Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành thực phẩm và đồ uống châu Âu nguy ngập vì thiếu C02

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngành thực phẩm và đồ uống châu Âu đang đối mặt với cơn hỗn loạn do thiếu nguồn cung khí CO2 sau khi các nhà máy phân bón trong khu vực đóng cửa vì giá khí đốt đắt đỏ. Ngành công nghiệp phân bón không chỉ quan trọng đối với sản lượng cây trồng mà còn cung cấp CO2, vốn đóng vai trò thiết yếu trong ngành giết mổ gia súc cho đến ngành đồ uống có gas.

Thiếu CO2 đang đe dọa ngành chế biến thịt của Anh, vốn rất cần khí này để làm ngạt gia súc, gia cầm trước khi giết mổ. Ảnh: foodmanufacture.co.uk

Hôm 17-9, Tập đoàn Yara International của Na Uy, một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, thông báo sẽ giảm hoạt động sản xuất tại một số nhà máy ở Anh và các nước Liên minh châu Âu (EU) khác do mức giá cao kỷ lục của khí đốt đang bào mòn biên lợi nhuận của sản phẩm ammonia, một thành phần không thể thiếu của phân bón ammonium nitrate và phân urê. Ammonia được sản xuất bằng cách trộn lẫn khí nitrogen với khí hydrogen từ khí thiên nhiên.

Yara International dự báo tuần sau, sản lượng ammonia của tập đoàn này ở châu Âu sẽ giảm đến 40%. Hà Lan, Ý, Anh, Pháp sẽ dừng sản xuất khoảng 2 triệu tấn trong tổng sản lượng 4,9 triệu tấn ammonia hàng năm của tập đoàn này ở châu Âu. Trước đó, các nhà máy của Yara International ở Na Uy và Đức cũng đã dừng hoạt động để bảo dưỡng. Yara International cho biết thời gian cắt giảm sản lượng tùy thuộc vào diễn biến giá của hai nguyên liệu chính để sản xuất ammonia là khí thiên nhiên và khí  nitrogen.

Hai ngày trước, Tập đoàn phân bón CF Industries (Mỹ) cũng buộc phải dừng sản xuất tại 2 nhà máy sản xuất phân bón ammonium nitrate ở Anh vì lý do tương tự.

Giá khí đốt ở Anh và châu Âu tăng phi mã lên những mức cao mới trong những tuần gần đây và giới nhà phân tích cảnh báo khu vực này sẽ tiến vào mùa đông với lượng khí đốt dữ trữ ở mức thấp kỷ lục.

Các công ty bia và nước giải khát phụ thuộc vào CO2, một sản phẩm phụ trong quy trình sản xuất phân bón, để tạo gas cho sản phẩm của họ. Ngành công nghiệp thịt cũng cần CO2 để làm ngạt gia súc trước khi giết mổ. Ngoài ra, CO2 cũng được sử dụng cho đá khô dùng để vận chuyển hàng đông lạnh.

Các công ty bia, nước giải khát và các nhà chế biến thịt  khắp châu Âu đang lo sốt vó vì hoạt động sản xuất của họ có thể bị đình trệ vì thiếu CO2.

Do thiếu CO2, hãng bia Aass Brewery của Na Uy đã dừng sản xuất, còn hãng bia Radeberger Gruppe của Đức đang thận trọng quản lý nguồn cung CO2. Chính quyền thủ đô Oslo của Na Uy thậm chí yêu cầu người dân hạn chế tưới vườn vì các nhà máy nước đang thiếu CO2 để xử lý nước.

Anh là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì hai nhà máy phân bón của CF Industries tại đây cung cấp đến 60% sản lượng CO2 của nước này.

Công ty Coca-Cola European Partners (Anh), nhà sản xuất, phân phối và tiếp thị các sản phẩm của Coca-Cola tại châu Âu, đã tạm thời dừng một số dây chuyền sản xuất, trong khi đó, siêu thị trực tuyến Ocado Group buộc phải hạn chế giao một số mặt hàng đông lạnh.

Warburtons, một doanh nghiệp bánh nướng gia đình đang sử dụng CO2 để đóng gói sản phẩm, đã phải giảm sản xuất bánh xốp. John Raquet, nhà phân tích ở Công ty tư vấn khí công nghiệp Spiritus, cho biết việc đóng cửa các nhà máy phân bón tác động nghiêm trọng đến nguồn cung CO2 ở Anh và có thể khiến công suất giết mổ gia súc giảm mạnh.

Các hiệp hội chế biến thịt cảnh báo việc thiếu CO2 có thể dẫn đến gia cầm có thể phải giữ nuôi lại các chuồng trại lâu hơn.

Một số công ty chế biến thịt gia cầm đã phải sử dụng lại cách giết gà bằng giật điện. Và một số công ty chế biến thịt chuyển sang sử dụng các loại khí khác để gây ngạt gia súc.

“Chẳng ai dự báo được tình hình này. Một số nhà máy giết mổ gia súc của chúng tôi sẽ không còn nguồn cung CO2 trong tuần này và họ chắc chắn phải đóng cửa…Chúng ta cứ nghĩ rằng vấn đề của hành tinh này là chúng ta có quá nhiều khí CO2. Giờ đây, chúng tôi phát hiện thấy rằng chúng ta đang thiếu khí này”, Nick Allen, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà chế biến thịt Anh, nói.

Nick Allen cho biết chính phủ đã yêu cầu ông thu thập dữ liệu về các tác động của thiếu khí CO2 đối với các nhà sản xuất thịt.

Ông nói: “Tôi nghe nói rằng hai nhà máy phân bón của CF Industries chưa có kế hoạch nối lại hoạt động rõ ràng”.

Ông cho biết thêm CO2 cũng được sử dụng trong hoạt động đóng gói để giúp bảo quản thực phẩm như thịt và xà lách trên kệ hàng lâu hơn. Đây là vấn đề quan trọng giữa lúc chuỗi cung ứng ở Anh đang đứt gãy do thiếu tài xế xe tải.

Các công ty chế biến thịt ở châu Âu đã tăng công suất dự trữ CO2 sau cuộc khủng hoảng thiếu CO2 vào năm 2018 nhưng nguồn dữ trự này cũng chỉ sử dụng được vài tuần.

Có thể đến tháng 9, nguồn cung ammonia, kèm theo đó là CO2, mới phục hồi trở lại, theo dự báo của tạp chí Fertilizer Week. Các nhà phân tích của Ngân hàng Berenberg nhận định nguồn cung CO2 thiếu hụt trong vòng 3-4 tuần có thể gây ra các vấn đề tương đối nghiêm trọng đối với ngành thực phẩm và giải khát ở châu Âu.

Ian Wright, Giám đốc điều hành Hiệp hội đồ uống và thực phẩm Anh, nói: “Chúng tôi lo ngại người tiêu dùng có thể đối mặt với ít sự lựa chọn đồ uống và thực phẩm hơn trên kệ hàng siêu thị nếu nguồn cung CO2 không phục hồi nhanh chóng”.

Francois Sonneville, nhà phân tích ở Ngân hàng Rabobank, cho rằng các hãng bia trong khu vực có thể bắt đầu hạn chế sản lượng của các thương hiệu có biên lợi nhuận thấp.

Tuy vậy, Fitch Ratings nhận định tình trạng thiếu CO2 có thể chỉ là tạm thời và sẽ không tác động lớn đến những hãng bia và đồ uống danh tiếng như Carlsberg, Anheuser-Busch InBev hay Coca-Cola European Partners.

Theo Financial Times, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới