Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghị định cá tra khó sửa vì đạo luật Farm Bill?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghị định cá tra khó sửa vì đạo luật Farm Bill?

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Văn phòng Chính phủ mới đây đã có công văn nêu ý kiến của Chính phủ đồng ý cho sửa đổi một số nội dung của "nghị định cá tra" theo hướng giảm nhẹ một số tiêu chuẩn, nhưng có ý kiến cho rằng diễn biến hiện nay liên quan đến Đạo luật Nông trại (Farm Bill) của Mỹ cho thấy việc sửa đổi nghị định này đang ở vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Nghị định cá tra khó sửa vì đạo luật Farm Bill?
Nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh

Vào cuối tháng 9-2015, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 7678/VPCP-KTN nêu ý kiến của Chính phủ đồng ý cho sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra (hay còn gọi là nghị định cá tra) và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ban, ngành và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị định 36.

Theo công văn nêu trên, Chính phủ đồng ý cân nhắc việc thay thế quy định về hàm ẩm (hàm lượng nước) tối đa và tỷ lệ mạ băng bằng cơ chế doanh nghiệp tự công khai thông tin về thành phần, chất lượng sản phẩm và xem xét việc tiếp tục áp dụng thủ tục đăng ký, xác nhận hợp đồng xuất khẩu cá tra.

Tìm hiểu của TBKTSG Online được biết, trước đó, Bộ NN&PTNT đã có đề xuất với Chính phủ giữ nguyên quy định mạ băng và hàm ẩm như quy định hiện hành của nghị định 36, tức không vượt quá 83% về hàm ẩm và không vượt quá 10% về mạ băng, nhưng việc thực hiện phải có lộ trình dài hơn.

Theo đó, sẽ thực hiện áp dụng mạ băng tối đa 20% và hàm ẩm tối đa 86% cho đến ngày 31-12-2018 và từ ngày 1-1-2019 mới chính thức áp dụng mạ băng không quá 10% và hàm ẩm không vượt quá 83% như quy định hiện nay của nghị định 36.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề xuất Chính phủ lùi thời hạn để các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận VietGap hoặc các chứng nhận quốc tế tương đương đến ngày 31-12-2016, thay vì ngày 31-12-2015.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đề xuất sửa đổi việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra không phải là điều kiện để cơ quan Hải quan chấp nhận thông quan và bỏ thu phí của doanh nghiệp khi đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra (hiện nay, quy định đăng ký hợp đồng xuất khẩu thông qua Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius) đã được bãi bỏ- PV).

Việc Chính phủ đồng ý cho sửa đổi Nghị định 36 theo hướng "nương nhẹ" như trên được cho là một bước đi tích cực, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số ý kiến gần đây lo ngại việc soạn thảo nghị định mới để bổ sung, thay thế cho nghị định 36 có thể gặp khó khăn do bị Đạo luật Farm Bill của Mỹ “cản bước”, bởi vì các điều kiện trong Farm Bill thậm chí còn ngặt nghèo hơn cả Nghị định 36..

Trao đổi về vấn đề này, một vị lãnh đạo am hiểu ngành cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (không muốn nêu tên), thừa nhận sau khi Mỹ công bố chương trình thanh tra cá da trơn (Đạo luật Farm Bill), việc sửa đổi Nghị định cá tra sẽ gặp khó.

“Nếu sửa đổi nghị định 36 nó sẽ có điểm yếu là chúng ta thừa nhận có bước lùi về chất lượng, bởi vì trong nghị định 36 sửa đổi để trình Chính phủ là sẽ lùi thời gian thực hiện tiêu chuẩn VietGap cho vùng nuôi đến hết năm 2016”, ông cho biết.

Theo vị này, đối với phía Mỹ, Đạo luật Farm Bill có rất nhiều khâu kiểm tra với quy trình ngặt nghèo hơn, khó hơn nghị định 36 rất nhiều, trong khi đó, quy định chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu trong nghị định 36 là hàm ẩm không quá 83%, mạ băng không quá 10%, “nay sửa đổi theo hướng hàm ẩm không quá 86% và mạ băng không quá 20%, chẳng lẽ đi thông báo với thế giới là chúng ta có một bước lùi về chất lượng, trong bối cảnh Farm Bill đang “siết” về chất lượng”, vị này đặt vấn đề.

Do vậy, bây giờ việc sửa đổi nghị định 36 đang rất lúng túng, và với bối cảnh Đạo luật Farm Bill của Mỹ “siết” rất chặt về chất lượng, thì phía Việt Nam cũng nên xóa bỏ việc sửa đổi nghị định 36 theo hướng “nới lỏng” về chất lượng như đã nêu ở trên, bởi đó là cách tốt để tránh gặp rắc rối với Đạo luật Farm Bill và tạo dựng tốt hình ảnh cá tra Việt Nam, theo đề xuất của vị này.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ của doanh nghiệp, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng việc sửa đổi nghị định 36 và Đạo luật Farm Bill là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Theo ông Hòe, nghị định 36 vẫn sẽ tiếp tục và Bộ NN&PTNT hiện đang nghiên cứu, xây dựng để làm sao bảo đảm nâng cao chất lượng cá tra Việt Nam, cho nên, đã tạm thời kéo dài thời gian để xây dựng cho hoàn chỉnh.

Còn câu chuyện Farm Bill của Mỹ, theo ông Hòe, phía Việt Nam hiện đang làm mọi thủ tục và công việc liên quan để nền sản xuất cá tra trong nước được Mỹ công nhận tương đương, qua đó, không để xuất khẩu sản phẩm này vào Mỹ bị gián đoạn.

Theo ông Hòe, còn về chất lượng sản phẩm là chuyện giữa ông nhập khẩu và ông xuất khẩu thống nhất với nhau, “chứ bây giờ mình đâu bắt buộc ông Mỹ ổng mua cá trên 86% (hàm ẩm) hay trên 20% (mạ băng) gì đâu”, ông nói.

Cũng theo ông Hòe, việc “siết” chất lượng sản phẩm cá tra trong nghị định 36 không phải là câu chuyện để giải quyết vấn đề Đạo luật Farm Bill của Mỹ. “Đối phó với Farm Bill mình vẫn đang làm, nhưng không thể làm bằng nghị định 36 được, bởi hai cái chuyện đó nó không “dính” gì với nhau cả”, ông Hòe khẳng định.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới