Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghĩ chậm về ChatGPT – liệu có phải là một quả bong bóng khác?

Hồ Quốc Tuấn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Về nhiều khía cạnh, ChatGPT bị thổi phồng quá mức và sự thổi phồng đó có khi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng sự phát triển nhanh, mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) – mà ChatGPT như một ví dụ thời sự – là một xu thế…

ChatGPT có thể hỗ trợ con người tăng năng suất làm việc như thế nào?

ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn được huấn luyện bởi OpenAI, có khả năng trả lời các câu hỏi về rất nhiều lĩnh vực, từ các câu hỏi cơ bản đến các câu hỏi chuyên sâu.

ChatGPT hỗ trợ người dùng một cách dễ dàng và nhanh chóng trong việc tìm kiếm thông tin và trả lời các câu hỏi mà không cần phải sử dụng các tài nguyên trực tuyến hay tìm kiếm trên máy tính. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu suất công việc của người dùng.

Khả năng suy luận là một giới hạn của ChatGPT. Khả năng phân biệt đúng sai, thật giả của nguồn tin là một giới hạn khác. Một vài giới hạn khác nữa như thường xuyên “chém gió”, “bịa” ra các thông tin sai lệch do nhiều sai sót từ nguồn dữ liệu dùng để huấn luyện ChatGPT.

ChatGPT cũng có khả năng hỗ trợ người dùng trong việc soạn thảo văn bản, tạo báo cáo, hoặc cả các tác vụ liên quan đến lập trình. Người dùng có thể yêu cầu ChatGPT cung cấp một văn bản hoặc báo cáo theo yêu cầu của họ, và ChatGPT sẽ trả lời ngay lập tức bằng một văn bản chính xác và đầy đủ thông tin.

Tất cả những gì bạn vừa đọc ở trên, bao gồm cả câu tiêu đề “ChatGPT có thể hỗ trợ con người tăng năng suất làm việc như thế nào?” là những gì mà ChatGPT đã tạo ra cho tôi khi tôi bảo nó “Viết một bài báo về việc tận dụng ChatGPT để hỗ trợ công việc”.

Đây là một trong những ví dụ minh họa rõ nhất cho hiệu quả của ChatGPT. Nó đang làm cho việc tạo ra một văn bản, báo cáo, bài báo dễ hơn bao giờ hết.

Cách đây mấy ngày, người viết đọc được bài Mất việc vì AI sẽ không còn xa? của tác giả Nguyễn Vũ trên Kinh tế Sài Gòn, chỉ ra rất nhiều khả năng mà ChatGPT sẽ thay thế công việc của nhiều người trong tương lai gần. Ví dụ gần gũi nhất chính là đoạn văn ở trên. Có rất nhiều bài báo người viết đọc được chỉ đơn giản như vậy thôi, thêm thắt một tí thông tin, thành một bài báo “đọc hai phút”, “đọc ba phút”.

Những người viết báo đó giờ không cần tự viết, chỉ cần gõ vào ChatGPT, bỏ khoảng năm phút ra sửa chữa, là có một “bài báo ba phút”. Trong xã hội có rất nhiều “công việc năm phút”, “bài báo ba phút” như vậy đang tồn tại khắp nơi, nhưng người ta được trả lương cả ngày để làm vài công việc năm phút như thế. Bây giờ với ChatGPT, năng suất của nhân viên văn phòng, người sáng tạo nội dung… sẽ tăng lên nhiều, và tất yếu là người ta sẽ cần ít nhân lực hơn để tạo ra một lượng nội dung như vậy.

Kinh tế số, sự chú ý ngắn hạn, và ChatGPT là những mảnh ghép rất phù hợp với nhau. Năng suất của ngành này vì vậy cũng sẽ tăng lên nhiều, và đầu tư vào mảng AI cũng sẽ hấp dẫn.

Điều này là bình thường trong một xã hội vội vã, và người ta đang nói về một nền kinh tế dựa vào sự chú ý ngắn hạn, vì người ta không có thời gian để tập trung đọc một bài viết dài nữa. Mà để vận hành nền kinh tế số, dựa vào sự chú ý ngắn hạn đó, ChatGPT là một công cụ thật sự hữu ích. Kinh tế số, sự chú ý ngắn hạn, và ChatGPT là những mảnh ghép rất phù hợp với nhau. Năng suất của ngành này vì vậy cũng sẽ tăng lên nhiều, và đầu tư vào mảng AI cũng sẽ hấp dẫn.

Liệu sự bùng nổ của ChatGPT có bị thổi phồng?

Có lẽ là có. Bây giờ không chỉ dân AI, người dùng AI nhiều năm, mà cả người bình thường chả quan tâm gì đến công nghệ cũng đang “sốt” với ChatGPT. Người ta tưởng tượng đủ thứ về năng lực của ChatGPT, bao gồm gán cho nó cái “khả năng suy luận”, điều mà dân AI và người dùng AI lâu năm biết là không phải. Chính bản thân ChatGPT cũng viết về giới hạn của nó như vầy:

“Một mặt, không thể phủ nhận rằng GPT-3 đại diện cho một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ AI. Với khả năng tạo văn bản giống con người dựa trên lời nhắc nhất định, nó có khả năng cách mạng hóa các ngành khác nhau, từ dịch vụ khách hàng đến sáng tạo nội dung. Cũng cần lưu ý rằng kích thước tuyệt đối của bộ dữ liệu đào tạo của GPT-3, kết hợp với kiến trúc độc đáo của nó, đã cho phép nó đạt được hiệu suất vượt trội trong nhiều tác vụ ngôn ngữ, từ dịch thuật đến tóm tắt.

Kỳ vọng hay sợ hãi quá vào AI nói chung, ChatGPT nói riêng là quá sớm. Thay vì vậy, hãy chậm lại một chút, nghĩ sâu, nghĩ chậm xem nó sẽ mang lại lợi ích gì trong 2-3 năm nữa để mình có thể tận dụng nó.

Mặt khác, điều quan trọng là phải xem xét các giới hạn của GPT-3. Mặc dù có khả năng ngôn ngữ tiên tiến, nhưng nó vẫn gặp khó khăn với các nhiệm vụ đòi hỏi khả năng suy luận và lẽ thường, vốn là những thành phần quan trọng của trí thông minh thực sự của con người. Ngoài ra, mặc dù GPT-3 đã được khen ngợi về khả năng tạo văn bản giống con người, vẫn có những lo ngại về khả năng nó có thể được sử dụng cho các mục đích xấu, chẳng hạn như tạo tin tức giả mạo hoặc mạo danh người khác trực tuyến”.

Suy luận, là một giới hạn của ChatGPT. Khả năng phân biệt đúng sai, thật giả của nguồn tin là một giới hạn khác. Một vài giới hạn khác nữa như thường xuyên “chém gió”, “bịa” ra các thông tin sai lệch do nhiều sai sót từ dữ liệu ở Wikipedia, một nguồn dữ liệu huấn luyện ChatGPT, đặc biệt là với các nước không nói tiếng Anh.

Nói cách khác, với một người ngoài nghề, nhiều thông tin chuyên sâu sẽ có thể bị sự “chém gió” của ChatGPT lừa. Chẳng hạn người viết vừa “chế” cái tên về một loại quyền chọn ngoại tệ phức tạp không có thật, và ChatGPT vẫn “chém gió” như thật về một cái “quyền chọn sàn” (floor option), “quyền chọn ngoại lai” (exotic option), nào đó. Người ngoài nghề sẽ rất dễ bị những nội dung này lừa gạt.

Có thể nói, khi càng đi vào chuyên sâu, ChatGPT càng hụt hơi và càng bịa nhiều thứ. Chẳng hạn một bạn của người viết vừa chỉ ra rằng ChatGPT đã “bịa” ra hầu hết các trích dẫn mà nó đưa ra cho một bài viết về ứng dụng công nghệ trong tài chính mà bạn mình yêu cầu nó viết tóm tắt những nghiên cứu về lĩnh vực đó.

Như câu chuyện về quyền chọn ở trên, sẽ ra sao nếu một ai đó giả mạo một chuyên gia tài chính và bảo ChatGPT mỗi ngày tạo ra những bài viết kiểu “kiến thức sâu” mà giả mạo như vậy, để tự mạo danh là chuyên gia? Mạng xã hội ngày nay có rất nhiều người nghĩ trong ba phút và dễ bị chuyên gia như vậy lừa. Một hình thức lừa đảo bỏ tiền đầu tư vào một công cụ nào đó mà những “chuyên gia” giả hiệu này nghĩ ra đang manh nha. Kết hợp với nhiều công nghệ giả mạo Deepfake trên nền tảng AI, chúng ta đang đứng trước những rủi ro rất lớn.

Vì vậy, về nhiều khía cạnh, ChatGPT bị thổi phồng quá mức và sự thổi phồng đó có khi tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhưng ở khía cạnh tạo ra văn bản đơn giản, nó thật sự đã viết tốt hơn rất nhiều bạn sinh viên mà viết e-mail công việc cũng không xong như một vài doanh nghiệp than phiền trên báo. Có một ví dụ khác cũng thú vị vì nó liên quan trực tiếp tới bản thân người viết. Câu chuyện là gần đây người viết có viết một đoạn blog mà có lồng nhiều từ chuyên ngành, và viết hơi vội, không xem lại về cấu trúc và ý tưởng. Một bạn độc giả đã cắt dán đoạn blog đó của người viết vào và bảo ChatGPT tóm tắt nó. ChatGPT đã tạo ra một đoạn tóm tắt hiệu quả và rõ ràng, thuần Việt hơn nhiều.

Vậy còn cơn sốt AI nói chung? Liệu có phải là một quả bong bong khác?

Một sự bùng nổ AI (AI boom) như tờ Economist viết gần đây là có thật và cơn sốt ChatGPT đã hâm nóng cho sự bùng nổ đó. Mảng AI là một trong số ít mảng vẫn thu hút được vốn đầu tư (bao gồm cam kết 10 tỉ đô la Mỹ mới đây của Microsoft cho OpenAI) trong giai đoạn ảm đạm của thị trường vốn khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm từ nửa cuối năm 2022.

ChatGPT là một trong số các công cụ AI mà người viết đã dùng mấy năm nay phục vụ cho công việc đầu tư cá nhân cũng như tư vấn trong lĩnh vực tài chính. Nếu so với những công cụ kia, ChatGPT có nhiều giới hạn vì nó là một nền tảng chữ (text-based), nên có nhiều thứ không thể tạo ra được, và mối quan tâm của mô hình dự báo của nó cũng khác với những mô hình AI khác. Nhưng nếu kết hợp nhiều công cụ lại với nhau thì sẽ rất mạnh. Ví dụ, ChatGPT còn nhiều giới hạn với các yêu cầu về phía Việt Nam, nhưng nếu đặt câu hỏi bằng tiếng Anh rồi dùng Google Translate để dịch sang tiếng Việt, thì nó lại mạnh hơn nhiều lần. Hoặc kết hợp ChatGPT với một công cụ tạo văn bản tự động cho các nhà phân tích tài chính, thì làm giảm các công việc viết phần giới thiệu và phần nội dung cơ bản đi rất nhiều.

Vì vậy, sự phát triển và tăng trưởng nhanh, mạnh của AI là một xu thế. Bong bóng nếu có, chỉ làm xu thế đó tăng nhanh hơn mà thôi (không có bong bóng thì làm sao thu hút vốn đầu tư thử nghiệm những dự án rủi ro?). Bong bóng dotcom đổ vỡ, nó để lại chúng ta những Google, Amazon… và rất nhiều lợi ích khác (tất nhiên cũng có những bong bóng không để lại lợi ích gì như bong bóng hoa tulip).

Tuy nhiên, kỳ vọng quá nhiều vào bong bóng hay lo sợ quá mức về nó thì cũng không cần thiết.

Lấy một ví dụ, khoảng 10 năm trước, người làm việc trong lĩnh vực đại học hơi lo ngại khi một trường kinh doanh hàng đầu thế giới cung cấp một bảng tính cho thấy một khóa học về kinh doanh cho nhân sự cao cấp của công ty (rất đắt tiền) sẽ trở nên rẻ hơn rất nhiều khi thay giảng viên bằng một “con bot” và áp dụng công nghệ thời thượng lúc đó là các khóa học trực tuyến MOOC. Tính về dài hạn cả vòng đời của dự án giáo dục đó, các đại học lớn sẽ lời gấp 3 lần, và chi phí khóa học sẽ giảm 10 lần, chỉ còn có giá 400 đô la Mỹ/môn thay vì 4.000 đô la Mỹ vì họ có thể tuyển sinh lên đến 10.000 người thay vì chỉ có thể tuyển sinh 400 người. Đó là chưa kể phần lớn tài nguyên còn có thể tái sử dụng phát triển khóa học khác.

Mười năm sau, các trang giáo dục MOOC vẫn phát triển, nhưng không thấy đại học nào chết đi cả. Khoa của người viết tăng 4 lần nhân sự giảng dạy so với thời điểm lúc bài báo cáo trên được xuất bản, từ dưới 20 người lên gần 100 người. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân rất lớn là sinh viên không thể học trực tuyến tốt như người ta tưởng (mà Covid-19 là một phép thử tự nhiên hết sức rõ ràng). Các trường đại học đang dần bỏ các học phần trực tuyến do Covid-19 “ép” phải có và sinh viên đang đổ về các trường đại học trở lại. Thay cho khủng hoảng đại học là những tranh cãi không ngớt về khủng hoảng nhà cho sinh viên ở Anh.

Học trực tuyến không qua hướng dẫn, chi phí thấp thì tốt. Nhưng mà người ta cũng tự hỏi là đăng ký một chương trình học 400 đô la/môn so với một chương trình học 4.000 đô la/môn thì cái chương trình 400 đô la/môn đó có đáng tiền không khi mà số tham gia là 10.000 người trong khi cái kia thì số tham gia là 400 người cho cả vòng đời 10 năm. Cầm tờ giấy chứng chỉ 10.000 người có thì giúp gì cho bạn trên thị trường lao động? Và tác động do hiệu ứng mối quan hệ cá nhân mang lại ở đâu trong các chương trình trực tuyến đó?

Nói vậy để thấy cơn sốt AI chắc chắn sẽ tạo ra thay đổi trên thị trường lao động và chắc chắn làm tăng năng suất ở một số ngành nghề. Nhưng kỳ vọng hay sợ hãi quá vào nó là quá sớm. Thay vì vậy, hãy chậm lại một chút, nghĩ sâu, nghĩ chậm xem nó sẽ mang lại lợi ích gì trong 2-3 năm nữa để mình có thể tận dụng nó. Google và Baidu sẽ sớm công bố những phiên bản AI dạng tương tự như ChatGPT. Và hai ông lớn đã nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm AI này sẽ không dễ dàng chịu thua một sản phẩm như ChatGPT. Người hưởng lợi, trên hết là người dùng, vì nay đại chúng có thể tiếp cận với công nghệ AI miễn phí, hoặc chi phí thấp.

Khi ChatGPT đánh giá về… chính mình

Dưới đây là phần trả lời của ChatGPT (bằng tiếng Anh, sau đó tác giả dùng Google Translate dịch qua tiếng Việt), với “đề bài”: “Viết một bài về việc ChatGPT có bị đánh giá quá cao không”.

ChatGPT: Công nghệ AI đột phá hay cường điệu?

Trong những năm gần đây, đã có rất nhiều tin đồn xung quanh GPT-3 của OpenAI, một mô hình AI xử lý ngôn ngữ tiên tiến bao gồm ChatGPT. Sự cường điệu xung quanh GPT-3 đã khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu nó có thực sự là một công cụ thay đổi cuộc chơi hay chỉ là một công nghệ được thổi phồng quá mức.

Một mặt, không thể phủ nhận rằng GPT-3 đại diện cho một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ AI. Với khả năng tạo văn bản giống con người dựa trên lời nhắc nhất định, nó có khả năng cách mạng hóa các ngành khác nhau, từ dịch vụ khách hàng đến sáng tạo nội dung. Cũng cần lưu ý rằng kích thước tuyệt đối của bộ dữ liệu đào tạo của GPT-3, kết hợp với kiến ​​trúc độc đáo của nó, đã cho phép nó đạt được hiệu suất vượt trội trong nhiều tác vụ ngôn ngữ, từ dịch thuật đến tóm tắt.

Mặt khác, điều quan trọng là phải xem xét các giới hạn của GPT-3. Mặc dù có khả năng ngôn ngữ tiên tiến, nhưng nó vẫn gặp khó khăn với các nhiệm vụ đòi hỏi khả năng suy luận và lẽ thường, vốn là những thành phần quan trọng của trí thông minh thực sự của con người. Ngoài ra, mặc dù GPT-3 đã được khen ngợi về khả năng tạo văn bản giống con người, vẫn có những lo ngại về khả năng nó có thể được sử dụng cho các mục đích xấu, chẳng hạn như tạo tin tức giả mạo hoặc mạo danh người khác trực tuyến.

Cũng cần xem xét bối cảnh rộng hơn mà GPT-3 đã nhận được rất nhiều sự chú ý. Tốc độ tiến bộ công nghệ nhanh chóng, kết hợp với niềm đam mê ngày càng tăng với AI, đã dẫn đến một chu kỳ cường điệu hóa, trong đó những phát triển mới thường được thổi phồng quá mức và tiềm năng của chúng bị phóng đại. Mặc dù GPT-3 chắc chắn là một thành tựu quan trọng theo đúng nghĩa của nó, nhưng có thể tác động của nó đang bị một số người trong ngành công nghệ và phương tiện truyền thông cường điệu hóa.

Tóm lại, liệu GPT-3 và phần mở rộng là ChatGPT có bị thổi phồng quá mức hay không là một câu hỏi chủ quan phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Một mặt, không thể phủ nhận rằng nó đại diện cho một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ AI và có tiềm năng cách mạng hóa các ngành công nghiệp khác nhau. Mặt khác, điều quan trọng là phải xem xét những hạn chế, nguy cơ tiềm ẩn và bối cảnh rộng lớn hơn mà nó đã nhận được rất nhiều sự chú ý. Cuối cùng, chỉ có thời gian mới trả lời được liệu GPT-3 có đáp ứng được sự cường điệu của nó và trở thành một công nghệ đột phá hay liệu nó sẽ được nhớ đến như một sự phát triển cường điệu khác trong lĩnh vực AI.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới