Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngày chẵn, ngày lẻ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngày chẵn, ngày lẻ

Sáu Ca

(TBKTSG) – Rất dễ thấy khi đề xuất lên cấp có thẩm quyền một vấn đề gì thì thường cơ quan tham mưu chuyên ngành bao giờ cũng phụ họa thêm phần “thông lệ nước ngoài” vào cho an toàn, nếu có bị phản đối thì cũng còn có đường “rút” cho… khách quan.

Điển hình nhất cho kiểu tư duy này là đề xuất gần đây của Sở Giao thông Công chánh TPHCM về việc cho ô tô vào thành phố theo ngày chẵn – ngày lẻ với lý do “…tình trạng kẹt xe ở khu vực trung tâm thành phố ngày càng nghiêm trọng. Lượng khí thải do các phương tiện thải ra môi trường đã đến mức báo động. Vì vậy, cần hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông vào khu vực trung tâm”.

Và cũng rất dễ hiểu khi sau đề xuất là ý kiến phát biểu “hạn chế ô tô lưu thông theo ngày chẵn, lẻ cũng được một số nước trên thế giới áp dụng và đã đạt được những thành công nhất định”. Nhưng “một số nước” là gồm những nước nào để có thể tham khảo, đối chiếu thì không thấy nhắc đến và “thành công nhất định” là thành công ra sao cũng chẳng hề có thêm thông tin nào cụ thể. Trong thực tế, ở các nước nếu có áp dụng cách thức hạn chế này thì hệ thống giao thông công cộng đã phát triển tốt, đủ sức trở thành một chọn lựa thay thế cho người dân. Giả như chính quyền thành phố đồng ý đề xuất này thì giải pháp tư vấn được đưa ra trước mắt là “xây dựng ngay một trung tâm điều khiển giao thông hiện đại, lắp đặt hệ thống camera quan sát để nhận diện biển số…”.

Có lẽ không cần phải nói thêm về mặt tốn kém, lãng phí cũng như khả năng gây xáo trộn rất lớn trong đời sống, sinh hoạt của toàn xã hội nếu đề xuất trên được thực thi, đằng sau đó là hàng loạt vấn nạn được đặt ra mà chưa thấy có lời đáp? Chẳng hạn, quy định trên sẽ áp dụng cho những loại xe nào và giải quyết ra sao trước thực tế biển số xanh, biển số trắng – xe nhà, xe chính quyền – xe doanh nghiệp, xe khách, xe tải – xe TPHCM, xe từ các tỉnh… Rồi “khu vực trung tâm” là khu vực được giới hạn bởi những con đường nào. Những hộ dân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các sở ngành, khách du lịch quốc tế… sẽ đi lại ra sao?

Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nên nếu quy định “chẵn – lẻ” thì có vi phạm gì về việc “tài sản của công dân được pháp luật bảo hộ” hay không? Còn nếu có những “ngoại lệ” thì hệ quả trước mắt là luật pháp không nghiêm và chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng “chạy” biển số (hay giấy phép) để được hưởng những ngoại lệ đó. Điều lạ là đề xuất này đã được đưa ra từ cách đây bốn năm và cũng bị phản đối đến mức phải rút lại nhưng nay lại được khơi lại trong khi giải pháp đưa ra vẫn không có gì mới. Vậy đưa ra đề xuất để làm gì?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới