Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngập lụt đô thị sẽ nghiêm trọng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngập lụt đô thị sẽ nghiêm trọng

Đá Bàn

(TBKTSG) – Các tham luận trình bày tại hội thảo “Quy hoạch xây dựng TPHCM với vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội”(*) cho thấy nhiều khu vực của TPHCM đang bị sụt lún và chìm xuống khi nước biển dâng.

Khi nước tấn công thành phố

Theo ông Lưu Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch môi trường đô thị – nông thôn, tốc độ phát triển hệ thống thoát nước của TPHCM hiện chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Bên cạnh đó, yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng chưa được quan tâm đúng mức trong các đồ án quy hoạch đô thị. Vậy nên vấn đề ngập lụt đô thị đang ngày càng trở nên nghiêm trọng đối với TPHCM.

Do đó, từ năm 2008, TPHCM đã lập quy hoạch thủy lợi chống ngập úng nhằm giải quyết từng bước hiện tượng ngập do triều cường và điều tiết lũ thượng nguồn. Kế hoạch thực hiện tuyến đê bao khép kín từ Bến Súc đến sông Kinh Lộ, với 13 cổng kiểm soát triều và cải tạo các kênh trục cũng như xây các hồ điều tiết nước cũng đã được vạch ra.

Đến nay, một số dự án trong kế hoạch nói trên đã được triển khai như dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè; Tàu Hủ – Bến Nghé – kênh Đôi – kênh Tẻ; Tân Hóa – Lò Gốm; các dự án thủy lợi bờ hữu, bờ tả sông Sài Gòn; các dự án chống ngập lụt khu vực nội thành như dự án Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, cải tạo rạch Cầu Sa, suối Nhum…

Và, theo Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu TPHCM, giai đoạn 2011-2015, thành phố sẽ thực hiện tiếp 30 dự án ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đối phó với kịch bản nước biển dâng 75 cen ti mét (khi đó diện tích bị ngập của thành phố là 204 ki lô mét vuông, ảnh hưởng trực tiếp đến 154/322 phường, xã). Bốn lĩnh vực được ưu tiên đầu tư là tài nguyên nước, năng lượng, quản lý chất thải và quản lý tài nguyên đất. Tổng kinh phí cho các dự án này khoảng trên 4.000 tỉ đồng.

Một lãnh đạo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho biết các dự án chống ngập đang triển khai đã có hiệu quả bước đầu. Số điểm ngập ở khu vực trung tâm thành phố đã giảm từ 221 điểm năm 2008 xuống còn 40 điểm năm 2011. Tuy nhiên, do hầu hết các khu vực phát triển đô thị mới chưa có quy hoạch chi tiết hệ thống thoát nước nên số điểm ngập đang tăng lên tại khu vực ngoại vi thành phố.

Nằm trong danh sách 10 thành phố bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, theo đánh giá của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, nếu không có chiến lược đúng đắn, cụ thể và rõ ràng ngay từ bây giờ thì nguy cơ TPHCM chìm trong nước trong tương lai là điều khó tránh khỏi. Nghiên cứu của Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM) cho thấy đến năm 2050 sẽ có khoảng 30-70% hệ thống giao thông của TPHCM có nguy cơ ngập lụt; gần 70% diện tích đất nông nghiệp có nguy cơ nhiễm mặn; khoảng 50% nhà máy cấp nước mặt và nước ngầm, 60% nhà máy xử lý nước thải và 90% bãi chôn lấp rác thải có nguy cơ ngập lụt…

Quy hoạch đô thị thích nghi

Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngập úng đô thị của TPHCM, từ đó đề xuất những định hướng, giải pháp phát triển đô thị cho thích nghi với hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo đó, nguyên nhân đầu tiên được xác định là ngập úng do địa hình, điều kiện khí tượng, thủy văn, hải văn. Dễ nhận thấy là 70% đất đô thị của TPHCM có độ cao dưới hai mét so với mực nước biển. Đã vậy, hiện tượng đô thị hóa nhanh và tràn lan trong thời gian gần đây khiến hàng ngàn héc ta đất chứa nước đã biến mất.

Hiện tượng san lấp kênh rạch, ao hồ để xây dựng nhà cửa (điển hình là khu vực phía Nam thành phố) quá ồ ạt. Chỉ trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây có đến 47 con kênh với tổng diện tích 16,4 héc ta bị biến mất; hồ Bình Tiên rộng 7,4 héc ta, hồ chứa nước quan trọng của thành phố cùng vô số ao hồ khác đã bị san lấp… Chỉ trong tám năm, từ 2002-2009, khả năng chứa nước của hệ thống ao hồ và vùng ngập nước trong thành phố giảm gần 10 lần.

Khi hệ thống kênh rạch tiêu thoát nước cho thành phố giảm đáng kể, hệ thống ao hồ điều tiết nước biến mất gần hết thì khả năng “chống đỡ” với triều cường, nước mưa và việc xả lũ không còn nữa. Vì vậy ngập lụt đô thị là điều đương nhiên. Đó là chưa kể, diện tích cây xanh giảm sút, khai thác nước ngầm quá mức và “rừng” nhà cao tầng cũng gây sụt lún đô thị. Theo Trung tâm Địa tin học, Đại học Quốc gia TPHCM, hơn 10 năm qua nhiều khu vực ở TPHCM đang lún nhanh (20-30 cen ti mét) và không có dấu hiệu dừng lại.

Nguyên nhân ngập do biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao chưa có biểu hiện rõ nhưng theo các chuyên gia, trong tương lai, các dự án đã và đang thực hiện việc chống ngập hiện nay có thể sẽ nhanh chóng lạc hậu khi mực nước biển dâng. Các giải pháp kiểm soát ngập truyền thống dựa trên dự án sẽ kém tác dụng và cần bổ sung bằng các giải pháp mềm dẻo và bền vững hơn.

______________________________________________________________________________

(*) Hội thảo do UBND TPHCM và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức hôm 16-3-2012.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới