Nghị định 09 có khả thi?
(TBKTSG) - Sau những hệ lụy từ việc đầu tư tràn lan của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngày 5-2-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2009 về Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (Nghị định 09). Tuy nhiên, sau khi văn bản này được công bố, đã có không ít những thắc mắc, những vấn đề phát sinh về “sức sống” và đối tượng áp dụng của văn bản này.
Văn bản sẽ “sống” như thế nào khi căn cứ ban hành sắp hết hiệu lực?
Điều đầu tiên gây ngạc nhiên là căn cứ ban hành Nghị định 09 là Luật Doanh nghiệp Nhà nước số 14/2003/QH11 chứ không phải là Luật Doanh nghiệp 2005. Trên nguyên tắc, Luật Doanh nghiệp Nhà nước đã hết hiệu lực vào ngày 1-7-2006.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2005 đã “nối dài” hiệu lực của Luật Doanh nghiệp Nhà nước bằng quy định: “Trong thời hạn chuyển đổi (bốn năm kể từ ngày 1-7-2006), những quy định của Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 được tiếp tục áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước nếu Luật Doanh nghiệp 2005 không có quy định” (điều 166).
Như vậy, đến thời điểm này, Luật Doanh nghiệp Nhà nước chỉ tồn tại với ý nghĩa bổ sung các điều khoản của Luật Doanh nghiệp 2005. Và đến 1-7-2010, Luật Doanh nghiệp Nhà nước sẽ hết hiệu lực toàn bộ.
Vấn đề đặt ra ở đây là hiệu lực của Nghị định 09 như thế nào: (i) tại thời điểm hiện tại khi căn cứ ban hành của nó đã hết hiệu lực một phần và (ii) sau thời điểm 1-7-2010 khi căn cứ ban hành của nó hết hiệu lực toàn bộ? Phải chăng văn bản này được ban hành chỉ cho một “thời kỳ quá độ”? Nếu như thế thì tính liên tục, ổn định của một cơ chế quản lý phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác có được đảm bảo không?
Đối tượng áp dụng của văn bản
Nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Nghị định 09 thì rất khó để xác định đối tượng áp dụng của văn bản này. Đây cũng chính là vấn đề đang gây thắc mắc cho các doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp đã được cổ phần hóa mà phần vốn sở hữu của Nhà nước vẫn trên 50%.
Theo Nghị định 09 thì đối tượng áp dụng của văn bản này là các công ty nhà nước bao gồm công ty nhà nước độc lập và các tổng công ty nhà nước. Nhưng trong Nghị định 09 lại không định nghĩa tiếp thế nào là công ty nhà nước độc lập và tổng công ty nhà nước.
Phải sử dụng các điều khoản giải thích từ ngữ tại các văn bản khác thì vấn đề lại càng thêm rối.Trước hết, các điều khoản giải thích từ ngữ tại các văn bản khác chỉ giới hạn hiệu lực trong văn bản đó, kiểu như: “Trong luật/nghị định/thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau...”.
Hơn nữa, các điều khoản giải thích từ ngữ tại các văn bản khác nhau lại cho... những cách hiểu khác nhau. Cụ thể, điều 3 Luật Doanh nghiệp Nhà nước quy định: “Công ty nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, thành lập, tổ chức quản lý, đăng ký hoạt động theo quy định của luật này...”.
Còn điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”. Nếu căn cứ vào quy định tại Luật Doanh nghiệp Nhà nước thì Nghị định 09 không áp dụng đối với các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa mà phần vốn sở hữu của Nhà nước vẫn trên 50% như Vietcombank, Vietinbank... còn căn cứ vào quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 thì kết quả là ngược lại.
Nghị định 09 sẽ có hiệu lực từ ngày 25-3-2009 nhưng với những vấn đề phát sinh như trên, liệu nghị định có thể đi vào cuộc sống?
NGUYỄN XUÂN ĐANG - Thạc sĩ luật kinh tế - quốc tế, Đại học Toulouse1 (Pháp)