Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghĩ kỹ về điện hạt nhân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghĩ kỹ về điện hạt nhân

Huỳnh Hoa

(TBKTSG) – Thảm họa đang diễn ra tại trung tâm hạt nhân Fukushima Daiichi Nhật Bản khiến người ta liên tưởng đến sự cố Chernobyl ở Ukraine 25 năm về trước, đồng thời buộc nhiều quốc gia phải suy nghĩ lại chính sách của mình.

Các nước công nghiệp phát triển đã nhanh chóng đình hoãn các kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới và rà soát hệ thống an toàn của các nhà máy đang hoạt động; trong khi đó các nước đang phát triển vẫn cho rằng, để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, nhất thiết phải phát triển điện hạt nhân.

Đức là nước đầu tiên có phản ứng nhanh và mạnh. Chiều thứ Ba, sau khi hội ý với lãnh đạo 16 bang của Đức, Thủ tướng Angela Merkel quyết định đóng cửa tạm thời 7 lò phản ứng hạt nhân đã hoạt động từ cuối thập kỷ 1980, đồng thời rà soát hệ thống an toàn của 10 lò phản ứng còn lại. Lệnh đóng cửa này có hiệu lực ba tháng nhưng chưa rõ sau thời gian ấy, các nhà máy có được phép hoạt động lại hay không. Bà Merkel cũng cho biết, chủ trương của Chính phủ Đức kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân sẽ được xem xét lại; trong lúc này có 50.000 người Đức xếp thành một hàng dài 50 cây số từ Nhà máy Điện hạt nhân Neckarwestheim đến thành phố Stuttgart đòi phải xóa sổ chúng. Đức hiện có 17 lò phản ứng, cung cấp 26% sản lượng điện của đất nước.

Chính phủ Thụy Sỹ đã quyết định hủy bỏ kế hoạch xây các nhà máy điện mới và thay thế các lò phản ứng cũ. Bộ trưởng Năng lượng Thụy Sỹ, bà Doris Leuthard, ra tuyên bố giải thích, “sự an toàn và hạnh phúc của người dân là ưu tiên hàng đầu”.

Tại Pháp – quốc gia có xu hướng ủng hộ điện hạt nhân, các chính trị gia đang thúc giục chính phủ chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nguy hiểm này.

Liên hiệp châu Âu đã triệu tập phiên họp khẩn cấp các quan chức ngành năng lượng hạt nhân và chuẩn bị tiến hành một cuộc kiểm tra toàn diện khả năng ứng phó với thảm họa thiên nhiên của toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân trong khối.

Trong khi đó, các nền kinh tế đang nổi vẫn cho rằng đầu tư phát triển điện hạt nhân là lựa chọn duy nhất đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia. Chủ tịch Ủy ban Năng lượng hạt nhân Ấn Độ, Srikumar Banerjee, tại một cuộc họp báo ở Mumbai đầu tuần này, nói rõ: “Ấn Độ rất đói năng lượng, chúng tôi nhất thiết phải có nguồn điện năng thế hệ mới”. Ấn Độ hiện có 20 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và có kế hoạch đầu tư 150 tỉ đô la Mỹ xây dựng thêm 20 nhà máy điện hạt nhân nữa trong thập niên này. Mục tiêu của Ấn Độ là các nhà máy điện hạt nhân sẽ cung cấp 25% tổng nhu cầu điện năng của quốc gia vào năm 2050, tăng 10 lần so với hiện nay. Riêng trung tâm hạt nhân nằm trên bờ biển phía Tây Ấn Độ, gần khu di tích thành Goa, được kỳ vọng sẽ là tổ hợp năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới.

Trung Quốc còn tham vọng hơn. Ngành năng lượng hạt nhân Trung Quốc hiện có 11 lò phản ứng đang hoạt động, 30 lò đang xây dựng và có kế hoạch phát triển mỗi năm hàng chục lò phản ứng mới trong suốt thập kỷ này. Nhu cầu điện năng của Trung Quốc tăng bình quân 12% mỗi năm và theo ông Zhang Lijun, Thứ trưởng Bộ Môi trường nước này, tai nạn ở Nhật Bản sẽ không ngăn trở chương trình hạt nhân của Bắc Kinh.

Thực tế, trong những năm gần đây, điện hạt nhân đã trải qua “thời kỳ phục hưng” do tình trạng khí hậu biến đổi khiến các quốc gia phải tìm kiếm một nguồn năng lượng ít ô nhiễm hơn và điện hạt nhân là lựa chọn hàng đầu. Yếu tố an toàn bị coi nhẹ, hiệu quả kinh tế được đề cao, biện minh cho chủ trương xây dựng ồ ạt các lò phản ứng hạt nhân trên khắp thế giới. Trước khi xảy ra sự cố ở Nhật Bản, Hiệp hội Hạt nhân thế giới WNA cho biết con số 443 lò phản ứng hạt nhân hiện thời sẽ tăng lên gấp đôi trong vòng 15 năm. Đáng chú ý là có 25 nước đang phát triển, thu nhập thấp và công nghệ lạc hậu vẫn lên kế hoạch xây dựng lò phản ứng hạt nhân, trong số này có Bangladesh, Việt Nam và Nigeria.

Tuy nhiên, sự cố tại Nhật cho thấy, một đất nước có công nghệ tiên tiến, tôn trọng các giá trị môi trường và kỷ luật lao động vẫn không tránh được hiểm họa tiềm ẩn trong các nhà máy điện hạt nhân. Và cái giá phải trả khi tai nạn xảy ra là cao hơn nhiều lần so với lợi ích mà công nghệ này đem lại. Vả lại, để có năng lượng sạch, không nhất thiết phải phát triển điện hạt nhân mà còn có những nguồn khác như mặt trời, gió, địa nhiệt… tồn tại ở khắp nơi trên thế giới. Năm ngoái, tập đoàn Exelon – công ty điều hành hệ thống điện hạt nhân lớn nhất nước Mỹ – đã quyết định hủy kế hoạch xây hai nhà máy điện hạt nhân ở bang Texas, dùng số tiền đầu tư đó để phát triển một nhà máy điện gió vì cho rằng điện hạt nhân không còn có hiệu quả về kinh tế. Đây là một trường hợp rất đáng tham khảo.

Nếu đặt “sự an toàn và hạnh phúc của người dân là ưu tiên hàng đầu” như Thụy Sỹ thì đây là lúc phải cân nhắc cẩn trọng tất cả các yếu tố liên quan đến việc phát triển năng lượng hạt nhân (từ công nghệ đến quy trình vận hành, con người) để tránh cho các thế hệ sau một thảm họa hạt nhân như những gì đang diễn ra ở Nhật Bản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới