Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghị định về công nghiệp hỗ trợ: nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghị định về công nghiệp hỗ trợ: nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp

Văn Nam

Nghị định về công nghiệp hỗ trợ: nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp
Một nhà máy dệt vải tại Quận Bình Tân, TPHCM – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Dự kiến sẽ không có nguồn quỹ 30.000 tỉ đồng đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ (CNHT) khi Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển CNHT vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 năm nay như kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, nghị định sẽ có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển CNHT, theo Bộ Công Thương.

Trao đổi với TBKTSG Online sáng nay (6-10), đại diện Bộ Công Thương cho biết hiện các thành viên Chính phủ đang góp ý cho dự thảo nghị định này và dự kiến cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11-2015 Chính phủ sẽ ban hành nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trước đó, khi đưa ra lấy ý kiến về dự thảo nghị định nói trên vào cuối năm 2014, một nội dung rất đáng được quan tâm chính là doanh nghiệp, cá nhân sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ CNHT sẽ được vay vốn ưu đãi từ quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ. Tổng nguồn vốn của quỹ này là 30.000 tỉ đồng, trong đó “vốn mồi” từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn đầu là 2.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo bản dự thảo nghị định về phát triển nghiệp hỗ trợ được Bộ Công Thương trình Chính phủ lần cuối mà TBKSG Online có được hôm nay (6-10), nội dung về thành lập quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ với số vốn 30.000 tỉ đồng đã không còn được đề cập, nhưng thay vào đó là nhiều chính sách ưu đãi về vốn, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển, hỗ trợ thị trường, thành lập các cụm, khu công nghiệp hỗ trợ…

Hiện nay trên cả nước có gần 1.400 doanh nghiệp nội địa sản xuất linh kiện, phụ tùng liên quan đến công nghiệp hỗ trợ như linh kiện điện, điện tử, kim loại, nhựa, cao su, chưa kể riêng ngành dệt may cũng có tới trên 600 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nguyên phụ liệu hỗ trợ cho ngành.

Lâu nay việc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thời gian thu hồi vốn dài, có độ rủi ro cao khiến các nhà đầu tư e ngại khi đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hiện năng lực của các doanh nghiệp CNHT vẫn còn rất kém, một phần cũng vì không có đủ tiềm lực tài chính.

Sự yếu kém trong năng lực cung ứng các sản phẩm CNHT cũng buộc các doanh nghiệp sản xuất chính phải tìm kiếm nguồn cung cấp từ bên ngoài, và đây chính là một phần nguyên nhân gây nhập siêu trong sản xuất công nghiệp nhiều năm qua. Đơn cử như năm 2013, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là sản phẩm điện tử, linh kiện, kim loại, dệt may và da giày của Việt Nam là 53,1 tỉ đô la Mỹ, sang năm 2014 con số này ước tính lên đến 67,6 tỉ đô la Mỹ.

Hơn lúc nào hết, khi vòng đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã thành công và Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên TPP được đánh giá sẽ hưởng nhiều lợi ích, cộng đồng doanh nghiệp rất trông chờ vào những chính sách giúp phát triển CNHT, tạo nguồn nguyên phụ liệu để chủ động hơn trong sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang các nước.

Theo phân tích của bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT thuộc Bộ Công Thương, khi TPP có hiệu lực thì dệt may hưởng lợi rất nhiều. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhảy vào đầu tư các nhà máy dệt, hưởng nhiều lợi ích, và như vậy cần phải có chính sách khuyến khích phát triển mang tầm quốc gia để giúp phát triển CNHT nội địa.

Theo nội dung nêu ra tại dự thảo nghị định về phát triển CNHT đang trình Chính phủ xem xét, nội dung khá mới sẽ là việc hình thành một chương trình quốc gia về phát triển CNHT đi kèm với các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới; thành lập các trung tâm phát triển CNHT ở các địa phương; hỗ trợ đầu tư xây dựng các cụm, khu CNHT…

Chẳng hạn như chủ đầu tư xây dựng khu, cụm CNHT được miễn tiền thuê đất và mặt nước trong thời gian xây dựng và 11 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động; được giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được nhà nước hỗ trợ đầu tư công tác giải phóng mặt bằng, cung cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu (đường giao thông, điện, nước sạch, tiêu thoát nước và các hạ tầng khác) đến khu, cụm CNHT.

Về tín dụng, dự thảo nghị định mới cũng đề cập: dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên phát triển được vay tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước theo quy định hoặc được cấp bù 3%/năm lãi suất vay thương mại trong trường hợp vay vốn đầu tư từ ngân hàng thương mại, thời gian vay của các khoản tín dụng đầu tư không quá 12 năm. Các dự án sản xuất sản phẩm cụm chi tiết thuộc Danh mục ưu tiên phát triển được cấp bù lãi suất 3%/năm so với lãi suất vay thương mại, được vay tối đa 85% tổng mức vốn đầu tư với thời gian vay không quá 15 năm.

Xem thêm:

>> Sẽ dành 30.000 tỉ đồng vốn ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ

>> Nguyên phụ liệu dệt may: Nỗi đau đầu trước TPP

>> Cần chú ý quy tắc xuất xứ hàng hóa khi các FTA có hiệu lực

>> Doanh nghiệp kỳ vọng gì ở hiệp định TPP?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới