Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghệ nhân tất bật chuẩn bị linh vật cho đường hoa Tân Sửu 2021

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghệ nhân tất bật chuẩn bị linh vật cho đường hoa Tân Sửu 2021

Thành Hoa

(TBKTSG Online) – Còn khoảng 10 ngày nữa là các linh vật đường hoa Nguyễn Huệ năm nay sẽ được tập kết để kịp lịch thi công đường hoa. Những ngày này, các nghệ nhân đang gấp rút làm việc ngày đêm để kịp tiến độ công việc. 

Nghệ nhân tất bật chuẩn bị linh vật cho đường hoa Tân Sửu 2021
Theo nghệ nhân Văn Tồng (người thiết kế linh vật đường hoa Nguyễn Huệ) đến nay công việc đạt khoảng 70%, chỉ còn lại các công đoạn như sơn, phết trước khi bàn giao linh vật cho đội ngũ thi công đường hoa. 
Mút xốp là vật liệu được dùng để tạo hình phần thô của linh vật trâu. Các vật liệu thân thiện với môi trường như lá sen, vỏ tràm được dùng để tạo hình bên ngoài.
Với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh: Văn minh – Hiện đại – Nghĩa tình”, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu 2021 kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, vị thế tiên phong của TPHCM trước vận hội mới.
Đường hoa Nguyễn Huệ 2021 là đường hoa thứ 18 được thực hiện trong dịp Tết cổ truyền tại trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, kể từ lần đầu tiên vào năm 2004. Công trình do Ủy ban Nhân dân TPHCM chỉ đạo, với sự chủ trì thực hiện của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) phối hợp với các sở ban ngành cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp tại thành phố.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu sẽ mở cửa phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân thành phố và du khách từ 19g00 ngày 9-2 đến 21g00 ngày 15-2-2021 (tức từ 28 tháng Chạp Âm lịch đến mùng 4 Tết). Thời gian thi công sẽ diễn ra từ ngày 25-1 đến 16g00 ngày 9-2-2021 (tức từ ngày 13 đến 28 tháng Chạp năm Canh Tý).
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2021 được chia thành hai chương, gồm “Con đường hội tụ bản sắc” và “Con đường hướng tới tương lai”, với 13 phân cảnh lớn, nhỏ khác nhau. Dưới đây là bốn điểm nhấn độc đáo, tạo nét khác biệt cho Đường hoa năm nay.
Đầu tiên là linh vật của năm Tân Sửu – Trâu, được dân gian gọi thân thương là “bạn của nhà nông”. Linh vật trâu vừa là nguồn cảm hứng trong ca dao, câu hò, điệu lý vừa là một con vật sống gần gũi với con người, với thiên nhiên. Hình ảnh đàn trâu cặm cụi cày bừa, hay những chú trâu da đen nhẻm căng bóng, lấm lem bùn lầy, gương mặt hiền lành lững thững, rong ruổi trên cánh đồng mênh mông để mang về những mùa gặt bội thu, ruộng lúa trĩu bông thể hiện sự no đủ, phồn vinh và an yên. Thay vì tạo hình trâu được nhân cách hóa như những linh vật của các năm trước, linh vật trâu năm nay được thiết kế bằng ngôn ngữ mới thiên về tính tạo hình và kiến trúc.
Hình tượng đàn trâu ở chương II biểu trưng cho sự phát triển vững chãi, coi trọng giá trị tinh thần và duy trì bảo tồn những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc.
Thiết kế 26 linh vật trâu đa dạng từ các chú nghé đến những đàn trâu to khỏe, thân thiện được tạo hình cách điệu bằng các vật liệu truyền thống, gần gũi với thiên nhiên và thân thiện với môi trường như lá sen – linh vật cổng Đường hoa, mây tre – đại cảnh Bức tranh đồng dao, vỏ cừ tràm – linh vật ở khu nông nghiệp công nghệ cao.
Cũng ở chương II, tiểu cảnh mùa len trâu, một đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ Nam Bộ, dựng lên không gian cầu và nước mát mẻ, hài hòa, vừa mang màu sắc hiện đại, vừa lưu giữ nét truyền thống thân thuộc của làng quê. Hình ảnh và phối cảnh do Saigontourist Group cung cấp. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới