Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành sản xuất và bán lẻ chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu dịch kéo dài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành sản xuất và bán lẻ chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu dịch kéo dài

Vân Phong

(KTSG Online) – Sản xuất công nghiệp, bán lẻ và xuất khẩu của Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu dịch Covid-19 không được kiểm kiểm soát trong ngắn hạn, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Ngành sản xuất và bán lẻ chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu dịch kéo dài
Sản xuất công nghiệp Việt Nam chưa chịu nhiều ảnh hưởng từ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sản xuất công nghiệp tháng 5-2021 ước tăng 1,6% so với tháng trước và 11,2% so với cùng kỳ năm 2020, dù làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư khiến số ca nhiễm tăng mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở Việt Nam, buộc Chính phủ phải thực hiện các biện pháp hạn chế di chuyển cứng rắn hơn ở các trung tâm đô thị lớn và một số khu công nghiệp.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) đạt mức 53,1 trong tháng 5 – thấp hơn mức 54,7 được ghi nhận vào tháng 4, nhưng cho thấy điều kiện kinh doanh cải thiện so với tháng trước, theo WB.

Về tác động tiêu cực của Covid-19 với kinh tế, WB cho biết doanh số bán lẻ giảm 3,1% do tác động của giãn cách xã hội và các cửa hàng phải đóng cửa. Trong đó, doanh số của ngành dịch vụ giảm 8,9% so với tháng trước, còn doanh số hàng hoá chỉ giảm 1,7%.

Trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và cam kết vốn FDI giảm lần lượt 6,7% và 20% so với tháng 4.

Với các chỉ số kinh tế vĩ mô khác, WB cho biết ciá cả trong nước tháng 5 tăng 0,3% so với tháng trước do giá hàng hóa toàn cầu tăng, trong khi tín dụng tăng trưởng với tốc độ chậm hơn do hoạt động kinh tế suy yếu và lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ.

Ngân sách Nhà nước thặng dư khoảng 86.000 tỉ đồng trong 5 tháng đầu năm do thu ngân sách tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng chi ngân sách giảm 3,7% do tiến độ thực hiện chương trình đầu tư công chậm lại rõ rệt.

Còn giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm lần lượt tăng 29,1% và 35,4% so với cùng giai đoạn năm 2020.

Kết quả này – theo WB – phản ánh sự tăng trưởng vững chắc trong xuất khẩu máy tính, điện tử và máy móc thiết bị. Ngoài ra, điều này cũng phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu điện thoại, dệt may và giày dép trong 5 tháng đầu năm 2021 với mức tăng trưởng lần lượt là 19,5%, 16,1% và 27,0% so với cùng giai đoạn năm trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới