Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngày mai, ô tô được đi 120km/giờ trên cao tốc Long Thành–Dầu Giây

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngày mai, ô tô được đi 120km/giờ trên cao tốc Long Thành–Dầu Giây

Lê Anh

(TBKTSG Online) – Từ ngày mai 1-11 các loại ô tô đi đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây được chạy với tốc độ tối đa 120 km/giờ, riêng cầu Long Thành vẫn giữ nguyên tốc độ 100 km/giờ như hiện nay.

Ngày mai, ô tô được đi 120km/giờ trên cao tốc Long Thành–Dầu Giây
Đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây hiện nay đang cho xe chạy với tốc độ 100 km/ giờ – Ảnh: Anh Quân

Ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC-E), đơn vị được giao khai thác, quản lý đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây cho biết, để đảm bảo an toàn cho xe chạy với tốc độ 120 km/giờ, công ty đã thay thế đồng bộ các biển báo tốc độ.

Tuy nhiên, đơn vị khai thác khuyến cáo lái xe phải thường xuyên kiểm tra lốp xe trước khi vào đường cao tốc, không sử dụng lốp đã quá thời hạn, sử dụng lốp có chỉ số phù hợp với tốc độ vận hành trên đường cao tốc… Đặc biệt lái xe không được dùng lốp đắp, nứt, vỡ và thường xuyên kiểm tra áp suất lốp xe.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định cho phép các xe đi đường cao tốc TPHCM  – Long Thành – Dầu Giây và Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) đi với tốc độ tối đa 120 km/giờ. Còn tuyến đường vành đai 3 (Hà Nội) đoạn từ phía Bắc cầu Thanh Trì đến nút giao Mai Dịch được đi với tốc độ tối đa 100 km/giờ. Hiện tại, 3 tuyến đường trên quy định tốc độ tạm thời thấp hơn so với mức thiết kế.

Trao đổi thêm với TBKTSG Online về việc cho xe chạy với vận tốc tối đa trên đường cao tốc, chuyên gia giao thông Phạm Sanh tỏ ra lo ngại khi việc lưu thông trên đường cao tốc hiện nay khá lộn xộn. Vị chuyên gia này khuyến cáo, trước khi cho nâng tốc độ, Bộ Giao thông Vận tải cần có một nghiên cứu về sự an toàn khi cho xe chạy với tốc độ 120 km/giờ.

“Hiện tại, các vấn đề an toàn của đường cao tốc vẫn còn rất chung chung. Ví dụ, như vụ xe khách đâm xe bồn tưới cây ở đường cao tốc TPHCM – Trung Lương hồi tháng 4-2014 khiến 7 người chết cho thấy điều đó. Tôi cho rằng không nên vội vã cho lên 120km/giờ nếu chưa có tính toán cụ thể khi tai nạn xảy ra sẽ rất nguy hiểm”, ông Sanh nói.

Theo ông Sanh, để cho xe chạy với tốc độ 120 km/giờ cần có thêm các quy định về điểm vượt. Đồng thời, không nên quy định vận tốc khác nhau ở mỗi đoạn, như vậy rất dễ xảy ra tai nạn khi các xe vượt nhau.

Tương tự, ông Vũ Xuân Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Bách Khoa nhận định, việc Bộ GTVT cho phép xe chạy với vận tốc 120 km/ giờ là phù hợp, bởi các thông số kỹ thuật khi thiết kế và xây dựng để đảm bảo cho xe chạy với vận tốc này.  Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng cần phải rà soát tính toán lại cự ly xem có còn phù hợp khi cho xe chạy với vận tốc 120 km/giờ hay không?

Đồng thời, đơn vị quản lý đường cao tốc phải luôn duy tu bảo dưỡng mặt đường bằng phẳng, bởi khi xe chạy với vận tốc 120 km/giờ mà gặp phải một ổ gà nhỏ cũng rất dễ xảy ra tai nạn.

Trước đây, một số đường cao tốc như TPHCM – Trung Lương ban đầu cũng cho xe chạy với vận tốc tối đa là 120 km/giờ, song sau đó phải điều chỉnh xuống còn 100 km/giờ do liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn do nổ lốp xe và lái xe không xử lý kịp tình huống trên đường.

Đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đã đưa vào khai thác 20 km đoạn từ đường vành đai 2 TPHCM đến quốc lộ 51 tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, đoạn này cho phép xe đi với tốc độ 100 km/giờ.

Đoạn còn lại dài hơn 30 km đang được thi công, theo kế hoạch lẽ ra hoàn thành vào cuối năm nay, tuy nhiên do vướng giải phóng mặt bằng và đấu thầu lại một gói thầu nên phải đến năm 2015 mới hoàn thành.

Mời đọc thêm:

>> Được đi tốc độ tối đa trên đường cao tốc

>> Từ 28-8, mọi ô tô được đi đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới