng hạ nhiệt giữa Mỹ và Trung Quốc trong hai tháng gần đây cùng với các biện pháp kích thích tăng trưởng của Bắc Kinh đã tạo ra tác động tích cực cho ngành sản xuất.

Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc ở Công ty chứng khoán Nomura Securities, lưu ý PMI ngành sản xuất của Trung Quốc từng vượt lên mức 50 điểm trong tháng 3-2019 nhưng sau đó lại suy giảm trong những tháng sau đó.

“Chúng tôi không cho rằng sự phục hồi này báo hiệu nền kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy vì những cản lực lớn đối với tăng trưởng vẫn hiện hữu, đặc biệt là là sự trầm lắng của thị trường bất động sản và bức tranh tài chính đang xấu đi của Trung Quốc”, Ting Lu viết trong một báo cáo gửi cho các nhà đầu tư.

Các nhà sản xuất của Trung Quốc đối mặt vô vàn khó khăn lớn trong năm 2019 khi nhập khẩu của Trung Quốc giảm trong mọi tháng ngoại trừ tháng 4 và xuất khẩu cũng giảm liên tục trong 3 tháng qua.

Các nhà kinh tế cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận rằng nền kinh tế thứ hai đã trở lại “đường ray” tăng trưởng vì vẫn còn nhiều bất ổn phía trước bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang tăng cao và các hoài nghi về thỏa thuận thương mại tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc.

Dù các quan chức Mỹ và truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục phát đi những thông điệp tích cực về tiến triển trong đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng triển vọng ký kết vẫn còn mờ mịt. Nếu thỏa thuận không được ký kết sớm, ngày 15-12 tới, Mỹ sẽ tiến hành vòng áp thuế mới vào hơn 150 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.

Hai bên vẫn còn bất đồng về các cam kết mua nông sản Mỹ của Trung Quốc và đề xuất của Bắc Kinh gỡ bỏ bớt các biện pháp áp thuế của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc.

Zhao Qinghe, nhà kinh tế ở NBS, cũng lưu ý các bất ổn bên ngoài vẫn kéo dài và điều này có nghĩa là ngành sản xuất của Trung Quốc vẫn đối mặt với rủi ro suy giảm.

Trong một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sốt sắng vực dậy tăng trưởng, hôm 27-11, Bộ Tài chính Trung Quốc đã phê chuẩn mức hạn ngạch 1.000 tỉ nhân dân tệ (142 tỉ đô la Mỹ) cho các đợt hành hành trái phiếu đặc biệt của các chính quyền địa phương trong năm 2020 nhằm có nguồn tiền đầu tư cho các dự án hạ tầng. Bộ Tài chính yêu cầu các chính quyền địa phương gấp rút triển khai phát hành trái phiếu đặc biệt để có thể sớm thấy kết quả vào năm sau, giúp nền kinh tế được củng cố càng sớm càng tốt. Thông thường, Bộ Tài chính Trung Quốc đợi đến những tháng đầu năm mới mới phê duyệt hạn ngạch phát hành trái phiếu cho các chính quyền địa phương cho năm đó.

Theo SCMP, Wall Street Journal

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới