Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành xây dựng lao đao vì thiếu thợ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành xây dựng lao đao vì thiếu thợ

Nhiều công trình xây dựng tại TPHCM gặp khó khăn do thiếu trầm trọng thợ lành nghề – Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp xây dựng TPHCM hiện không chỉ đối phó giá nguyên vật liệu tăng lên từng ngày mà còn lao đao vì tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề khi mùa xây dựng năm 2008 mới bắt đầu.            

TPHCM sẽ trở thành “đại công trường”            

Hồi cuối tháng 1, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn cho phép các doanh nghiệp xây dựng và chủ đầu tư được điều chỉnh giá nguyên vật liệu chủ yếu bị tăng giá đột biến trong thời gian vừa qua, ngoài ra còn được điều chỉnh hợp đồng trọn gói sang hình thức hợp đồng theo đơn giá. Điều này giúp doanh nghiệp phần nào bớt đi nỗi lo trước bài toán thua lỗ vì giá vật liệu tăng đột biến.

Tuy nhiên, chưa hết mừng đã vội lo, các doanh nghiệp hiện đang vấp phải một khó khăn, đó là thiếu hụt lực lượng lao động xây dựng có tay nghề để phục vụ cho mức độ xây dựng của thành phố trong năm nay, dự báo sẽ tăng cao.

Ông Lê Thành Công, Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng TPHCM, cho biết mức độ xây dựng của thành phố sẽ tăng trên 100% so với năm 2007. Trong năm nay, khi hầu hết các dự án được triển khai và thành phố trở thành một “đại công trường”, lao động có tay nghề và kỹ sư giám sát ngành xây dựng sẽ thiếu trầm trọng.

Theo ông Công, hiện tại thành phố có khoảng 600 doanh nghiệp xây dựng, mỗi doanh nghiệp có khoảng 70 thợ lành nghề, tổng cộng có 42.000 thợ lành nghề. Trong khi đó, nhu cầu đủ cho mức độ xây dựng của thành phố từ đầu năm nay đã là gần 100.000 thợ.

Trong thời gian qua, có hiện tượng dòng thợ có tay nghề chảy ngược từ thành phố ra các tỉnh thành khác, đặc biệt là những địa phương phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các khu công nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng tại TPHCM từ cuối năm ngoái đã tăng mức lương từ 120.000 lên 150.000 đồng/ngày đối với thợ bậc cao, lương kỹ sư giám sát được tăng từ 5 triệu đồng lên 7 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không thể giữ chân họ. Các doanh nghiệp nước ngoài tại thành phố cũng đang “giành giật” người lao động bằng cách trả lương cho thợ bậc cao và kỹ sư khá hậu hĩnh, khoảng 800 – 1.200 đô la Mỹ/tháng cho một kỹ sư giám sát công trình.

“Phản hồi từ khoảng 200 doanh nghiệp xây dựng của hiệp hội mới đây cho thấy, hiện các doanh nghiệp xây dựng trong hiệp hội đang rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu hụt thợ có tay nghề để thực hiện các công trình được khởi công ngay trong đầu năm nay”, ông Công nói.

“Đỏ mắt” tìm thợ  

Ông Nguyễn Mạnh Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại 289 ở quận Bình Tân, than thở: “Thợ lành nghề đang là vấn đề khá đau đầu đối với công ty chúng tôi khi đầu năm nay, chúng tôi phải thi công thêm khoảng 15 công trình rải rác ở các quận huyện, kéo theo nhu cầu về lực lượng thợ có tay nghề tăng khoảng 30%. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa biết tìm đâu ra đủ thợ”.

Theo ông Ninh, công ty phải mất khoảng 3 năm để đào tạo được một thợ có tay nghề cao. Song sau khi lành nghề, nhiều người lại không chấp nhận mức lương 5 triệu đồng/tháng nên đi tìm nơi có mức lương cao hơn.

Trước đây, công ty ông Ninh có trên 1.000 công nhân, nhưng mỗi lần thay đổi công trình lại mất đi khoảng 20 thợ có tay nghề.

Cùng cảnh ngộ như ông Ninh, ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng HALA chuyên sản xuất cấu kiện bê tông ở quận Tân Bình, cũng đang lâm vào cảnh “đỏ mắt đi tìm thợ” khi hợp đồng các công trình thi công đầu năm nay đã ký cuối năm ngoái, nhưng thợ có tay nghề thì không dễ tìm.     

“Chúng tôi đang cần thêm khoảng 100 lao động nữa, trong đó có khoảng 40 thợ có tay nghề để mùng 8 Tết (14-2), tốt ngày, khởi công ba công trình mới, nhưng kiếm mãi cũng chưa đủ thợ”, ông Vân cho chúng tôi biết qua điện thoại sáng 13-2, trong khi đang rong ruổi tận Đà Lạt để tìm thợ. 

Còn ông Ninh, để “chữa cháy” tạm thời tình trạng thiếu hụt thợ, ông đã phải liên hệ hết các bà con, họ hàng tận các tỉnh phía Bắc để tuyển thêm lao động kể từ sau Tết đến nay.   

Theo ông Vân, muốn giữ chân và thu hút được thợ có tay nghề làm việc lâu dài tại công ty thì phải nâng mức lương lên khoảng 6-8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trước tình trạng giá cả nguyên vật liệu tăng bất thường như hiện nay, trong khi việc thỏa thuận điều chỉnh giá nguyên vật liệu trong hợp đồng với chủ đầu tư không phải dễ, nếu trả lương thợ cao hơn thì sau khi xong công trình, chỉ có từ huề tới lỗ.

VĂN NAM 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới