Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành y tế chưa đưa ra được những giải pháp dài hơi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành y tế chưa đưa ra được những giải pháp dài hơi

Đào Loan

(TBKTSG Online) – Chiều nay (22-11), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề quá tải bệnh viện, quản lý giá thuốc nhưng chưa đưa ra được những biện pháp căn cơ và lâu dài để giải quyết.

Quá tải bệnh viện: Vẫn chưa có giải pháp dài hơi

Theo bộ trưởng, nguyên nhân chính gây nên tình trạng quá tải bệnh viện là do tần suất khám chữa bệnh tăng, có nhiều thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát ra và do người dân quan tâm hơn đến sức khỏe, và cả những căn bệnh của thời hiện đại như tim mạch, gout… tăng lên thay vì chỉ là những bệnh nhiễm trùng như trước đây. Ba năm kể từ khi thực hiện kế hoạch giảm tải bệnh viện, ngành y tế đã giải quyết số lượng bệnh nhân phải nằm ghép ở bệnh viện từ 15.000 người còn 6.000 người.

Hiện số giường bệnh ở Việt Nam chỉ là 20 giường/1 vạn dân, thấp hơn nhiều so với 33 giường/1 vạn dân của khu vực châu Á. Ngành y tế đang giải quyết tình trạng quá tải bằng các biện pháp tình thế và tạm thời như rút ngắn thời gian chữa bệnh, giảm diện tích khu hành chính để tăng diện tích khu chữa bệnh, tăng cường bác sĩ tuyến trung ương, thành phố về nông thôn để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên, những giải pháp lâu dài như xây dựng bệnh viện, đào tạo nguồn nhân lực vẫn chưa được thực hiện rốt ráo. Quốc hội đã phê chuẩn việc dùng trái phiếu chính phủ để cải tạo và nâng cấp 645 bệnh viện huyện nhưng

Bộ trưởng: Không hứa sẽ giải quyết quá tải bệnh viện trong 2 năm

Trả lời đại biểu Trần Thị Kim Phương của Hà Nội về lời hứa này, bộ trưởng cho rằng “đây chỉ là câu chuyện tầm phào” và không nói thế. Bộ Y tế quyết tâm giảm được bao nhiêu thì dân đỡ khổ bấy nhiêu chứ còn 2 năm, 3 năm hay 4 năm thì chưa bao giờ nói.

đến nay ngân sách chỉ mới phân bổ được 65% kinh phí. Tỷ lệ này ở các bệnh viện tuyến tỉnh chỉ mới được phân bổ 75% kinh phí, chậm hơn so với kế hoạch kinh phí phải phân bổ đủ trong năm nay.

Giải thích về sự chậm trễ này người đứng đầu Bộ Y tế nói: “Điều này không thuộc phạm vi của chúng tôi mà thuộc Ban Ngân sách của Quốc hội”.

Kế hoạch cấp vốn để thực hiện kế hoạch trên là 62.000 tỉ đồng nhưng đến nay do trượt giá, do tách huyện… đã tăng thêm đến 16.000 tỉ đồng.

Người đứng đầu ngành y tế đồng tình với nhận định rằng ngành y tế có ba điểm “nghẽn” về cơ chế tài chính, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực và cho biết đang có những biện pháp để giải quyết. Tuy nhiên, ông chưa đưa ra được những biện pháp có thể được gọi là “cú đấm” thực sự, chẳng hạn một trong những biện pháp về phát triển nguồn nhân lực là tăng tuổi hưu để nhiều bác sĩ có thể phục vụ lâu hơn.

Vấn đề giá thuốc: Day dứt lắm!

Vấn đề giá thuốc được đặt ra khá nhiều trong phần chất vấn chiều nay. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng không đưa ra được những giải pháp về khâu sản xuất nguyên liệu, thành phẩm thuốc hay những biện pháp quản lý để giải quyết tình trạng này.

Bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh ít hơn

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Bình ở Hải Phòng về những giải pháp để giải quyết tình trạng ngày càng nhiều bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh, bộ trưởng cho rằng bệnh nhân ra nước ngoài ngày càng giảm nhưng không đưa số liệu để chứng minh. Ông nói: “Những gì khu vực làm được, quốc tế làm được thì chúng ta làm được. Đã có trên 300 bác sĩ trẻ người nước ngoài đến Việt Nam học”.

Bộ trưởng cho rằng, vấn đề giá thuốc là “day dứt lắm” nhưng phần lớn những câu trả lời được đưa ra đều dẫn những so sánh của Việt Nam so với các nước khác để cho thấy rằng nhiều nước cũng gặp vấn đề về quản lý giá thuốc, nhất là đối với khoảng 5% những thuốc mới phát minh, chuyên khoa, vấn đề nhập quá nhiều nguyên liệu từ nước ngoài ….

Bộ trưởng nói về mô hình quản lý giá, thông báo giá hiện nay như thế nào nhưng chưa đưa ra biện pháp xử lý nếu doanh nghiệp vi phạm và những giải pháp mới cho vấn đề giá thuốc. Theo ông, 95% mặt hàng thuốc hiện nay thuộc vào “thị trường hoàn hảo”, có nghĩa là có đủ số hàng và cạnh tranh công khai minh bạch.

Theo ông, tỷ lệ thuốc trong nước sản xuất tăng gấp 5 lần từ năm 2001 đến 2009. Tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu thuốc tăngg từ 32% năm 2001 lên 50% năm 2009. Nhờ đó đã giảm tỷ lệ thuốc nhập khẩu xuống còn 50%. Hiện nay, công nghiệp dược của Việt Nam còn nhập 95% nguyên liệu sản xuất. Đây cũng là tình hình chung của nhiều nước trên thế giới.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng của Đắc Lắc nêu vấn đề là tại sao chúng ta bị lệ thuộc vào một số công ty dược nước ngoài và tại sao chúng ta chưa sản xuất ra 1 gam thuốc kháng sinh và vitamine nào. Bộ trưởng cho biết Việt Nam đã sản xuất được kháng sinh và nhiều loại vắc-xin.

Theo bộ trưởng thì khó có tình trạng ngoại tệ tăng thì giá thuốc tăng vì giá thuốc đã đấu thầu cho cả năm. Nếu giá ngoại tệ tăng thì nhà cung cấp chịu thiệt còn giảm thì được lợi nhiều. Tuy nhiên, bộ trưởng cũng không đưa ra được so sánh giá thuốc tăng hay giảm như thế nào so với đồng đô la Mỹ hay euro để dẫn chứng cho câu trả lời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới