Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành tài chính cần nghiên cứu giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành tài chính cần nghiên cứu giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Hoàng Thắng

(KTSG Online) – Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu ngành tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách về thuế, phí nhằm tháo gỡ khó khăn do doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy sản xuất và kinh doanh.

Ngành tài chính cần nghiên cứu giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Tài chính cung cấp.

Yêu cầu này được Phó thủ tướng đưa ra tại hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Bộ Tài chính tổ chức ngày 16-7.

Ông yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khoá, gồm các giải pháp về thuế, phí. Đồng thời, rà soát các vấn đề về thể chế pháp luật để gỡ bỏ những điểm chồng chéo, qua đó tạo tiền đề thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19.

Để thực hiện mục tiêu này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng Bộ Tài chính cần tập trung rà soát, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thuế, hải quan. Ngoài ra, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động đầu tư.

Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý để phát triển kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới và mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công, xử lý hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính. 

Với công tác thuế và hải quan, ông Khái yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu. Ngoài ra, cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp về thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh.

Bên cạnh đó, thực hiện quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu.

“Tôi đề nghị lãnh đạo các cấp ở địa phương vào cuộc, chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp về tài chính ngân sách đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan để quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá, quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế và dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn”, ông Khái nói.

Trước đó, ông Phan Thế Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang – cho biết dịch Covid-19 tại địa phương cơ bản được khống chế thành công, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại trong 6 tháng cuối năm 2021.

Ông Tuấn cho rằng các doanh nghiệp cần nhiều thời gian để phục hồi, vì vậy công tác thu ngân sách của Bắc Giang sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho công tác phòng chống dịch sẽ gia tăng, gây ảnh hưởng đến cân đối thu – chi ngân sách địa phương năm 2021.

Để hoàn thành dự toán NSNN năm 2021, ông Tuấn cho biết UBND tỉnh Bắc Giang sẽ xây dựng các kịch bản thu phù hợp với thực tế. Đồng thời, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tạo cơ sở tăng thu cho NSNN.

Tương tự, bà Phan Thị Thắng – Phó chủ tịch UBND TPHCM – cho biết địa phương này sẽ triển khai ngay các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức. Đồng thời, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội.

Về chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, ông Cao Anh Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – cho biết tổng số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất được gia hạn là 35.247 tỉ đồng tính tới 8-7-2021, theo nghị định 52/2021 của Chính phủ.

Ngoài ra, 128.619 doanh nghiệp và 56.268 hộ, cá nhân kinh doanh đã được gia hạn nộp thuế thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020. Tổng số tiền được gia hạn là 67.234,6 tỉ đồng, gồm 31.929 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp và tổ chức, 30.562 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, 3.610 tỉ đồng tiền thuê đất, 1.132 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh.

Bên cạnh đó, có 14 doanh nghiệp đã được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với tổng số thuế được gia hạn là 20.012 tỉ đồng, theo Nghị định số 109/2020 về việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới