Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghệ thuật đương đại: giữa sáng tạo và đạo nhái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghệ thuật đương đại: giữa sáng tạo và đạo nhái

TS. Lê Thiên Hương

(KTSG) – Những ngày gần đây, giới nghệ thuật, và những người quan tâm tới sở hữu trí tuệ bàn tán nhiều đến một vụ triển lãm nghệ thuật đương đại – mang tên “Plus by Bao Nam”. Tác giả buổi triễn lãm này đang bị cáo buộc là đạo nhái một số tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ở nước ngoài.

Nghệ thuật đương đại: giữa sáng tạo và đạo nhái
Một tác phẩm trong triển lãm “Plus by Bao Nam” bị cho là đã sao chép từ một tác phẩm ở nước ngoài.

Cho dù ông đã thêm thắt những chi tiết khác biệt, khó có thể phủ nhận sự giống nhau chủ đạo giữa những gì ông trình bày trong triển lãm với những tác phẩm đã được phổ biến trước đó.

Vụ việc này một lần nữa cho thấy lằn ranh giữa sáng tạo và đạo nhái trong nghệ thuật đương đại, nơi luật bản quyền cần được áp dụng một cách uyển chuyển hơn để đảm bảo đúng nguyên tắc căn bản của nó – khuyến khích thúc đẩy sáng tạo.

Ở bất cứ hệ thống luật bản quyền nào, cho dù là hệ thống copyright kiểu Anh – Mỹ, hay hệ thống droit d’auteur của Pháp, thì ý tưởng không bao giờ có thể thuộc về sở hữu cá nhân. Điều đó có nghĩa là luật bản quyền chỉ bảo vệ tác phẩm đã được thể hiện dưới một dạng cụ thể.

Ngược lại, ý tưởng và khái niệm được coi là tự do sử dụng, không thể bị ngăn cấm bởi luật bản quyền. Nguyên tắc này bắt nguồn từ quyền tự do sáng tạo, và vì thế luật bản quyền có mục đích ngăn cản sự sao chép máy móc, tầm thường, chứ không hạn chế việc “lấy cảm hứng” từ một ý tưởng đã có sẵn.

Nguyên tắc của luật bản quyền hiện nay, vay mượn sao chép tác phẩm người khác vẫn cần có sự cho phép của chủ sở hữu cũng như tôn trọng quyền nhân thân của tác giả, cho dù có muốn mang bất cứ xu hướng nghệ thuật nào khác ra để biện hộ.

Tất nhiên, sự ra đời của nghệ thuật ý niệm (conceptual art, hay còn được dịch là nghệ thuật khái niệm) đã gây ra một sự xáo trộn không nhỏ trong luật bản quyền.

Loại hình nghệ thuật này thu hút sự chú ý của giới nghệ thuật từ những năm 1960. Khác với nghệ thuật “truyền thống”, loại hình nghệ thuật này khẳng định vị trí áp đảo của “ý tưởng” so với “thể hiện”.

Theo Sol Lewitt, nghệ sĩ, tác giả nổi trội trong lĩnh vực này thì “trong nghệ thuật ý niệm, ý tưởng hoặc khái niệm là khía cạnh quan trọng nhất của tác phẩm.

Khi người nghệ sĩ sử dụng hình thái ý niệm của nghệ thuật, điều đó có nghĩa là mọi dự tính và quyết định đã được hình thành từ trước, và việc thể hiện tác phẩm chỉ là một thủ tục đơn giản”. Tác giả này cũng cho là việc quá chú ý tới cách thể hiện tác phẩm như trong nghệ thuật truyền thống (tính thẩm mỹ của tác phẩm) sẽ làm ảnh hưởng xấu tới việc tiếp cận và hiểu tác phẩm thuộc trường phái nghệ thuật ý niệm.

Ví dụ, một tác phẩm tiêu biểu của trường phái này là “One and Three Chairs” của Joseph Kosuth: một chiếc ghế, ảnh của nó và định nghĩa “ghế” trong từ điển được đặt cạnh nhau, từ đó tác giả đặt ra câu hỏi “Đâu là chiếc ghế thật?”. Ở đây, ý tưởng là điểm nhấn, quan trọng hơn cách thể hiện tác phẩm.

Vì thế, khi nhìn ở góc độ luật bản quyền, đặt ra hai câu hỏi chính như sau.

Thứ nhất, liệu nghệ thuật ý niệm có thể là đối tượng bảo vệ của luật bản quyền khi nó chính là ý tưởng, khái niệm vốn được coi là thuộc về toàn xã hội? Hiện nay, các nguyên tắc cơ bản của luật bản quyền đang được diễn giải một cách uyển chuyển hơn để phù hợp với thực tiễn. Thực tế xét xử cho thấy lằn ranh giữa “ý tưởng” và “thể hiện” trở nên mờ nhạt, vì tòa án một số nước phát triển vẫn dựa trên cách thể hiện “ý tưởng” để xác định giới hạn bảo vệ.

Rất đáng tiếc, rất có thể tác giả của “Plus by Bao Nam” này đã có một “ý niệm” mới mẻ, nhưng cách thể hiện tác phẩm dường như không thể hiện được mức độ sáng tạo so với các tác phẩm đã có của các nghệ sĩ nước ngoài.

Ví dụ, năm 2008, trong một phán quyết quan trọng đánh dấu sự công nhận tác phẩm nghệ thuật ý niệm là tác phẩm được bảo vệ, Tòa án Tối cao Pháp đã xử thắng cho tác giả của “Paradis” (“Thiên đường”), một tác phẩm được thể hiện dưới dạng chữ Paradis thếp vàng được gắn trên cửa một nhà vệ sinh trong một bệnh viện tâm thần dành cho các bệnh nhân nghiện rượu (nơi họ từng bị ngược đãi).

Tòa án cho rằng cho dù ý tưởng không thể được bảo vệ, nhưng trong trường hợp này, cách thể hiện của nghệ sĩ đã kết hợp với ý tưởng để tạo nên một tác phẩm mang tính sáng tạo, và vì thế, được luật bản quyền bảo vệ. Tuy nhiên, tác phẩm này sẽ chỉ được bảo vệ trong hình thái thể hiện của nó, chứ ý tưởng chủ đạo của tác phẩm vẫn có thể được tự do khai thác bởi các nghệ sĩ khác.

Ở đây, có thể thấy vai trò của tòa án là đảm bảo một sự cân bằng giữa bảo vệ sáng tác cá nhân và quyền tự do nghệ thuật. Tuy nhiên, không phải bất cứ tác phẩm nghệ thuật ý niệm nào cũng đạt được sự công nhận như nói trên.

Cũng từ vấn đề thứ nhất này, đặt ra câu hỏi thứ hai rằng thế nào là sao chép bất hợp pháp một tác phẩm nghệ thuật ý niệm? Câu hỏi này liên quan nhiều hơn tới vụ việc “Plus by Bao Nam” nói trên. Cho dù trong luật bản quyền hiện nay, ý tưởng không được coi là thuộc sở hữu cá nhân, thì vẫn có một lằn ranh, giữa đạo nhái và sáng tạo. Hẳn nhiên, sẽ có sự “sáng tạo” khi ý tưởng được thể hiện dưới một hình thức khác, mang dấu ấn cá nhân.

Và đạo nhái bất hợp pháp chính là việc vay mượn cách thể hiện mà lại không làm nổi bật lên được ý tưởng mới, sáng tạo của bản thân. Rất đáng tiếc, rất có thể tác giả của “Plus by Bao Nam” này đã có một “ý niệm” mới mẻ, nhưng cách thể hiện tác phẩm dường như không thể hiện được mức độ sáng tạo so với các tác phẩm đã có của các nghệ sĩ nước ngoài. Khi sự vay mượn, sự trùng hợp trong cách thể hiện lấn át rõ rệt những “chi tiết khác biệt” thể hiện ý tưởng của ông, thì khó có thể phủ nhận việc sao chép bất hợp pháp ở đây.

Cũng xin nói thêm về một xu hướng nghệ thuật hiện nay, mang tên Appropriation Art. Xu hướng nghệ thuật này xuất hiện vào những năm 1950 ở Mỹ, theo đó, nghệ sĩ vay mượn, sao chép hoặc cố tình sửa đổi tác phẩm trước đó, để tạo ra một “tác phẩm” mới.

Dưới góc độ nguyên tắc “fair-use” (ngoại lệ sử dụng hợp lý) của luật bản quyền Mỹ, thì việc sử dụng tác phẩm của người khác có thể được coi là hợp pháp khi nó có mục đích chế giễu, gây cười (parody). Các nghệ sĩ theo khuynh hướng Appropriation Art thường nấp sau ngoại lệ này để tránh bị xử phạt. Trên thực tế, không hiếm các quyết định của tòa án xử phạt hành vi “vay mượn” này.

Nghệ sĩ nổi bật của dòng Appropriation Art, Jeff Koons, đã từng bị tòa án Mỹ kết luận vi phạm quyền tác giả của nhiếp ảnh gia Art Rogers vào năm 1992. Gần đây, vào tháng 2-2021, ông lại một lần nữa bị tòa án Paris tuyên phạt vì vi phạm quyền tác giả của Davidovici – một nhà quảng cáo. Tương tự, vào tháng 3 vừa qua, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Lynn Goldsmith cũng vừa được một tòa án Mỹ xử thắng Andy Warhol Foundation trong một vụ liên quan tới việc Andy Warhol chỉnh sửa bộ ảnh của cô để tạo nên một tác phẩm mới.

Tất nhiên, cũng có những trường hợp nghệ sĩ theo xu hướng Appropriation Art được coi là sử dụng tác phẩm người khác một cách hợp pháp, đặc biệt khi đáp ứng được tiêu chí của fair-use, cũng như mang đến cho tác phẩm một “tấm áo” mới, mang dấu ấn sáng tạo độc đáo của cá nhân.

Tuy nhiên, về nguyên tắc của luật bản quyền hiện nay, vay mượn sao chép tác phẩm người khác vẫn cần có sự cho phép của chủ sở hữu cũng như tôn trọng quyền nhân thân của tác giả, cho dù có muốn mang bất cứ xu hướng nghệ thuật nào khác ra để biện hộ. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới