Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghị định hợp tác công – tư (PPP), có gì đáng chú ý?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghị định hợp tác công – tư (PPP), có gì đáng chú ý?

Công ty LNT&Partners

(TBKTSG Online) – Với nhu cầu cơ sở hạ tầng ngày càng cao, trong khi ngân sách và nguồn vốn ODA có hạn, việc kêu gọi tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng được xem là giải pháp khả thi. Vì vậy, việc ban hành Nghị định 15/2015 (ngày 14-2-2015) quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ phần nào tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện dự án PPP ở Việt Nam.

Nghị định 15 có những quy định mới đáng chú ý như sau:

1. Nghị định 15 quy định về hình thức các hợp đồng dự án, bao gồm hợp đồng xây dựng – chuyển giao (hợp đồng BT); hợp đồng xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ (hợp đồng BTL) và hợp đồng xây dựng – thuê dịch vụ – chuyển giao (hợp đồng BLT). Như vậy nhà đầu tư không nhất thiết phải chuyển giao công trình cho nhà nước, mà có thể chọn nhiều giải pháp khác nhau, tùy yêu cầu của nhà đầu tư và bên cấp vốn cho vay dự án.

2. Nghị định 15 quy định rõ hình thức đầu tư và phân loại dự án được áp dụng hình thức PPP. Bên cạnh các dự án về cơ sở hạ tầng vật chất như cầu, đường, các công trình xây dựng…, các công trình về thương mại, khoa học, công nghệ, khí tượng thủy văn, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đưa vào danh mục các dự án được áp dụng hình thức PPP.

3. Nghị định 15 cũng quy định rõ, các dự án theo hình thức PPP sẽ được phân loại theo dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A, B và C. Nhờ đó mà các dự án nhỏ sẽ được thông qua nhanh chóng hơn.  Theo đó, dự án nhóm C không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

4. Nghị định 15 quy định việc sử dụng vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án sẽ được dùng chủ yếu để hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.  Tuy nhiên nghị định không nói rõ giá trị quyền sử dụng đất có được tính trong tổng phí đầu tư hay không.

5. Một trong những điều kiện để lựa chọn dự án là dự án phải có tổng vốn đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên (trừ dự án O&M và một số dự án đặc thù). Ngoài ra, dự án có khả năng thu hồi vốn từ hoạt động kinh doanh sẽ được ưu tiên lựa chọn.

6. Về nội dung đề xuất dự án, bên cạnh các nội dung về thông tin dự án, yếu tố kỹ thuật… nội dung đánh giá dự kiến sơ bộ rủi ro trong quá trình thực hiện dự án và phân chia rủi ro giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư cũng cần được đề cập.

7. Nghị định 15 cũng quy định về thời điểm ký kết hợp đồng dự án. Theo đó, nhà đầu tư đàm phán và ký tắt hợp đồng dự án trước, sau đó được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Bước cuối cùng mới là ký kết hợp đồng dự án. Như vậy, các thiệt hại, thay đổi hay phát sinh trước khi ký kết hợp đồng dự án có phát sinh hậu quả pháp lý hay không? Vấn đề này vẫn chưa được trả lời.

8. Về nội dung hợp đồng dự án, Nghị định 15 liệt kê các nội dung cần thiết trong một hợp đồng PPP, các tài liệu đính kèm cần thiết. Ngoài ra, Nghị định còn quy định mở để các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh được phép đề xuất một hình thức hợp đồng khác với các hình thức đã được quy định tại Nghị định 15 để trình Chính phủ xem xét, quyết định.

9. Nghị định 15 cho phép chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án, hoặc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án. Điều này mở cửa cơ hội chứng khoán hóa (securitization) dự án, giải tỏa một phần lo lắng cho các nhà tài trợ hay ngân hàng đối với vấn đề tài chính dự án, nhất là khi chủ đầu tư không đủ năng lực để tiếp tục thực hiện dự án.

10. Về pháp luật áp dụng, Nghị định 15 quy định rõ cho phép các bên ký kết có thể thỏa thuận việc áp dụng pháp luật nước ngoài để điều chỉnh các hợp đồng dự án mà một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc các hợp đồng được Chính phủ bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện. Đây là thay đổi lớn và cho phép các nhà tư vấn tài chính quốc tế được tham gia sâu rộng vào dự án.

11. Nghị định 15 quy định về nghĩa vụ bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án, tuy nhiên nghị định lại đưa vấn đề này cho Luật Đấu thầu giải quyết.  Vấn đề bảo lãnh của Chính phủ không được quy định rõ, mà được giao lại cho Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp nghiên cứu.

12. Đối với doanh nghiệp dự án, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp để thực hiện dự án phù hợp với mục tiêu, phạm vi hoạt động đã thỏa thuận tại hợp đồng dự án. Việc thành lập doanh nghiệp dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.

13. Nghị định 15 quy định rõ nghĩa vụ giám sát thực hiện hợp đồng dự án của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc phân định trách nhiệm cụ thể này là cần thiết để đảm bảo dự án được giám sát thực hiện một cách cẩn trọng. Về giá, phí hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu, Nghị định 15 tôn trọng thỏa thuận của các bên trong hợp đồng dự án, tạo điều kiện để nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận. Đây là cơ sở quan trọng để nhà đầu tư đàm phán giá với các bên cung cấp hay bên mua hàng của nhà nước nếu có các ràng buộc bất lợi cho nhà đầu tư.

14. Nghị định 15 cũng quy định rõ thời hạn để quyết toán công trình dự án. Theo đó, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày hoàn thành công trình dự án, nhà đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.

15. Về việc thế chấp tài sản, quyền kinh doanh công trình dự án, Nghị định 15 quy định rõ nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất và quyền kinh doanh công trình dự án tại bên cho vay theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về dân sự, với điều kiện thời hạn thế chấp không quá thời hạn hợp đồng dự án.

Tuy nhiên, thời hạn thế chấp có thể vượt quá thời hạn hợp đồng dự án nếu có thỏa thuận tại hợp đồng dự án. Về hình thức thỏa thuận thế chấp, việc thỏa thuận thế chấp tài sản, quyền kinh doanh công trình dự án phải được lập thành văn bản ký kết giữa bên cho vay và các bên ký kết hợp đồng dự án. Như vậy quyền lợi của bên cho vay đối với dự án sẽ được bảo đảm phần nào.

16. Về việc sử dụng ngoại tệ trong dự án, Nghị định 15 quy định nguyên tắc bảo đảm cân đối ngoại tệ. Theo đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối để đáp ứng nhu cầu giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch khác hoặc chuyển vốn, lợi nhuận, các khoản thanh lý đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối

17. Về vấn đề giải quyết tranh chấp, Nghị định 15 phân loại các tranh chấp thành (i) Tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án và tranh chấp giữa doanh nghiệp dự án với các tổ chức kinh tế tham gia thực hiện dự án;

(ii) Tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập;

(iii) Tranh chấp giữa doanh nghiệp dự án với tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc với các tổ chức kinh tế Việt Nam và tranh chấp giữa các nhà đầu tư.

Theo đó, cơ quan giải quyết tranh chấp tương ứng cho các trường hợp nêu trên là tổ chức trọng tài hoặc tòa án Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; Trọng tài hoặc Tòa án Việt Nam hoặc hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận thành lập và được giải quyết theo quy định của Luật Đầu tư. Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài theo quy định tại hợp đồng dự án và các hợp đồng liên quan là tranh chấp thương mại. Quyết định của trọng tài nước ngoài được công nhận và thi hành theo quy định của pháp luật về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.

18. Nghị định 15 quy định trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh các trách nhiệm khác, có trách nhiệm cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền; thẩm định nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo thẩm quyền; tham gia ý kiến về các vấn đề thuộc chức năng, thẩm quyền theo yêu cầu của bộ, ngành và ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Bộ Tư pháp, bên cạnh các trách nhiệm khác, có trách nhiệm cấp ý kiến pháp lý đối với hợp đồng dự án, văn bản bảo lãnh của Chính phủ và các văn bản liên quan đến dự án do cơ quan nhà nước ký kết.

19. Đối với các đồng dự án được ký tắt trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành không phải đàm phán lại.  Như vậy các dự án BT trước đây tạm ngưng không thực hiện nay có thể được tiến hành lại.

Những thay đổi tại nghị định 15 về PPP đem lại nhiều dấu hiệu tích cực cho nhà đầu tư lẫn ngân hàng tài trợ. Có một số vấn đề như bảo lãnh chính phủ, hay cam kết quy định về giá, hay hỗ trợ dòng tiền (take or pay) sẽ còn một số điểm phải làm rõ.  Song việc một loạt các dự án PPP đang tiếp tục khởi động, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải, cho thấy đây sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển và quản lý tốt các dự án cơ sở hạ tầng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới