Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngày xuân đến, lại bàn chuyện có nên gộp tết hay không

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngày xuân đến, lại bàn chuyện có nên gộp tết hay không

Yên Minh

(TBKTSG Online) – Khi cái Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang đến gần, cộng đồng mạng lại tiếp tục cuộc tranh luận về việc gộp Tết cổ truyền với Tết Dương lịch để hội nhập và tránh lãng phí.

Ngày xuân đến, lại bàn chuyện có nên gộp tết hay không
Giữ gìn, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa của Tết cổ truyền có lẻ là điều mà mỗi cá nhân chúng ta đều muốn hướng đến. Ảnh minh họa: Thành Nguyễn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã bày tỏ nỗi buồn khi nhắc đến sự hoang phí trong ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam, từ người dân, doanh nghiệp cho đến chính quyền và các cơ quan ban ngành. Lý giải về việc này, bà Phạm Chi Lan cho rằng một phần nguyên nhân là do tính sĩ diện và nền tảng văn hóa còn thấp của một số cá nhân.

Còn GS. TS Võ Tòng Xuân, người cách đây 11 năm đã từng làm "nóng" dư luận xã hội khi đề xuất lên Chính phủ giải pháp nhập Tết Âm lịch và Tết Dương lịch thành một, cho rằng Nhật Bản đã đổi ngày ăn Tết theo dương lịch từ năm 1873. Đất nước có tư duy dám đổi mới như thế cách đây 145 năm, thì tư duy đó mới làm được những việc lớn cho quốc gia phồn thịnh như ngày nay. Theo ông, Việt Nam đang ở trong giai đoạn Chính phủ có tư duy đổi mới, hy vọng trong tương lai gần Nhà nước cũng thấy cần tăng tính cạnh tranh của người Việt bằng cách sử dụng hiệu quả nhất thời gian của từng người lao động. Khi tiến tới mức đó, người lao động có công ăn, việc làm thì sẽ không nhất thiết phải có kỳ nghỉ Tết dài.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng Khoa Tuyên truyền của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng với nước ta, Tết Nguyên đán đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, là bảo tàng lịch sử văn hóa dân tộc, chứa đựng những giá trị sâu sắc nhất. Tết mang ý nghĩa bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, lưu truyền những tinh hoa để làm nên đặc trưng, bản sắc dân tộc. Nếu bỏ Tết, bà Hồng sợ chúng ta sẽ bỏ đi rất nhiều giá trị và đó là tổn thất với văn hóa đất nước.

Ngô Di Lân, nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Brandeis, Mỹ, chia sẻ rằng Tết không chỉ là dịp để gia đình sum vầy đầm ấm bên nhau mà còn đem lại cho người ta cảm giác ấm áp, bởi đó không chỉ là ngày lễ mà còn là ý niệm, cảm xúc trong tim của mỗi chúng ta. Theo anh, Tết đến khiến mỗi người nhớ về cảm giác được ngồi gói bánh chưng với cả nhà, nhớ đến cảm giác ngồi sau yên xe của mẹ khi đi chọn cành đào, cành quất. "Tết giúp chúng ta nhớ mình là ai, mình đến từ đâu, gia đình của mình ở đâu…"

Thay vì bỏ Tết cổ truyền, anh Lân đề xuất chúng ta có thể nghỉ ngắn đi một đôi ngày, có thể bớt ăn nhậu đi một chút và dành thời gian nghỉ Tết một cách có hiệu quả hơn… Đó là những sự điều chỉnh mà mỗi cá nhân chúng ta đều có thể thực hiện ngay Tết này.

Có thể nói, với quá trình hình thành và phát triển lâu dài của lịch sử dân tộc, Tết Nguyên đán đã chứng minh những giá trị về mặt kinh tế-xã hội lẫn các giá trị văn hóa, đạo đức để tồn tại đến ngày hôm nay. Chính vì vậy, ngày lễ này không chỉ là dịp để mọi thành viên trong gia đình trở về quây quần đón thời khắc giao thừa thiêng liêng mà còn là nền tảng tạo động lực cho việc duy trì và phát triển xã hội. Việc gìn giữ Tết cổ truyền như một giá trị văn hóa và việc xây dựn văn hóa nghỉ Tết, có lẽ, cần được thực hiện song hành cùng nhau.

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, việc duy trì hay hội nhập Tết cổ truyền cũng là điều đáng để chúng ta quan tâm và suy nghĩ về ý tưởng này một cách thận trọng, để từ đó mỗi người trong chúng ta, tự có những quyết định, những sự điều chỉnh phù hợp đối với bản thân mình và với xu hướng phát triển hướng tới những giá trị văn minh, bền vững.

Vị trí đặt bình chọn

Mời bạn đọc cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới