Thứ Bảy, 1/04/2023, 04:44
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Ngành vận tải nhận thêm cú ‘trời giáng’

Thái Trinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Dịch Covid-19 ở Việt Nam tạm thời hạ nhiệt và nền kinh tế Việt Nam đang cố gắng hồi phục sau những suy trầm do dịch và thay đổi cách chống dịch từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn với dịch. Hầu hết các ngành trong nền kinh tế đều bị ảnh hưởng rất nặng nề và nặng nề nhất có lẽ là ngành vận tải và du lịch. Khi ngành vận tải vừa nhúc nhắc đôi chút thì lại hứng chịu một cú “đấm” trời giáng – giá xăng dầu tăng cao.

Giá xăng dầu tăng do nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên thế giới tăng nhanh, nhưng sản lượng khai thác dầu trên thế giới không tăng tương ứng, dẫn tới nguồn cung bị thắt chặt, từ đó dẫn đến giá xăng dầu trên thế giới tăng cao và Việt Nam cũng phải hứng chịu cú đòn này.

Vậy giá xăng dầu ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

Theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành cập nhật cho năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ sử dụng xăng dầu chiếm trong tổng chi phí trung gian khoảng 9%, chiếm trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình 1,5% và chiếm trong tổng giá trị sản xuất 6,4%. Tỷ lệ xăng dầu chiếm trong chi phí trung gian của toàn ngành vận tải khoảng 64% và chiếm trong giá trị sản xuất khoảng 43,8%; riêng đối với vận tải đường bộ và đường thủy tỷ lệ xăng dầu trong giá trị sản xuất trên dưới 50%.

Trong trường hợp giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến tổng chi phí trung gian tăng 0,82%, lúc đó chỉ số giá sản xuất (PPI) của cả nền kinh tế tăng khoảng 0,58%; riêng đối với nhóm ngành vận tải chỉ số giá PPI có thể tăng 3,2%, nhóm ngành vận tải đường bộ tăng giá sản xuất 4,5-5%.

Vận tải là ngành kinh tế huyết mạch của nền kinh tế. Nền kinh tế sử dụng đầu vào là dịch vụ vận tải chiếm trong tổng chi phí trung gian khoảng 2% và chiếm trong tổng giá trị sản xuất của nền kinh tế 1,2%. Trong trường hợp không thể tăng giá bán lẻ (do khách không chấp nhận), nhưng giá xăng dầu vẫn tăng trong đầu vào các ngành kinh tế và giá nhập khẩu, sẽ làm GDP giảm 2,02%.

Riêng đối với vận tải đường bộ và đường thủy giá trị tăng thêm giảm rất sâu. Theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành, trong trường hợp không thể tăng giá có thể dẫn đến giá trị tăng thêm của vận tải hành khách đường bộ giảm 11,3%; vận tải hàng hóa đường bộ giảm trên 20%…

Như vậy, nếu không thực sự quan tâm đến nhóm ngành vận tải thì nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng suy trầm không thể tưởng tượng. Một số địa phương vẫn có những quy định rất ngặt nghèo và thái quá đối với hoạt động vận tải. Mới đây chính quyền Hà Nội dự kiến thu phí ô tô vào nội đô với lý do tránh ô nhiễm khiến ngành vận tải có cảm giác bị đánh hội đồng. Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả các tỉnh đều áp dụng chính sách ô tô vào tỉnh mình đều mất phí như Hà Nội với một lý do nào đó?

Nghiên cứu từ bảng cân đối liên ngành của Tổng cục Thống kê cho thấy thủ phạm chính gây nên ô nhiễm khí nhà kính không phải là ngành vận tải và tiêu dùng cuối cùng, mà là ở phía cung với nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ở phía cầu là xuất khẩu của khu vực FDI!

Từ đầu năm 2021 giá dầu thô thế giới đã tăng gần 60%, từ 51,8 đô la Mỹ lên 81 đô la Mỹ/thùng. Việt Nam cũng là một nước hưởng lợi từ việc giá dầu thô tăng mạnh. Tuy nhiên việc giá dầu thô tăng phía Việt Nam chỉ được hưởng lợi một phần, phần còn lại là các đối tác nước ngoài trong các dự án khai thác dầu khí hưởng.

Thay cho những gói hỗ trợ, chính quyền trung ương và địa phương cần thống nhất không đưa ra các quyết định gây khó khăn bất lợi cho người dân và doanh nghiệp. Không nên để người dân và doanh nghiệp sợ các quyết định và cách hành xử của chính quyền hơn cả sợ Covid-19.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới